
TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CHO NGƯỜI PHẠM TỘI
(Bài viết phục vụ chuyên mục “MỖI TUẦN MỘT VẤN ĐỀ”)
Tạm gác lại vấn đề “THỪA KẾ”, tuần này, chúng tôi xin được trở lại các vấn đề mới được sửa đổi, bổ sung trong Bộ luật hình sự vừa được Quốc hội thông qua năm 2017, có hiệu lực từ 01/01/2018. Trong chuyên mục “MỖI TUẦN MỘT VẤN ĐỀ” của tuần này, CÔNG TY LUẬT TNHH TRUNG CƯỜNG xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc một số trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định mới có lợi cho người phạm tội (trong BLHS năm 2017), mặc dù hành vi vi phạm đủ dấu hiệu của tội phạm. Cụ thể:
Điều 29 BLHS năm 2017 quy định về “Căn cứ miễn trách nhiệm hình sự” như sau:
1. Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong những căn cứ sau đây:
a) Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;
b) Khi có quyết định đại xá.
2. Người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong các căn cứ sau đây:
a) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;
b) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa;
c) Người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận.
3. Người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác và được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.
Chúng tôi xin phân tích thêm một số trường hợp để các bạn dễ hình dung:
1. Trường hợp: “Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Ví dụ như: Bộ luật hình sự năm 2017 quy định hành vi đánh bạc từ 5 triệu đồng trở lên (nếu chưa bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc chưa bị kết án về tội này) thì chỉ là vi phạm hành chính. Trong khi đó, theo quy định của BLHS năm 1999 thì chỉ cần đánh bạc từ hai triệu đồng trở lên đã bị coi là tội phạm. Do có sự thay đổi, chuyển biến của tình hình như vậy nên nếu người đánh bạc hai triệu trước ngày quy định mới có hiệu lực nhưng đến nay mới bị truy tố, xét xử thì họ được miễn trách nhiệm hình sự.
2. Trường hợp “Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa” tức là tuy họ có phạm tội nhưng hiện khi bị truy cứu TNHS, do họ mắc bệnh hiểm nghèo (ung thư, HIV giai đoạn cuối…) nên họ không còn khả năng tiếp tục phạm tội để gây nguy hại cho xã hội nữa (có thể coi như “chờ chết”) nên Nhà nước áp dụng chính sách nhân đạo, miễn trách nhiệm hình sự cho họ. Đây là quy định mới vừa được bổ sung trong BLHS năm 2017.
3. Trường hợp . “Người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác và được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự”.
Đây cũng là quy định mới vừa được QH thông qua năm 2017, có lợi cho người phạm tội. Tội phạm ít nghiêm trọng là tội có khung hình phạt mà mức cao nhất đến 3 năm tù, tội nghiêm trọng là tội có khung hình phạt mà mức cao nhất đến 7 năm tù, tội rất nghiêm trọng là tội phạm có khung hình phạt mà mức cao nhất đến 15 năm tù. Nhưng cần nhớ rằng, đối với tội nghiêm trọng được thực hiện với lỗi vô ý thì mới đủ điều kiện “cần” để áp dụng quy định này. Ví dụ, người phạm tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo khoản 1 Điều 260 (1-5 năm tù) là loại tội nghiêm trọng do vô ý nên, nếu người phạm tội và người bị hại hòa giải được với nhau, được người bị hại đề nghị miễn trách nhiệm hình sự thì cơ quan Điều tra, Viện Kiểm sát hoặc Tòa án có thể quyết định miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội. Đây là quy định mới có lợi cho người phạm tội, trước đây, theo Bộ Luật hình sự năm 1999 thì dù người bị hại có xin miễn TNHS thì cũng không được đáp ứng.
Cảm ơn mọi người đã chia sẻ để kiến thức pháp luật được lan tỏa đến nhiều người. Chúc mọi người sức khỏe, hạnh phúc và thành công trong cuộc sống! Trân trọng!