Từ vụ việc ông Trần Văn Thêm được bồi thường oan sai 6,7 tỷ đồng nhưng chỉ “Cầm về” 2 tỷ, ngẫm về cái tâm của người luật sư

Những ngày qua, dân mạng được chứng kiến sự sôi động thông tin về việc “truy tìm” các khoản tiền liên quan tới 6,7 tỷ đồng mà Cụ Trần Văn Thêm (Bắc Ninh) được Nhà nước bồi thường do bị oan (Cụ đã bị kết án TỬ HÌNH về tội Giết người, nhưng thực tế Cụ không thực hiện hành vi phạm tội đó). Với góc nhìn của một người đã từng xét xử và nay là đồng nghiệp của LS Nguyễn Văn Hòa, tôi xin có đôi điều cảm nghĩ.

Trước hết, đây là một nỗi đau vô cùng xót xa của Cụ Thêm và gia đình Cụ. Đó còn là nỗi đau của các cơ quan tố tụng có thẩm quyền trực tiếp giải quyết vụ án này. Không ai mong muốn hậu quả như vậy, nhưng nó đã hiện hữu, bởi sự thiếu thận trọng, thiếu khách quan, thậm chí có thể nói là sự non kém trong đánh giá và sử dụng chứng cứ chứng minh tội phạm của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Đấy là nguyên nhân trực tiếp khiến cho nửa đời người của Cụ Thêm phải sống trong đau khổ, uất hận, xót xa.

Việc Công ty Hòa Lợi và Luật sư Nguyễn Văn Hòa tham gia giải oan cho Cụ Thêm, trước hết cần ghi nhận tấm lòng đau đáu với nghề, tử về nghiệp của Luật sư Lợi và Luật sư Hòa. Ban đầu, chắc họ vào cuộc không phải vì tiền. Chắc gđ Cụ Thêm cũng không có khả năng kinh tế để nộp phí dịch vụ cho Công ty Hòa Lợi cũng như LS Hòa. Quá trình giải oan, đối với VN ta là một công cuộc vô cùng gian nan, vất vả, tỷ lệ thành công vô cùng nhỏ bé, có chăng chỉ là niềm tin le lói nơi cuối đường hầm dài dằng dặc không ai xác định được điểm cuối.

Thực tế là, đã qua 44 năm, nửa đời người, giờ đây Cụ Thêm mới chính thức được minh oan và được bồi thường oan sai với số tiền 6,7 tỷ. Quá trình đi tìm công lý, LS Hòa và Công ty Hòa Lợi tham giúp đỡ Cụ Thêm hoàn toàn miễn phí mà không nhận bất cứ một đồng nào (theo lời LS Lợi trog một bài viết năm 2017). Điều này tôi tin là có thật. Chỉ đến khi tia hy vọng giải oan sáng dần lên và khả năng đến đích khá rõ nét thì Cụ Thêm mới làm giấy ủy quyền cho LS Hòa – Giấy ủy quyền lập ngày 10/6/2018. Tôi không biết rõ trong Giấy ủy quyền thể hiện nội dung như thế nào, nhưng theo lời LS Lợi thì: Sau khi ông Hòa giao đủ số tiền 6,7 tỷ cho Cụ Thêm thì Cụ Thêm đã tự nguyện giao 2,7 tỷ đồng cho ông Hòa theo thỏa thuận tại Giấy ủy quyền ngày 10/6/2018 và Cụ Thêm cho anh Trần Văn Được (là cháu Cụ Thêm đã đồng hành với Cụ đi kêu oan trong nhiều năm) là 1,35 tỷ đồng. Như vậy, công bằng mà nói, nếu không có sự vào cuộc (ban đầu là miễn phí) của Công ty Hòa Lợi và LS Hòa cùng anh Trần Văn Được thì chắc sẽ khó có được cái kết có hậu như ngày hôm nay. Thiết nghĩ, gia đình Cụ Thêm chắc cũng hiểu thấu vấn đề này.

Mặt khác, trong nhiều năm đi kêu oan cho Cụ Thêm, chắc chắn LS Hoà và anh Được đã phải bỏ công sức, tiền bạc để chi cho mỗi bước đi, mỗi cung đường, mỗi cửa ải mà Cụ Thêm đã đi qua. Chỉ nói riêng công sức LS bỏ ra thôi cũng thấy là đáng giá nhiều nhiều triệu rồi (LS ngồi phòng điều hòa, tư vấn cho khách cũng được 500.000 đến 1.000.000 mỗi giờ), huống hồ họ phải lặn lội gieo neo trên mỗi cung đường, mỗi cửa ải. Nói như vậy để thấy công sức và tiền bạc LS Hoà và anh Được bỏ ra không phải là ít. Giả sử, kết quả không được như ý, không minh oan được cho Cụ Thêm thì chắc chắn LS Hòa cũng như a Được sẽ không thể yêu cầu gđ Cụ Thêm thanh toán số tiền đã chi và LS Hòa cũng xác định rõ đó là việc làm từ thiện. Cho nên, chúng ta cần thừa nhận một điều, tính đến thời điểm trước ngày 10/6/2018, LS Hòa tham gia kêu oan giúp cụ Thêm là làm công việc hoàn toàn thiện nguyện, miễn phí.

Tuy nhiên (lại tuy nhiên), nếu không có cái sự tuy nhiên này chắc chúng ta, những người quan tâm tới vụ bồi thường oan sai thế kỷ trong lịch sử tố tụng hình sự này sẽ chỉ dành những lời hân hoan chúc mừng đến Cụ Thêm và sự nể phục, trân trọng dành cho LS Hòa cùng Công ty Hòa Lợi. Và nhiều khi, cái TUY NHIÊN, đó chỉ là vĩ thanh, nhưng nay lại trở thành vấn đề chính làm lu mờ công sức của LS và niềm vui đến chửa tày gang của Cụ Thêm.

Cái TUY NHIÊN nằm ở nội dung thỏa thuận giữa Cụ Thêm và LS Hòa cũng như thỏa thuận giữa Cụ Thêm với anh cháu họ Trần. Cụ thể, Cụ Thêm sẽ chia cho LS Hòa 40%, cho anh cháu Trần Văn Được 20% số tiền được bồi thường oan sai. Vì vậy, Cụ Thêm chỉ còn nhận về 40% số tiền 6,7 tỷ đồng, đồng thời Cụ Thêm còn phải dành ra 500 triệu (gửi ông Hòa) để dự phòng nộp thuế thu nhập cá nhân. Chính vì vậy, Cụ Thêm chỉ thực đem về gia đình 2,1 tỷ đồng, số tiền được hưởng do Cụ bị khởi tố, truy tố, xét xử và thi hành án oan sau hơn 40 năm. Cụ Thêm năm nay đã 83 tuổi, khi làm giấy ủy quyền thì Cụ ở tuổi 82. Và Cụ hoàn toàn minh mẫn để ký giấy ủy quyền, để thỏa thuận việc phân chia số tiền nếu được bồi thường. Điều đó hoàn toàn đúng pháp luật, đó là quyền định đoạt tài sản trong tương lai (nếu có) của Cụ Thêm. Các quyền và nghĩa vụ chủ thể tham gia thỏa thuận trong hợp đồng chia tiền bồi thường này hoàn toàn phù hợp với pháp luật dân sự đúng như lời LS Lợi khẳng định. Nếu các con, cháu Cụ Thêm kiện dân sự thì họ cũng không có tư cách thay Cụ Thêm làm cái việc “lật lại” hoặc xem lại tính hợp pháp của các thỏa thuận đã ký giữa Cụ Thêm với LS Hòa hoặc thỏa thuận miệng giữa anh Được (cháu họ Cụ Thêm) với Cụ Thêm, bởi khi thỏa thuận, Cụ Thêm hoàn toàn minh mẫn, tự nguyện.

Ngay cả lúc này đây, khi gđ Cụ Thêm lên tiếng nhưng chính Cụ vẫn khẳng định đó là Cụ đồng ý chia như vậy. Đó là xét về mặt lý, còn xét về mặt tình thì sao? Tại sao tôi đặt vấn đề xét cả lý và tình? Như chúng ta đã biết, trên thế giới, có ba xu hướng sống là DUY TÌNH, DUY LÝ VÀ DUY TÂM. Dân tộc Việt Nam ta thuộc xu hướng thứ nhất. Và trong giải quyết án các loại, Nhà nước ta luôn yêu cầu người có thẩm quyền áp dụng pháp luật phải đưa ra quyết định chính xác, đúng quy định của pháp luật (tức là có lý), còn xã hội nói chung thì luôn mong muốn việc giải quyết sự việc phải thấu tình, đạt lý, vừa đáp ứng yêu cầu của Nhà nước, vừa thỏa mãn sự mong đợi của Nhân dân. Cái lý đạt rồi, nhưng cái tình chưa thấu thì chính cái tâm của người áp dụng PL cũng như người được hưởng quyền lợi từ việc sử dụng PL mang lại sẽ chưa an. Tôi cảm nhận, việc định đoạt về quyền tài sản của Cụ Thêm không sai (các chủ thể hoàn toàn tự nguyện, thỏa thuận là đúng quy định PL dân sự) nhưng xét về tỷ lệ phân chia thì có cái gì đó chưa ổn, chưa an, chưa thấu tình. Đây là nội dung khá trừu tượng, khó đưa ra một định lượng để nói rằng như thế nào là ổn, là thấu tình. Nhưng các cụ ta có câu: Thuận mắt ta, cả nhà cùng thuận. Đây là một triết lý sống mà nhiều người trong chúng ta luôn theo đuổi, trong đó có tôi.

Xin Liên hệ một chút đến quan hệ mua bán thuốc tân dược. Khi chúng ta vào các hiệu thuốc, mua thuốc cho người bệnh, dù giá đắt đỏ bao nhiêu nhưng như một lẽ tự nhiên bất thành văn, chẳng có ai mà cả giá thuốc. Khi bạn đồng ý mua tức là hai bên đã thoả thuận giá cả và hàng hoá. Hoặc trong nghề Luật sư, Khi người dân cần được cung cấp dịch vụ pháp lý, giá cả chủ yếu do các Công ty, Văn phòng Luật đưa ra, nếu cảm thấy đáp ứng được thì ok ký hợp đồng, rất ít khách hàng mà cả giá dịch vụ đó. Và Một thực trạng hiện nay là, chất lượng dịch vụ pháp lý mà LS cung cấp, không phải trường hợp nào cũng tương xứng với giá cả và phù hợp với quy luật giá cả. Có VP đưa ra mức giá dịch vụ giá rất cao so với mức thu nhập bình quân của xã hội nên người dân bình thường khó đủ sức “mua”.

Trở lại nội dung thỏa thuận trong vụ việc này, khi xuất hiện anh Trần Văn Được (cháu Cụ Thêm) đồng hành đi đòi công lý với người được Cụ Thêm ủy quyền thì rõ ràng, LS Hòa sẽ đỡ vất vả hơn trên con đường chông gai ấy. Có thể coi anh Được và LS Hòa cùng nhau chung lưng gánh vác công việc Cụ Thêm giao và họ được Cụ Thêm chia hưởng 60% (tổng cho hai người) và họ không phải chịu thuế thu nhập cá nhân. Mức chia này cao hơn 20% so với nhân vật chính, người có công “tạo ra” khối tài sản 6,7 tỷ. Xét về lý, chắc không có gì bàn cãi, nhưng xét về tình thì, như các cụ ta đã nói, chưa “thuận mắt” lắm. Chính vì cái sự chưa “thuận mắt” ấy nên mới xuất hiện nhiều quan điểm trái chiều trên mạng XH nhiều ngày nay. Tỷ lệ này khiến cho nhiều người trong chúng ta liên tưởng đến các hoạt động trong XH đang thịnh hành: cá nhân, tổ chức nhận ủy quyền của chủ nợ để đòi nợ, kết quả đòi nợ được các bên thỏa thuận phân chia theo một tỷ lệ nhất định (ví dụ 50-50, 40-60, 30-70…).

TRở lại trường hợp cụ thể của Cụ Thêm, tỷ lệ được thỏa thuận là 40 % cho Cụ Thêm, 60 % cho LS Hòa và anh Được. Tỷ lệ này cũng lại khiến cho nhiều người nhớ tới lời của LS Lợi là Công ty Luật Hòa Lợi và Luật sư tham gia bảo vệ miễn phí cho Cụ Thêm. Nếu không có tuyên bố này thì chắc dư luận cũng không sôi nổi đến như thế.

Ngoài ra, ở một khía cạnh khác, người phải nộp thuế thu nhập cá nhân cho tổng số tiền 6,7 tỷ là Cụ Thêm bởi danh chính ngôn thuận, Cụ Thêm là người được hưởng 6,7 tỷ đồng tiền BT. Nhưng thực tế, sau khi chia lợi ích cho LS Hòa và anh Được thì Cụ chỉ còn được hưởng 2,6 tỷ trước thuế, nếu nộp thuế cho toàn bộ số tiền 6,7 tỷ thì số tiền thực hưởng sẽ chỉ còn khoảng 30%. Đây là một tỷ lệ khá thấp so với mức mà LS Hòa được chia. Lại là một điều bất cập nữa nếu Cụ Thêm phải đóng thuế thay cho hai chủ thể khác đã hưởng 60%, một sự thiếu công bằng với Cụ. Tuy nhiên, theo tôi đc biết thì khoản Bồi thường NN đc miễn thuế TNCN, vấn đề này, có lẽ các LS rõ hơn ai hết. Nhưng ko hiểu sao LS Hoà vẫn giữ thẻ TK trị giá 500 triệu của Cụ Thêm???

Thay cho lời kết: thiển nghĩ, Mọi việc làm, ai cũng phải được hưởng công sức mà mình bỏ ra. Đó là lẽ công bằng. Nhưng công sức bao nhiêu, hãy tự mình cân nhắc để sao cho nhận đồng tiền mà thấy tâm an và nhận được sự đồng thuận của XH. Đó cũng là điều mà nhiều người luôn tự răn qua mỗi ngày được sống. Cảm ơn bạn đã đọc hết thiển nghĩ của tôi! Nếu có gì không ổn, xin được lượng thứ! Chúc cả nhà luôn tâm an, trí sáng!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *