QUYẾT ĐỊNH CỦA TA THÁI NGUYÊN LÀ TRÁI VỚI PL QUỐC TẾ MÀ VN THAM GIA

Trong mấy ngày vừa qua, cư dân mạng khá phẫn nộ đối với quyết định của toà án phúc thẩm tuyên tài xế container không giữ khoảng cách an toàn, gây tai nạn giao thông chết người khi đâm vào xe Innova đi ngược chiều. Cụ thể:

Theo hồ sơ, sáng 19-11-2016, Ngô Văn Sơn lái xe Toyota Innova 8 chỗ chở 10 hành khách đi ăn cưới ở TP Thái Nguyên, có chạy trên tuyến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên. Do xe vượt quá lối ra khỏi cao tốc tại nút giao Yên Bình (thị xã Phổ Yên), Sơn đã cho ô tô đi lùi, sát hàng rào bên phải.

Cùng lúc, Lê Ngọc Hoàng điều khiển xe đầu kéo kéo theo rơ-moóc đi thuận chiều trên cao tốc, tốc độ 60 – 65 km/giờ. Đến gần nút giao, thấy chiếc Innova phía trước cách khoảng 70 m đang bật đèn phanh đỏ, tài xế Hoàng không phanh giảm tốc mà quan sát gương chiếu hậu. Do phía sau có ô tô khác đang vượt lên, Hoàng không thể chuyển làn rồi tông vào đuôi chiếc Innova khiến 4 người tử vong tại chỗ, 2 người bị thương.

Tài xế Sơn bị cáo buộc vi phạm 3 lỗi: Không được lùi xe ở khu vực cấm dừng trên cao tốc, điều khiển ô tô trên đường khi có nồng độ cồn và chở khách vượt quá số người quy định. Trong khi đó, tài xế Hoàng bị xác định đã không giữ tốc độ và khoảng cách an toàn với xe chạy liền trước.

Theo tôi, việc xác định tài xế Hoàng vi phạm khoảng cách an toàn với xe chạy ngược chiều là không hợp logic và không phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế.

Tại vụ án, toà án đã sử dụng Thông tư số 91/2015/TT-BGTVT để làm căn cứ cho rằng tài xế Hoàng đã không giữ khoảng cách an toàn tối thiểu giữa hai xe. Tuy nhiên, thông tư này lại không đề cập đến việc quy định về khoảng cách an toàn liệu có áp dụng đối với trường hợp xe liền kề bất chợt lùi hay đi ngược chiều hay không. Đây là một thiếu sót của người làm luật tại Việt Nam. Tuy nhiên, ta có thể tìm được câu trả lời tại Công Ước Giao Thông Đường Bộ 1968 mà Việt Nam đã tham gia từ tháng 08/2014.

Khoản 5 Điều 13 của Công Ước 1968 quy định: “Người điều khiển phương tiện đi sau phương tiện khác phải giữ khoảng cách an toàn để tránh va chạm khi phương tiện phía trước giảm tốc độ hoặc dừng lại đột ngột.”

Như vậy đã rõ, mục đích của việc giữ khoảng cách an toàn giữa hai xe, theo thông lệ và pháp luật quốc tế, chỉ để phòng ngừa tai nạn khi xe phía trước giảm tốc hoặc dừng lại đột ngột, chứ không bao gồm phòng ngừa trường hợp xe phía trước đi lùi hay đi ngược chiều. Do đó, trách nhiệm giữ khoảng cách an toàn giữa hai xe phải hiểu là giữ khoảng cách với xe đi cùng chiều, chứ không phải giữ khoảng cách với xe đi ngược chiều. Hay nói một cách khác, trách nhiệm của tài xế trong việc giữ khoảng cách an toàn giữa hai xe chỉ áp dụng khi xe phía trước đang đi đúng chiều đường, sau đó bất chợt giảm tốc hay dừng đột ngột, chứ không áp dụng khi xe phía trước bất chợt vi phạm luật giao thông để lùi hay đi ngược chiều.

Điều này hoàn toàn phù hợp với thực tế, logic thông thường và tinh thần pháp luật công bằng, do không nên bắt một người chịu trách nhiệm lường trước hành động bất hợp lý và vi phạm pháp luật của một người khác.

Theo quy định, điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia cũng là pháp luật Việt Nam (và có hiệu lực cao hơn cả luật, chỉ kém Hiến Pháp). Do đó, toà án buộc phải xem xét và tôn trọng Công Ước GTDB 1968. Việc tuyên tài xế Container không giữ khoảng cách an toàn đối với xe đi ngược chiều gây chết người, theo tôi, là rất miễn cưỡng, không hiểu rõ về bản chất vấn đề và không phù hợp với thông lệ và pháp luật quốc tế.

Tôi không rõ các luật sư của anh tài xế Container đã đề cập từ ngữ và tinh thần của Công Ước GTDB 1968 tại toà chưa. Nêú chưa thì thật đáng tiếc, nhưng cũng đáng để lấy căn cứ đưa vụ việc lên Toà án nhân dân tối cao đề nghị đưa ra một án lệ.


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *