NỘI DUNG VÀ HIỆU LỰC CỦA DI CHÚC,

NHỮNG LƯU Ý KHI LẬP DI CHÚC
(Bài viết phục vụ chuyên mục “MỖI TUẦN MỘT VẤN ĐỀ”)

Tuần trước, chúng tôi đã đề cập đến các quy định của Bộ luật dân sự về việc “THỪA KẾ THEO DI CHÚC”. Tuần này, chúng tôi tiếp tục đề cập đến chế định này với quy định cụ thể về nội dung của di chúc, hiệu lực của di chúc và một số điểm cần lưu ý khi lập di chúc. Nói cách khác, nội dung bài viết của tuần này sẽ giúp bạn trả lời các câu hỏi sau đây: Nội dung của di chúc gồm những vấn đề là gì? Thời điểm nào thì di chúc phát sinh hiệu lực? Khi lập di chúc, cần cần lưu ý nhữngvấn đề gì để di chúc đảm bảo tính hợp pháp? Sau khi đã lập di chúc thì di chúc có thể được sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ hay không?
Công ty Luật TNHH Trung Cường xin trân trọng giới thiệu với các bạn.
1. VỀ NỘI DUNG CỦA DI CHÚC, Điều 631 BLDS quy định như sau:
“- Di chúc gồm các nội dung chủ yếu sau: Ngày, tháng, năm lập di chúc; họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc; họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản; di sản để lại và nơi có di sản.
– Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc. Trường hợp di chúc có sự tẩy xóa, sửa chữa thì người tự viết di chúc hoặc người làm chứng di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa”.
Như vậy, để di chúc phát sinh hiệu lực đầy đủ thì người có tài sản cần thể hiện trong di chúc các nội dung cơ bản trong khoản 1 Điều này. Lưu ý tại khoản 3 cần được chú ý thực hiện cho đúng, nếu không sẽ rất dễ gây tranh chấp không đáng có khi di chúc được công bố.
2. VỀ NGƯỜI LÀM CHỨNG CHO VIỆC LẬP DI CHÚC, Điều 632 BLDS quy định như sau:
“Mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người sau đây:
– Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc (ví dụ như con đẻ của người lập di chúc, người được người lập di chúc để lại tài sản).
– Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc (ví dụ: Người vay tài sản của người lập di chúc và tài sản là di sản mà người lập di chúc đưa vào nội dung của di chúc).
– Người chưa thành niên (dưới 18 tuổi), người mất năng lực hành vi dân sự (VD: người mắc bệnh tâm thần), người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi (VD: người thiểu năng trí tuệ).”
Di chúc có thể không có người làm chứng, khi đó, người lập di chúc phải tự viết và ký vào bản di chúc. Di chúc đánh máy hoặc nhờ người khác viết phải có hai người làm chứng trở lên, trừ những người có đặc điểm nêu tại khoản 1 Điều 632 (nếu người làm chứng thuộc khoản 1 Điều 632 thì việc làm chứng sẽ không có giá trị). Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc. Di chúc có thể do công chứng viên lập hoặc được Ủy ban nhân dân cấp xã chứng thực.
3. VỀ VIỆC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG, THAY THẾ, HỦY BỎ DI CHÚC, Điều 640 BLDS quy định như sau:
– Người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đã lập vào bất cứ lúc nào.
– Trường hợp người lập di chúc bổ sung di chúc thì di chúc đã lập và phần bổ sung có hiệu lực pháp luật như nhau; nếu một phần của di chúc đã lập và phần bổ sung mâu thuẫn nhau thì chỉ phần bổ sung có hiệu lực pháp luật.
– Trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới thì di chúc trước bị hủy bỏ.
4.VỀ HIỆU LỰC CỦA DI CHÚC, Điều 640 BLDS quy định như sau:
– Di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế (người có do sản chết).
– Di chúc không có hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trong trường hợp sau đây:
+ Người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc;
+ Cơ quan, tổ chức được chỉ định là người thừa kế không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Trường hợp có nhiều người thừa kế theo di chúc mà có người chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc, một trong nhiều cơ quan, tổ chức được chỉ định hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế thì chỉ phần di chúc có liên quan đến cá nhân, cơ quan, tổ chức này không có hiệu lực.
+ Di chúc không có hiệu lực, nếu di sản để lại cho người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế; nếu di sản để lại cho người thừa kế chỉ còn một phần thì phần di chúc về phần di sản còn lại vẫn có hiệu lực.
+ Khi di chúc có phần không hợp pháp mà không ảnh hưởng đến hiệu lực của các phần còn lại thì chỉ phần đó không có hiệu lực.
+ Khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực.
Trân trọng giới thiệu và chúc các bạn hạnh phúc, thành đạt!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *