
THUẬN TÌNH LY HÔN CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI
Cuộc sống vợ chồng, ai cũng mong muốn được hạnh phúc bên nhau cho đến đầu bạc, răng long, để được nắm tay nhau đi đến cuối con đường. Tuy nhiên, khi tình yêu phai nhạt qua năm tháng, khi họ cảm nhận không còn cần nhau nữa, bên nhau chỉ còn là khổ đau, họ thấy “cô đơn” trong chính ngôi nhà của mình thì, việc tiếp tục duy trì quan hệ vợ chồng có lẽ chỉ làm khổ nhau thêm. Lúc này, ly hôn chính là giải pháp tốt nhất để giải phóng nhau khỏi “địa ngục trần gian”.
Có rất nhiều cặp vợ chồng hiểu ra điều này và họ tự nguyện chấp nhận sự thật, cùng nhau làm đơn yêu cầu Tòa án công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn. Để rồi, họ vẫn là bạn của nhau, cùng quan tâm chăm sóc con dù mỗi người sẽ đi một con đường mới.
Đối với các trường hợp thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con và chia tài sản mà cả hai bên vợ chồng đều cư trú tại Việt Nam, theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) thì điều này đơn giản hơn và được giải quyết ở Tòa án cấp quận, huyện. Nhưng khi một trong hai bên hoặc cả hai vợ chồng cư trú ở nước ngoài hoặc một bên mang quốc tịch nước ngoài hoặc họ có tài sản chung ở nước ngoài thì, thẩm quyền công nhận sẽ thuộc Tòa án Nhân dân cấp tỉnh (khoản 3 Điều 35, điểm b khoản 1 Điều 37 BLTTDS).
Trong các trường hợp đó, việc đương sự phải đi lại từ nước ngoài nơi họ sinh sống về Việt Nam để làm các thủ tục tại Tòa án sẽ tốn rất nhiều công sức, tiền bạc, thời gian, trong khi việc giải quyết vấn đề ly hôn thường được Tòa án tiến hành theo một trình tự, thủ tục chặt chẽ, chắc chắn mất nhiều thời gian chờ đợi. Nhằm giảm thiểu chi phí cho đương sự, tạo điều kiện để công dân thực hiện được mong muốn ly hôn của mình, pháp luật tố tụng dân sự quy định các đương sự có thể được giải quyết vắng mặt.
Vậy để được công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn cần phải có các thủ tục gì? Đó là các thủ tục cần thiết sau đây:
1. Cả hai đương sự làm chung một đơn hoặc mỗi người một đơn (theo mẫu do Tòa án phát hành, hoặc đơn được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án Nhân dân tối cao). Đối với đương sự là người Việt Nam cư trú ở nước ngoài thì đơn yêu cầu Tòa án công nhận thuận tình ly hôn phải được Đại sứ quán Việt Nam tại nước mà đương sự cư trú xác nhận. Đối với đương sự mang quốc tịch nước ngoài thì đơn phải có xác nhận của cơ quan chức năng của nước mà đương sự mang quốc tịch. Trong đơn yêu cầu, đương sự cần ghi rõ đề nghị Tòa án giải quyết vắng mặt họ.
2. Mỗi đương sự (vợ và chồng) phải viết bản tự khai trình bày về các nội dung thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con (nếu có)) và phân chia tài sản (nếu có) trong bản tự khai thể hiện rõ nguyện vọng được giải quyết vắng mặt;
3. Bản sao sổ hộ khẩu có công chứng, chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước, hộ chiếu của vợ, chồng;
4. Giấy khai sinh của các con (nếu có);
5. Giấy tờ chứng minh quyền tài sản (nếu có);
6. Giấy ủy quyền hoặc Hợp đồng ủy quyền (có công chứng) của đương sự cho một người nào đó (có thể là cha, mẹ, anh chị em hoặc một người bất kỳ có đủ năng lực hành vi dân sự hoặc Luật sư); phạm vi ủy quyền là “thay mặt đương sự nộp phí, tài liệu liên quan tới việc giải quyết việc dân sự và nhận các quyết định tố tụng từ cơ quan chức năng, Tòa án”.
Khi người được ủy quyền nộp các thủ tục trên đến Tòa án cấp tỉnh có thẩm quyền, Tòa án sẽ kiểm tra hướng dẫn việc nộp tạm ứng lệ phí.
Việc dân sự này sẽ được Tòa án giải quyết trong thời hạn không quá 2 tháng 15 ngày (theo Điều 366 BLTTDS).
Chúc các bạn luôn mạnh khỏe, bình an trong cuộc sống./.
Luật sư Luật Sư Bình An – Công ty Luật TNHH Trung Cường sẵn lòng nhận sự ủy thác của các bạn về yêu cầu giải quyết việc ly hôn trong thời gian sớm nhất.