
Xin các luật sư hỗ trợ giúp em.
Em có mượn dùm 1 người chị trong nhà 350 triệu đồng, và có viết giấy tay để làm chứng. Bây giờ chị ấy bỏ trốn không nói lời nào. Xin cho em hỏi em có thể kiện được không ạ?
Tư vấn:
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Trung Cường. Về vấn đề bạn hỏi, chúng tôi xin được tư vấn như sau:
Như bạn trình bày là bạn có vay hộ một người chị số tiền 350 triệu đồng, có giấy viết tay làm chứng, không thấy bạn nói rõ là giấy viết tay là giấy ghi nợ hay giấy xác nhận việc bạn vay hộ chị ấy. Tuy nhiên hiện nay người chị này đã bỏ trốn, không trả tiền vay và bạn không liên lạc được, như vậy đã có dấu hiệu bỏ trốn nhằm trốn tránh nghĩa vụ trả nợ và chiếm đoạt số tiền đã vay. Vì vậy với các hành vi của người chị này cùng với số tiền vay 350 triệu đồng, bạn có thể khởi kiện người chị này tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” được quy định tại điểm a Khoản 1, Khoản 3 Điều 175 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017:
Điều 175. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính zvề hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
……
3. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.
Bởi vì người chị này hiện nay đang bỏ trốn và bạn không liên lạc được nên việc bạn cần làm đầu tiên là tố giác tội phạm. Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền. Do đó, bạn cần làm đơn tố cáo hành vi vay tiền rồi bỏ trốn của người chị trên và gửi đến cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận tố giác. Quy định trách nhiệm tiếp nhận và thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đã được nêu rõ tại Điều 145 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 như sau:
Điều 145. Trách nhiệm tiếp nhận và thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
1.Mọi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố phải được tiếp nhận đầy đủ, giải quyết kịp thời. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận không được từ chối tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
2.Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố gồm:
a) Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;
b) Cơ quan, tổ chức khác tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm.
3. Thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố:
a) Cơ quan điều tra giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố theo thẩm quyền điều tra của mình;
b) Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo thẩm quyền điều tra của mình;
c) Viện kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong trường hợp phát hiện Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng không được khắc phục.
4. Cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố có trách nhiệm thông báo kết quả giải quyết cho cá nhân, cơ quan, tổ chức đã tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Theo quy định trên thì bạn có thể gửi đơn tố giác tội phạm tới cơ quan công an gần nhất, hoặc Viện Kiểm sát, UBND các cấp tại khu vực bạn đang cư trú. Nội dung đơn tố cáo gồm những nội dung chính như: họ tên, địa chỉ của người tố cáo; họ tên, địa chỉ thường trú/tạm trú trước khi bỏ trốn, hành vi vi phạm pháp luật của người bị tố cáo; yêu cầu của người tố cáo. Sau khi xem xét và xác định cơ quan có thẩm quyền, cơ quan tiếp nhận tố giác sẽ làm thủ tục chuyển quyền điều tra vụ án cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Trên đây là nội dung tư vấn mang tính tham khảo của Tư vấn viên pháp luật thuộc Công ty Luật TNHH Trung Cường. Nếu cần tư vấn chi tiết, hãy liên hệ với chúng tôi qua số Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 19006184 hoặc gọi đến số 0982102159; 0982211062; 0918247188 để được trả lời thỏa đáng hoặc cung cấp dịch vụ Luật sư.