
XÁC ĐỊNH CHA, MẸ; NHẬN CHA, MẸ
(Bài viết phục vụ chuyên mục “MỖI TUẦN MỘT VẤN ĐỀ”)
Xác định cha, mẹ hay nhận cha, mẹ được đặt ra khi một người trên thực tế có quan hệ huyết thống (mẹ – con hoặc cha – con) với người khác nhưng vì lý do khách quan hoặc chủ quan mà chưa được pháp luật thừa nhận. Khi đó, người con có quyền yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác định cha, mẹ hoặc nhận cha, mẹ.
Điều 88 Luật Hôn nhân và Gia đình hiện hành quy định việc xác định cha, mẹ như sau:
“Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.
Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.
Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.
2. Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định”.
Điều 90 Luật Hôn nhân và Gia đình hiện hành quy định về quyền nhận cha, mẹ như sau:
“1. Con có quyền nhận cha, mẹ của mình, kể cả trong trường hợp cha, mẹ đã chết.
2. Con đã thành niên nhận cha, không cần phải có sự đồng ý của mẹ; nhận mẹ, không cần phải có sự đồng ý của cha.
3. Việc sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản không làm phát sinh quan hệ cha, mẹ và con giữa người cho tinh trùng, cho noãn, cho phôi với người con được sinh ra”.
Trong cuộc sống, vấn đề xác định cha, mẹ, nhận cha mẹ, thường phát sinh từ chu cầu tình cảm. Tuy nhiên, thực tế có nhiều trường hợp yêu cầu xác định cha, mẹ, nhận cha, mẹ xuất phát từ động cơ kinh tế. Bởi hậu quả pháp lý của việc xác định cha, mẹ; nhận cha, mẹ thì ngoài việc phát sinh quyền và nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng thì quyền thừa kế tài sản của cha, mẹ cũng là điều đáng quan tâm.
Như chúng ta đã biết, quan hệ bố – con, mẹ – con là quan hệ huyết thống trực hệ, hai bên là hàng thừa kế thứ nhất của nhau. Khi tài sản của người chết để lại có giá trị cao như quyền sử dụng đất, nhà, xe hơi, cổ phần… thì việc phát sinh vụ án tranh chấp quyền thừa kế càng gay gắt.
Thực tế xã hội hiện nay, quan niệm “trọng nam, khinh nữ” trong Nhân dân vẫn còn tồn tại khá phổ biến. Trong nhiều gia đình, cơn “khát” con trai đã thôi thúc các ông chồng lập “phòng nhì” và có con riêng. Tất nhiên, khi có con riêng, các ông chồng mong muốn dấu kín, nhưng không phải chủ nhân của “phòng nhì” nào cũng đồng tâm giữ bí mật cho đến hết cuộc đời. Đến một lúc nào đó, chính người mẹ đặt ra yêu cầu xác định cha cho con, giúp con có được một thân phận pháp lý rõ ràng, tạo cơ hội để con mình có được quyền thừa kế tài sản mà bố nó để lại.
Hy vọng rằng, “MỖI TUẦN MỘT VẤN ĐỀ” của tuần này sẽ cung cấp thêm cho các đức ông chồng một kiến thức pháp luật bổ ích, từ đó hãy cân nhắc thận trọng khi quyết định lập “phòng nhì” trong thời đại “cuộc sống số” hiện nay.
(Chuyên mục của tuần này được viết theo ý tưởng của bạn có nick fb Minh Ngọc – Cảm ơn bạn Minh Ngoc đã đề xuất!)