
Ngày 22.1.2018, sau 14 ngày xét xử, TAND thành phố Hà Nội đã tuyên án đối với bị cáo Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh cùng 20 đồng phạm trong vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước và Tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC). Về hình phạt, các bị cáo đã bị tuyên phạt như sau:
1. Đinh La Thăng 13 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước;
2. Trịnh Xuân Thanh 14 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước, tù chung thân về tội Tham ô tài sản; tổng hợp hình phạt là tù chung thân.
3 Phùng Đình Thực 9 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước.
4. Nguyễn Quốc Khánh 9 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước.
5. Nguyễn Xuân Sơn 9 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước.
6. Vũ Đức Thuận 7 năm tù về tội Cố ý làm trái về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước; 15 năm tội Tham ô tài sản. Tổng hợp hình phạt là 22 năm tù.
7. Ninh Văn Quỳnh 7 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước.
8. Lê Đình Mậu 4 năm, 6 tháng tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước.
9. Vũ Hồng Chương 3 năm tù cho hưởng án treo về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước.
10. Trần Văn Nguyên 30 tháng tù cho hưởng án treo về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước.
11. Nguyễn Ngọc Quý 6 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước.
12. Nguyễn Mạnh Tiến 6 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước.
13.Phạm Tiến Đạt 4 năm, 6 tháng tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước.
14. Trương Quốc Dũng 17 tháng tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước.
15. Nguyễn Anh Minh 16 năm tù về tội Tham ô tài sản.
16. Bùi Mạnh Hiển 10 năm tù về tội Tham ô tài sản.
17. Lương Văn Hòa 10 năm tù về tội Tham ô tài sản.
18. Nguyễn Thành Quỳnh 8 năm tù về tội Tham ô tài sản.
19. Lê Thị Anh Hoa 3 năm tù cho hưởng án treo.
20. Nguyễn Đức Hưng 3 năm tù cho hưởng treo về tội Tham ô tài sản.
21. Lê Xuân Khánh 3 năm tù cho hưởng án treo về tội Tham ô tài sản.
22. Nguyễn Lý Hải 3 năm tù cho hưởng án treo về tội Tham ô tài sản.
Tuy dư luận còn có ý kiến khác nhau, thậm chí trái chiều, nhưng dưới góc độ của người đã và đang tiến hành tố tụng, tác giả bài viết cho rằng, nhìn chung, Hội đồng xét xử đã xem xét khá toàn diện các tình tiết của vụ án, đánh giá vai trò tham gia tội phạm của từng bị cáo một cách khách quan, cân nhắc kỹ lượng các tình tiết giảm nhẹ như: Thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; tự nguyện bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả; tích cực giúp đỡ cơ quan tố tụng trong việc điều tra vụ án… Đặc biệt, những bị cáo có thành tích xuất sắc trong công tác hoặc người thân thích có công với cách mạng đều được xem xét thấu đáo để giảm nhẹ mức hình phạt cho bị cáo. Qua đó, công và tội được đánh giá công minh, hợp tình, hợp lý để có được một phán quyết thuyết phục, ngay cả đối với chính bị cáo.
Với bị cáo Đinh La Thăng, mặc dù tại phiên tòa, bị cáo không chối tội nhưng trong lời khai còn có ý né tránh, không trực diện thừa nhận hành vi cố ý làm trái mà xác định mình có sai phạm trong việc chỉ đạo thực hiện dự án NMNĐ Thái Bình 2, nhận trách nhiệm với vai trò người đứng đầu ngành dầu khí. Mặc dù vậy, bị cáo Đinh La Thăng vẫn được HĐXX cho hưởng tình tiết giảm nhẹ thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Đồng thời, HĐXX đã ghi nhận bị cáo đã có công lao đóng góp trong quá trình công tác, có những cống hiến nhất định, có thành tích xuất sắc trong công tác. Chính vì vậy, HĐXX đã dành cho Đinh La Thăng mức án thấp trong khung hình phạt dù bị cáo tham gia tội phạm với vai trò chính, mức độ gây thiệt hại là đặc biệt nghiêm trọng.
Có thể nói, với nguyên Ủy viên BCT Đinh La Thăng, đây là một bản án thấu tình, đạt lý, có tính đến cả công và tội, song vẫn bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật đối với một quan chức cấp cao của Đảng và Nhà nước, là tiếng chuông cảnh báo cần thiết cho các hành vi lạm dụng quyền lực và sự tuỳ tiện trong thực hiện quyền lực, là lời khẳng định “không có vùng cấm” trong chống tham nhũng.
Đối với bị cáo Trịnh Xuân Thanh, là người giữ vai trò thứ hai, sau Đinh La Thăng trong tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước. Nhưng Thanh không nhận ra tội lỗi của mình, không thành khẩn khai báo, quanh co, chối tội; sau khi phạm tội đã bỏ trốn, gây khó khăn cho cơ quan tố tụng trong điều tra, truy tố. Cho nên, Thanh phải chịu mức hình phạt nặng hơn Đinh La Thăng 2 năm là phù hợp với tính chất nguy hiểm của hành vi và những tình tiết tăng tặng trách nhiệm hình sự của bị cáo.
Đối với tội Tham ô tài sản, Trịnh Xuân Thanh không thừa nhận tội phạm, trong khi có khá nhiều lời khai của các đồng phạm và chứng cứ, tài liệu khác để chứng minh tội phạm. Thật tiếc cho một cán bộ cấp cao trong doanh nghiệp nhà nước thuộc tầm cỡ “trọng điểm quốc gia” song lại dễ dàng “đổ” hết trách nhiệm cho thuộc cấp khi việc rút tiền của nhà nước để ăn chia bị bại lộ. Bên cạnh việc đã khắc phục hoàn toàn thiệt hại thuộc kỷ phần của mình, giá như bị cáo thành khẩn khai báo thì chắc chắn mức án dành cho bị cáo không nặng đến thế – tù chung thân.
Đối với các bị cáo khác, nhìn chung, Hội đồng xét xử đã cân nhắc kỹ càng, thận trọng khi xem xét vai trò tham gia tội phạm của từng cá nhân để cá thể hóa hình phạt một cách hợp tình, hợp lý, nghiêm minh và công bằng, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm mà Nhân dân mong đợi. Tuy nhiên, đi sâu một chút vào việc đánh giá vai trò tham gia tội phạm của Bùi Mạnh Hiển (Chánh văn phòng PVC) và Lương Văn Hòa (Giám đốc Ban điều hành dự án Vũng Áng thuộc PVC) trong tội Tham ô tài sản. Tác giả băn khoăn về việc hai bị cáo cùng có hình phạt 10 năm tù; trong khi, vai trò tham gia tội phạm của bị cáo Hiển thấp hơn nhiều so với Hòa. Bùi Mạnh Hiển không lợi dụng chức vụ, quyền hạn, không có động cơ vụ lợi, không trực tiếp quản lý tài sản nên không thể trực tiếp thực hiện hành vi “chiếm đoạt tài sản”; Hiển chỉ thực hiện việc “phân phối” tài sản theo ý kiến của cấp trên sau khi tài sản đã được Lương Văn Hòa và các bị cáo khác chiếm đoạt (việc chiếm đoạt đã hoàn thành). Mặc dù không được hưởng lợi nhưng Bùi Mạnh Hiển nhận thấy hành vi của mình đã góp phần gây thiệt hại cho Nhà nước nên đã tự nguyện khắc phục một phần hậu quả trước khi xét xử. Cho nên, 10 năm tù đối với Lương Văn Hòa, người đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn (Giám đốc dự án) để chiếm đoạt tài sản do mình có trách nhiệm quản lý, là tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm mà Hòa thực hiện. Với Bùi mạnh Hiển, 10 năm tù mà Tòa án tuyên chưa thực sự công bằng với bị cáo.
Trong vụ án này, đáng chú ý là, Hội đồng xét xử sơ thẩm Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã cho bốn bị cáo phạm tội Tham ô tài sản được hưởng án treo. Trong khi, theo Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng Điều 60 của BLHS về án treo đã quy định: Không cho hưởng án treo đối với các trường hợp “lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội; cố ý gây hậu quả nghiêm trọng; phạm tội đặc biệt nghiêm trọng”.
Quy định nêu trên của Nghị quyết 01 xuất phát từ yêu cầu phòng, chống tham nhũng – một loại “giặc nội xâm”cần “đánh” quyết liệt trong giai đoạn hiện nay. Và “Tham ô tài sản” được Bộ luật hình sự xác định là loại tội nặng nhất trong nhóm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn (có mức hình phạt cao nhất đến tử hình). Vật phải chăng, đây là các trường hợp ngoại lệ của Nghị quyết 01???
Chúng tôi cho rằng, việc Hội đồng xét xử sơ thẩm Tòa án Nhân dân Hà Nội cho bốn bị cáo Lê Thị Anh Hoa, Nguyễn Đức Hưng, Lê Xuân Khánh và Nguyễn Lý Hải được hưởng án treo là phù hợp với quy định tại Điều 65 BLHS năm 2015. Bởi mức án ba năm tù là tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội cũng như các tình tiết khác của từng bị cáo; cả bốn bị cáo đều có nhân thân tốt, được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần thiết phải bắt họ chấp hành hình phạt tù mà vẫn bảo đảm được yêu cầu cải tạo thành người có ích khi có sự phối hợp giám sát của chính quyền địa phương nơi cư trú và gia đình. Bản thân các bị cáo Nguyễn Đức Hưng (kế toán), Lê Xuân Khánh (kỹ thuật) và Nguyễn Lý Hải (kỹ thuật) tuy cũng có chức vụ, quyền hạn nhất định trong Ban điều hành dự án (đơn vị quản lý tài sản) nhưng tính chất của sự lợi dụng không đáng kể, vai trò tham gia tội phạm hạn chế.
Mặt khác, Nghị quyết số 01 của HĐTP TANDTC nêu trên là hướng dẫn về án treo quy định tại Điều 60 BLHS năm 1999. Điều 65 BLHS năm 2015 được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở Điều 60 nhưng với chủ trương và quan điểm đổi mới của Đảng. Theo đó, BLHS năm 2015 được xây dựng và thông qua với một tinh thần mới, nhân văn hơn, bảo đảm quyền con người hơn. Trong đó, tăng cường áp dụng các hình phạt không phải là tù khi xử lý tội phạm nếu xét thấy không cần thiết phải bắt người phạm tội phải cách ly khỏi xã hội là một chủ trương phổ quát khi sửa đổi BLHS.
Thông qua vụ án này thấy rằng, quy định có tính chất “tuyệt đối” không cho các bị cáo khi phạm tội có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn được hưởng án treo cũng là một quy định có phần chưa phù hợp với thực tế và cần nghiên cứu, xem xét lại. Sự tuyệt đối hóa của Nghị quyết 01 phải chăng chưa phù hợp với quy định của Điều 65 BLHS năm 2015 nói chung, cũng như quan điểm xử lý tội phạm của Đảng và Nhà nước ta nói chung.
Tuy nhiên, đó chỉ là một số điểm mang tính “tiểu tiết” mà tác giả băn khoăn về phán quyết của Tòa án. Xét một cách tổng thể, việc ra phán quyết sau 14 ngày tiến hành phiên tòa sơ thẩm đối với Đinh La Thăng và các đồng phạm là một thắng lợi của hoạt động thực hiện quyền tư pháp trong Nhà nước pháp quyền, của một chính sách hình sự và đường lối xử lý tội phạm nhân văn, của một quyết tâm chống tham nhũng đầy khó khăn, phức tạp và nhạy cảm. Hy vọng rằng, sự thành công của phiên “đại án xông đất” sẽ là tiếng súng mở đầu cho một năm chống tham nhũng hiệu quả, góp phần củng cố niềm tin cho Nhân dân trong công cuộc xây dựng một xã hội dân chủ, tiến bộ, văn minh.