
Pháp luật tố tụng hình sự 2015 quy định các bị can, bị cáo phạm tội mà tội đó có khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình thì bắt buộc phải có người bào chữa tham gia tố tụng để bào chữa và bảo về quyền và lợi ích hợp pháp cho họ ( gồm luật sư, người đại diện của bị can, bị cáo, bào chữa viên ND). Quy định mới này bắt nguồn từ các lý lo sau đây:
1. Theo nguyên tắc suy đoán vô tội thì, không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án có hiệu lực của Tòa án tuyên người đó phạm một hoặc nhiều tội theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Trong tiến trình điều tra vụ án, để bảo đảm điều tra, truy tố, xét xử khách quan, tránh Điều tra viên, Kiểm sát viên và Hội đồng XX lạm dụng quyền lực, rất cần có sự có mặt của luật sư để tiến trình này đảm bảo đúng pháp luật tố tụng, đảm bảo quyền con người cho các bị can (chống bức cung, nhục hình nếu có) và đồng thời là sự nhân đạo của nhà nước và xã hội đối với những con người bị cáo buộc phạm tội. Và khi chưa có kết quả điều tra cuối cùng, chưa có truy tố và tranh tụng trong xét xử, chưa có bản án có hiệu lực của Tòa án tuyên các đối tượng trên phạm những tội nào thì ko ai đc khẳng định họ phạm tội để phải chịu hình phạt. Sự có mặt của luật sư là để đảm bảo dù có tuyên bị cáo phạm tội, bị cáo vẫn tâm phục khẩu phục và dư luận tin tưởng hoạt động điều tra là chặt chẽ, đúng pháp luật, đúng người, đúng tội.
2, CQCSĐT thay mặt cho quyền lực của nhà nước điều tra tội phạm, quá trình thực hiện hoạt động điều tra phải tuân thủ quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Cần một chủ thể tham gia bảo vệ quyền bị can, kiểm chứng sự tuân thủ quy định của CQCSĐT trong hoạt động điều tra và đó không ai khác là luật sư bào chữa. Tại sao không phải là Viện kiểm sát? Vì thực ra VKS ở ta cũng chính là cơ quan công tố, cơ quan buộc tội. Một cơ quan buộc tội thì khó có thể đảm bảo là chủ thể độc lập kiểm tra sự tuân thủ của pháp luật trong hoạt động điều tra, truy tố của nhánh mình và vai trò của luật sư đảm bảo sự cân bằng trong tố tụng hình sự.
3, Khung hình phạt 20 năm tù (đã từng có đề nghị là từ 15 năm khi sửa đổi BLTTHS 2015), tù chung thân hoặc tử hình là cực kỳ nghiêm khắc, cần phải có sự cân nhắc kỹ lưỡng, đúng người, đúng tội, hợp tình, hợp lý khi tuyên án. Do đó, hoạt động điều tra, truy tố – cùng với hoạt động bào chữa để có phiên tranh luận khách quan, toàn diện tại phiên tòa là điều cần thiết, nhằm đảm bảo cho Hội đồng xét xử đánh giá đúng có tội hay không có tội? Tội danh nào? Cần áp dụng hình phạt nào? Và nếu thiếu đi vai trò của luật sư thì mất cân bằng trong hoạt động tố tụng một cách nghiêm trọng.
4, Đây là những tội phạm có thể bị cáo phải chịu hình phạt nghiêm khắc nên nhà nước phải có một quy trình chặt chẽ để xác định một người có tội hay không có tội, sinh mạng chính trị của một con người cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng. Và luật sư bào chữa là một chủ thể đặc thù, một chủ thể đứng trước mũi dùi dư luận để bảo vệ cho quyền con người, quyền bị can, bị cáo, giúp kiểm chứng hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và giúp cho bị can, bị cáo nhìn nhận sự việc, hối lỗi khi thực sự họ đã phạm tội. Hơn hết, luật sư là người tìm hiểu hoàn cảnh xuất thân, học vấn, nghề nghiệp, tư tưởng chính trị, niềm tin tôn giáo, tâm lý… của người phạm tội để đúc kết và đưa ra những nhận định về tội phạm học, góp phần phòng ngừa tội phạm.
Với những phân tích trên cho thấy, Vai trò của luật sư bào chữa trong các vụ án hình sự có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, khung hình phạt cao là cần thiết, giúp công lý đc thực thi, góp phần bảo vệ quyền con người và chính sách nhân đạo của nhà nước đối với người bị cáo buộc phạm tội.
Vì lẽ đó, PLTTHS quy định LS không đc từ chối bào chữa nếu ko có lý do chính đáng.