
Thời đại 4.0, công nghệ lên ngôi đưa con người tiến gần hơn đến với các nền tảng tin tức, vui chơi, giải trí đa dạng thông qua mạng xã hội, youtube với sự bùng nổ tự do của những người sáng tạo nội dung. Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, con người có thể đắm chìm hàng giờ trong những video cho thấy khía cạnh mọi mặt của đời sống xã hội, lôi cuốn và hấp dẫn. Nhưng trong số đó cũng không ít những video độc hại, mang khuynh hướng khiêu dâm, đồi trụy, chống phá nhà nước hay bạo lực kích động. Điều này đang ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của những Doanh nghiệp, nhãn hàng tận dụng nền tảng mạng xã hội để đẩy mạnh thương hiệu của mình khi vô tình bị gắn lên các video, nội dung xấu, thậm chí vi phạm pháp luật.
Không chỉ các doanh nghiệp nhỏ lẻ, các ông lớn như Pepsi, Cola, Huawei, Vinamilk… đều đã từng bị Cục phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử “sờ gáy” bởi các quảng cáo của mình bị gắn trên các Video, bài báo có nội dung xấu… Vậy, pháp luật quy định như thế nào về vấn đề này, ai là người chịu trách nhiệm và việc xử lý ra sao? Technolawgy sẽ cùng các bạn tìm hiểu vấn đề này dưới góc độ pháp lý.
Các nền tảng mạng xã hội lớn hiện nay như Facebook, Youtube có trụ sở tại Hoa Kỳ và tuân thủ theo quy định của pháp luật nước ngoài. Đây là các doanh nghiệp lớn cung cấp các dịch vụ trên nền tảng số, không giới hạn về quốc gia, vùng lãnh thổ, nên có thể tiếp cận dễ dàng với người dùng trên toàn thế giới, bao gồm cả Việt Nam. Chính quyền Việt Nam đã có không ít các biện pháp để kiểm soát các nội dung số, yêu cầu người kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới thực hiện các biện pháp ngăn chặn. Tuy nhiên, các biện pháp vẫn chưa đạt được hiệu quả cao. Có lẽ vì vậy, việc hướng các quy định xử phạt vi phạm hành chính đến các đối tượng là người cung cấp dịch vụ quảng cáo, đại lý quảng cáo hay chính các doanh nghiệp quảng cáo thay vì chỉ áp dụng xử phạt đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ nước ngoài đang là nước đi được Bộ Thông tin Truyền thông lựa chọn để “dẹp loạn” trên nền tảng số hiện nay.
Theo quy định của Luật quảng cáo 2012, Nghị định 181/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật quảng cáo, Nghị định 70/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 181/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật quảng cáo thì:
“4. Các tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam tuân thủ các quyền và nghĩa vụ được quy định tại Điều 13 Luật Quảng cáo và các quy định sau:
a) Thông báo thông tin liên hệ với Bộ Thông tin và Truyền thông những nội dung sau:
Tên tổ chức, tên giao dịch, địa chỉ trụ sở chính nơi đăng ký hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo; địa điểm đặt hệ thống máy chủ chính cung cấp dịch vụ và hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam (nếu có);
Đầu mối liên hệ: tên tổ chức, cá nhân đại diện tại Việt Nam (nếu có), địa chỉ email, điện thoại liên hệ;
Hình thức và thời gian thông báo: 15 ngày trước khi bắt đầu kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam, các tổ chức, cá nhân nước ngoài gửi thông báo trực tiếp, hoặc qua đường bưu chính, hoặc qua phương tiện điện tử đến Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử);
Khi nhận thông báo, cơ quan tiếp nhận có trách nhiệm gửi giấy xác nhận bằng văn bản hoặc qua phương tiện điện tử cho tổ chức, doanh nghiệp trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo;
b) Không đặt sản phẩm quảng cáo vào nội dung vi phạm pháp luật được quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng, Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ;
c) Thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan chức năng có thẩm quyền theo quy định tại Điều 14, Nghị định này; cung cấp thông tin về tổ chức, cá nhân liên quan tới hoạt động quảng cáo xuyên biên giới có dấu hiệu vi phạm pháp luật cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền khi có yêu cầu.
5. Người phát hành quảng cáo, người quảng cáo khi tham gia giao kết hợp đồng với người kinh doanh dịch vụ quảng cáo (bao gồm tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới) có quyền và nghĩa vụ:
a) Yêu cầu người kinh doanh dịch vụ quảng cáo không đặt sản phẩm quảng cáo vào nội dung vi phạm pháp luật được quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng, Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ;
b) Yêu cầu người kinh doanh dịch vụ quảng cáo có giải pháp kỹ thuật để người phát hành quảng cáo, người quảng cáo tại Việt Nam có thể kiểm soát và loại bỏ các sản phẩm quảng cáo vi phạm pháp luật Việt Nam trên hệ thống cung cấp dịch vụ.
6. Người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo, người quảng cáo không hợp tác phát hành sản phẩm quảng cáo với trang thông tin điện tử đã được cơ quan chức năng có thẩm quyền thông báo vi phạm pháp luật công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông.”

Thông thường, các nhãn hàng hoặc doanh nghiệp khi có nhu cầu quảng cáo sản phẩm, dịch vụ của mình sẽ thông qua đại lý quảng cáo hoặc trực tiếp sử dụng dịch vụ như Google Ad, Facebook Ad để quảng bá sản phẩm của mình. Tại đây, Google hoặc Facebook sẽ sử dụng công nghệ AI (trí thông minh nhân tạo) để nhận biết các nội dung số có lượng người dùng tương tác cao, phù hợp với đối tượng, lứa tuổi, giới tính… mà doanh nghiệp có nhu cầu hướng tới để gán các quảng cáo này. Bên cạnh đó, các bộ lọc do các đơn vị cung cấp dịch vụ quảng cáo này thiết lập để loại bỏ các nội dung không phù hợp, hạn chế các nội dung bị cấm theo quy định pháp luật như nội dung chống phá nhà nước, xuyên tạc lịch sử, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo, phân biệt đối xử, các thông tin sai sự thật hoặc tệ nạn xã hội… Tuy nhiên, các bộ lọc này không thể xóa bỏ hoàn toàn các nội dung độc hại bởi người dùng mạng xã hội có thể dễ dàng đưa các thông tin, lồng ghép các yếu tố xấu vào các nội dung thông thường khiến cho việc sàng lọc ngày càng khó khăn. Vì vậy, việc quảng cáo của các nhãn hàng vô tình bị gán lên các nội dung xấu, gây ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp là chuyện thường xuyên xảy ra.
Theo quy định trên, với vai trò là người quảng cáo, người phát hành quảng cáo, các doanh nghiệp, nhãn hàng cần lưu ý một số nội dung sau:
- Yêu cầu đại lý quảng cáo hoặc đơn vị cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới chấp hành nghiêm các quy định của Việt Nam, đặc biệt không đặt quảng cáo vào các nội dung vi phạm pháp luật nêu trên.
- Yêu cầu đại lý quảng cáo hoặc đơn vị cung cấp dịch vụ quảng cáo có biện pháp kỹ thuật để người phát hành quảng cáo, người quảng cáo tại Việt Nam có thể kiểm soát và loại bỏ các sản phẩm quảng cáo vi phạm pháp luật Việt Nam trên hệ thống cung cấp dịchvụ.
- Bản thân doanh nghiệp không trực tiếp cũng như gián tiếp thông qua người cung cấp dịch vụ quảng cáo hợp tác phát hành các sản phẩm quảng cáo với trang thông tin điện tử đã bị cơ quan chức năng có thẩm quyền thông báo vi phạm pháp luật công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ thông tin và Truyền thông.
- Đảm bảo các nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới đã thông báo thông tin liên hệ với Bộ thông tin và Truyền thông về tên tổ chức, tên giao dịch, trụ sở chính, hệ thống máy chủ… cũng như thông tin đầu mối liên hệ tại Việt Nam (nếu có).

Hiện nay, hành vi đặt nội dung quảng cáo vào các nội dung vi phạm pháp luật sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 15 đến 20 triệu đồng theo quy định của Nghị định 129/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo. Đối với tổ chức, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Do vậy, hành vi của tổ chức thực hiện có thể bị phạt lên đến 30 đến 40 triệu đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp còn bắt buộc bị gỡ bỏ các quảng cáo gắn trên các nội dung vi phạm.
Tuy nhiên, có một thực tiễn là quy định về xử phạt vi phạm hành chính không rõ ràng đối tượng “đặt quảng cáo” ở đây là đơn vị nào, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới, đại lý quảng cáo hay người quảng cáo, người phát hành quảng cáo. Do vậy, để phân định rõ vai trò, trách nhiệm của các đơn vị trong từng khâu chuẩn bị, phát hành, lựa chọn nền tảng và nội dung đặt quảng cáo vẫn là một vấn đề khó khăn trong quá trình xử lý các đơn vị có liên quan.
Nếu như trách nhiệm này hoàn toàn thuộc về đơn vị kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới như Google hay Facebook, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng rất khó khăn trong việc xử phạt vi phạm hành chính bởi các doanh nghiệp đều nằm ở nước ngoài. Trường hợp trách nhiệm này thuộc về các đơn vị cung cấp dịch vụ quảng cáo trong nước, đại lý quảng cáo thì hẳn là khả quan hơn bởi họ được quyền yêu cầu Google hay Facebook thực hiện các biện pháp ngăn chặn các nội dung xấu để quảng cáo của các nhãn hàng không bị gán trên các nội dung đó. Tuy nhiên, họ cũng không phải là đơn vị cung cấp và quản lý thông tin trên nền tảng mạng xã hội nên việc kiểm soát không thể triệt để. Còn đối với các doanh nghiệp, nếu chỉ phó mặc hoàn toàn cho các đại lý quảng cáo thì cũng không thể hoàn toàn rũ bỏ trách nhiệm bởi họ cũng góp phần trong việc quản lý lỏng lẻo để các nhãn hàng của mình xuất hiện trên các nội dung số độc hại. Do vậy, với mỗi vai trò trong mắt xích đưa quảng cáo đến với người tiêu dùng, mỗi đơn vị, doanh nghiệp đều cần tự trang bị cho mình kiến thức cần thiết, đưa ra các quy định và kiểm soát chặt chẽ đối tác của mình để đảm bảo không vi phạm các quy định hiện hành về quảng cáo xuyên biên giới.
Cuối năm 2022, Cục phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đã tổ chức hội nghị với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ quảng cáo; doanh nghiệp có sản phẩm, dịch vụ quảng cáo; các đơn vị kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới cùng đại diện một số bộ, ngành, hiệp hội có liên quan. Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông dự kiến sẽ công khai các nhãn hàng, nền tảng quảng cáo trên mạng có sai phạm. Đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi đại lý, nhãn hàng quảng cáo hợp tác với các nền tảng quảng cáo không thực hiện thông báo với Bộ theo quy định.
Bên cạnh đó, nhằm lành mạnh hóa môi trường mạng, Bộ TT&TT đã xây dựng bộ danh sách nội dung “sạch” trên mạng của Việt Nam (White List) gồm: Báo điện tử, tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội được cấp giấy phép hoạt động và tiếp tục mở rộng cho các website, tài khoản, kênh nội dung đăng ký thông tin để tham gia vào White List và sẽ được Bộ xác nhận. Dự kiến, White List sẽ được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ và Cục PTTH& TTĐT vào đầu năm 2023.
Trên đây là một số nội dung liên quan đến vấn đề doanh nghiệp cần lưu ý khi quảng cáo trên không gian mạng để phòng tránh vi phạm về quảng cáo trên không gian mạng.
Liên hệ tư vấn:
Technolawgy – Ban tư vấn công nghệ
Công ty Luật TNHH Trung Cường
Số 1706, Tòa N01-T4, Xuân Tảo, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
SĐT: 0983.269.410 – 0982.211.062
Email: mailawyer89@gmail.com