TƯ VẤN VỀ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO VẬT NUÔI GÂY RA

Nhà em có con chó béc, đợt trước tết bố em cho chó đi chơi thì bà hàng xóm vỗ vào đầu trêu khiến chó cắn bà ấy phải đi viện 108.

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới Luật Trung Cường. Về vấn đề bạn hỏi chúng tôi xin được tư vấn như sau:

Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác được quy định tại Điều 138 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Cụ thể như sau:

“Điều 138. Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

1. Người nào vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.

3. Phạm tội đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.”

            Theo như bạn nói thì do bà hàng xóm đã vỗ vào đầu con chó nhà bạn dẫn đến bị chó cắn và bố bạn khi đó không thể ngăn chặn kịp. Vì vậy, hành vi của bố bạn là vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo quy định tại Điều 138 nêu trên. Bạn không nói rõ là bà hàng xóm phải nhập viện và có tỷ lệ tổn thương cơ thể là bao nhiêu %, tuy nhiên theo quy định tại Điều 138 thì dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này là khi có hành vi gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên thì người phạm tội mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

            Về việc bồi thường dân sự cho người hàng xóm bị chó nhà bạn cắn.

            Gia đình bạn (là chủ sở hữu vật nuôi) phải có trách nhiệm bồi thường cho bà hàng xóm những thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bởi súc vật gây ra được quy định cụ thể tại Điều 603 và Điều 590 Bộ luật Dân sự năm 2015:

“Điều 603. Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra

  1. Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
  2. Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
  3. Trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường; khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
  4. Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.”

 “Điều 590. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm

1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;

d) Thiệt hại khác do luật quy định.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.”

Trên đây là nội dung tư vấn mang tính tham khảo của Tư vấn viên pháp luật thuộc Công ty Luật TNHH Trung Cường. Nếu cần tư vấn chi tiết, hãy liên hệ với chúng tôi qua số Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 19006184 hoặc gọi đến số 0982102159; 0982211062; 0918247188 để được trả lời thỏa đáng hoặc cung cấp dịch vụ Luật sư.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *