
Một vài năm trở lại đây, đặc biệt từ khi dịch Covid-19 bùng phát, sự gia tăng cuộc gọi rác, tin nhắn rác nhằm mục đích quảng cáo, lừa đảo và chiếm đoạt tài sản của người tiêu dùng diễn ra phổ biến ở hầu khắp các địa phương. Việc làm này không chỉ vi phạm quy định về quảng cáo, sử dụng thông tin cá nhân trái phép, vi phạm quy định về luật công nghệ thông tin mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và thậm chí xâm phạm tài sản của cá nhân.
Trước vấn nạn tin nhắn rác, cuộc gọi rác, Chính phủ Việt Nam đã có hàng loạt các biện pháp để phòng và chống tình trạng này, như thiết lập hành lang pháp lý để quản lý tin nhắn rác, cuộc gọi rác thông qua Luật công nghệ thông tin, Nghị định 91/2020/NĐ-CP về chống tin nhắn rác, cuộc gọi rác, thư điện tử rác, thiết lập Trung tâm ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam VNCERT, kênh tiếp nhận phản ánh về tin nhắn rác, cuộc gọi rác, thư điện tử rác để giảm thiểu tình trạng này. Tuy nhiên, sau 2 năm đi vào hoạt động, các quy định này vẫn chưa đạt được hiệu quả đáng kể, bởi một phần đến từ việc người dân chưa nắm được đầy đủ các quy định và các biện pháp thực hiện để tự bảo vệ bản thân khỏi các loại rác này.
Tại bài viết này, #Technolawgy xin gửi tới quý anh chị và các bạn một số phương thức phòng chống tin nhắn rác được cho là hiệu quả, đơn giản, dễ dàng để bảo vệ chính bản thân và người thân của mình trong thời kỳ “Dịch tin nhắn rác, cuộc gọi rác” hoành hành như hiện nay.
1. Đăng ký vào Danh sách không quảng cáo:
Cục An toàn thông tin thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông đã thiết lập xong công cụ để người dùng điện thoại di động có thể đăng kí vào “Danh sách không quảng cáo” (DNC). Danh sách này sẽ tập hợp các số thuê bao di động đăng kí không nhận tin nhắn rác và cuộc gọi rác. Hay nói chính xác hơn là từ danh sách này, phía doanh nghiệp có thể tham khảo và nắm bắt để về sau không thực hiện các tin nhắn hay cuộc gọi telesale quảng cáo dịch vụ, mời gọi mua các sản phẩm và dịch vụ như nhà đất, dịch vụ bảo hiểm, suất học online…
Hiện có hai cách để người dùng thực hiện việc đăng kí vào danh sách DNC:
Cách thứ nhất là đăng kí qua tin nhắn SMS.
Thuê bao di động chỉ cần soạn tin nhắn theo cú pháp DK DNC gửi 5656. Sau đó, hệ thống sẽ phản hồi lại bằng một tin nhắn xác nhận “quí khách đã đăng kí thành công vào danh sách không quảng cáo DNC”. Nếu thuê bao cần hủy số điện thoại của mình khỏi DNC, chỉ cần soạn HUY DNC gửi 5656.
Cách thứ hai là đăng kí qua website “khongquangcao.ais.gov.vn”.
Sau khi truy cập vào website, người dùng nhập số điện thoại cần đăng kí DNC và chọn “đăng ký”. Sau đó nhập mã OTP được hệ thống gửi về cho thuê bao, hệ thống sẽ thông báo kết quả xử lí.
Nhìn chung cả 2 cách đều khá đơn giản. Với nhiều người, trong đó có những người lớn tuổi, những người ít sử dụng máy tính hoặc sử dụng không thông thạo, thì cách đăng kí qua SMS sẽ tiện lợi hơn.
2. Người dùng báo tin nhắn rác đến đầu số 5656
Tại Nghị định 91, Chính phủ quy định, Cục An toàn thông tin xây dựng, vận hành Hệ thống tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác trên đầu số 5656. Khi đó, người sử dụng dịch vụ có thể phản ánh, cung cấp các bằng chứng tới đầu số 5656. Đồng thời, khi thực hiện các chương trình quảng cáo, người quảng cáo bằng tin nhắn phải gửi bản sao tin nhắn quảng cáo tới đầu số 5656 này. Hiện nay, việc phản ánh tin nhắn rác được thực hiện thông qua Hệ thống tiếp nhận phản ánh tin nhắn tại trên đầu số 456. Do đó, trong vòng 90 ngày kể từ ngày 01/10/2020, Hệ thống tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác trên đầu số 456 sẽ được chuyển sang đầu số mới 5656.
3. Chuyển tiếp tin nhắn rác, cuộc gọi rác về Hệ thống tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác:
Truy cập vào website: Hệ thống tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác – VNCERT (ais.gov.vn) để báo cáo các tin nhắn rác, cuộc gọi rác và email rác. Trình tự các bước được quy định cụ thể tại trang web. Các báo cáo sẽ được hệ thống của Cục an toàn thông tin – Bộ Thông tin truyền thông tiếp nhận, phân loại và xử lý.
Bên cạnh đó, Quý anh chị có thể tham khảo thêm Quy định về xử phạt về gửi tin nhắn rác, cuộc gọi rác
Mức phạt này được bổ sung so với quy định hiện nay tại Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ. Cụ thể, mức phạt này dao động từ 05 triệu đồng đến 100 triệu đồng:
– Phạt tiền từ 05 – 10 triệu đồng: Gọi điện thoại quảng cáo khi chưa được đồng ý một cách rõ ràng, đến người đã từ chối nhận cuộc gọi quảng cáo; gửi tin nhắn đăng ký đến người sử dụng đã từ chối hoặc không trả lời nhận tin nhắn đăng ký quảng cáo;
– Phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng: Gọi hơn 01 cuộc gọi đến 01 số điện thoại trong vòng 24 giờ hoặc ngoài khoảng thời gian từ 08 giờ – 17 giờ mỗi ngày mà không có thỏa thuận khác…
– Phạt tiền từ 60 – 80 triệu đồng: Gửi tin nhắn đăng ký quảng cáo không đúng quy định; gửi bất kỳ tin nhắn quảng cáo nào đến các số điện thoại nằm trong Danh sách không quảng cáo;
– Phạt tiền từ 80 – 100 triệu đồng: Gửi tin nhắn quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo đến các số điện thoại nằm trong Danh sách không quảng cáo.
Ngoài việc phạt tiền, người vi phạm còn có thể bị buộc thu hồi số điện thoại đã thực hiện hành vi vi phạm.
Lưu ý: Những mức xử phạt vi phạm này sẽ được áp dụng từ 01/3/2021. Trên đây là quy định về việc chặn tin nhắn, cuộc gọi rác thế nào theo Nghị định 91 vừa được ban hành. Có thể thấy, việc ban hành Nghị định này, vấn nạn tin nhắn rác, cuộc gọi rác hứa hẹn sẽ được kiểm soát trong thời gian sắp tới.