
Các quy định về xét xử phúc thẩm được sắp xếp tại Chương XXII, phần thứ tư “Xét xử vụ án hình sự” của BLTTHS 2015 gồm 33 Điều (từ Điều 330 đến Điều 362); tăng 8 Điều so với BLTTHS năm 2003 và được chia thành hai mục:
– Mục I: “Tính chất của xét xử phúc thẩm và quyền kháng cáo, kháng nghị” gồm 14 Điều (từ Điều 330 đến Điều 343); tăng 3 Điều so với BLTTHS năm 2003.
– Mục II: “Thủ tục xét xử phúc thẩm” gồm 19 Điều (từ Điều 344 đến Điều 362); tăng 5 Điều so với BLTTHS năm 2003.
So với BLTTHS 2003, các quy định về xét xử phúc thẩm trong BLTTHS 2015 có những điểm mới cơ bản sau đây:
I. TÍNH CHẤT CỦA XÉT XỬ PHÚC THẨM VÀ QUYỀN KHÁNG CÁO, KHÁNG NGHỊ
1) Bổ sung 3 điều luật mới:
* Điều 334. Thủ tục tiếp nhận và xử lý kháng cáo:
“1. Sau khi nhận được đơn kháng cáo hoặc biên bản về việc kháng cáo, Tòa án cấp sơ thẩm phải vào sổ tiếp nhận và kiểm tra tính hợp lệ của đơn kháng cáo theo quy định của Bộ luật này.
2. Trường hợp đơn kháng cáo hợp lệ thì Tòa án cấp sơ thẩm thông báo về việc kháng cáo theo quy định tại Điều 338 của Bộ luật này. (Thông báo về kháng cáo, kháng nghị).
3. Trường hợp đơn kháng cáo hợp lệ nhưng nội dung kháng cáo chưa rõ thì Tòa án cấp sơ thẩm phải thông báo ngay cho người kháng cáo để làm rõ.
4. Trường hợp nội dung đơn kháng cáo đúng quy định của Bộ luật này nhưng quá thời hạn kháng cáo thì Tòa án cấp sơ thẩm yêu cầu người kháng cáo trình bày lý do và xuất trình chứng cứ, tài liệu, đồ vật (nếu có) để chứng minh lý do nộp đơn kháng cáo quá hạn là chính đáng.
5. Trường hợp người làm đơn kháng cáo không có quyền kháng cáo thì trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận đơn, Tòa án trả lại đơn và thông báo bằng văn bản cho người làm đơn, Viện kiểm sát cùng cấp. Văn bản thông báo phải ghi rõ lý do của việc trả lại đơn.
Việc trả lại đơn có thể bị khiếu nại trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được thông báo. Việc giải quyết khiếu nại được thực hiện theo quy định tại Chương XXXIII của Bộ luật này”.(Giải quyết khiếu nại tố cáo)
Việc bổ sung quy định này nhằm xác định đầy đủ, cụ thể trách nhiệm và thủ tục xử lý đơn kháng cáo của Toà án cấp sơ thẩm và trách nhiệm của người kháng cáo. Tránh tình trạng Tòa án cấp phúc thẩm phải chuyển đi chuyển lại cho Tòa án cấp sơ thẩm bổ sung những nội dung chưa rõ ràng trong quá trình kháng cáo của người có quyền kháng cáo.
* Điều 340. Thụ lý vụ án:
“1. Ngay sau khi nhận được hồ sơ vụ án có kháng cáo, kháng nghị và chứng cứ, tài liệu, đồ vật kèm theo (nếu có), Tòa án cấp phúc thẩm phải vào sổ thụ lý.
2. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày thụ lý vụ án, Chánh án Tòa án cấp phúc thẩm phân công Thẩm phán làm chủ tọa phiên tòa, phiên họp”.
Bộ luật tố tụng hình sự 2003 không quy định nội dung này. Nay xuất phát từ thực tiễn xét xử của Tòa án cấp phúc phẩm đã thực hiện, Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định bổ sung Điều này để các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện theo quy trình thống nhất, phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 276 (Nhận hồ sơ vụ án, bản cáo trạng và thụ lý vụ án – Giai đoạn xét xử sơ thẩm) và Điều 133 (Biên bản – Quy định chung về hồ sơ vụ án, văn bản tố tụng…) Bộ luật này.
* Điều 341. Chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát:
“1. Sau khi thụ lý vụ án, Tòa án cấp phúc thẩm phải chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát cùng cấp. Trong thời hạn 15 ngày đối với Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh và Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu, 20 ngày đối với Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát quân sự trung ương kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, Viện kiểm sát phải trả lại hồ sơ vụ án cho Tòa án. Trường hợp vụ án thuộc loại tội đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp thì thời hạn này có thể kéo dài nhưng không quá 25 ngày đối với Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu, 30 ngày đối với Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát quân sự trung ương.
2. Trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm nhận được chứng cứ, tài liệu, đồ vật bổ sung trước khi xét xử thì phải chuyển chứng cứ, tài liệu, đồ vật này cho Viện kiểm sát cùng cấp. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được chứng cứ, tài liệu, đồ vật bổ sung thì Viện kiểm sát phải trả lại cho Tòa án”.
Bộ luật tố tụng hình sự 2003 không quy định việc Tòa án cấp phúc thẩm chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát cùng cấp. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho Viện kiểm sát cùng cấp nghiên cứu hồ sơ vụ án để tham gia phiên tòa phúc thẩm, trên thực tế cũng như Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP ngày 08/12/2005 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn về nội dung này (Phần III. Việc gửi hồ sơ vụ án cho VKS cùng cấp với Tòa án cấp phúc thẩm).
Đây là quy định mới của BLTTHS 2015 nhằm pháp điển hóa hướng dẫn trong Nghị quyết nêu trên của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về một số quy định trong Phần thứ tư “Xét xử phúc thẩm”. Nay Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định chặt chẽ về thời hạn Viện kiểm sát được nghiên cứu hồ sơ và nhận tài liệu bổ sung trong các trường hợp cụ thể.
2) Sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong các quy định về phúc thẩm tại các điều cụ thể sau đây:
* Điều 330. Tính chất của xét xử phúc thẩm (Điều 230 BLTTHS 2003):
Cũng như Bộ luật tố tụng hình sự 2003, để phù hợp với quy định tại Điều 27 về nguyên tắc “Chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm”, Điều 330 Bộ luật này khẳng định lại tính chất và đối tượng của phúc thẩm cho đúng với bản chất của nó là xét xử lại vụ án hoặc xét lại quyết định sơ thẩm mà bản án hoặc quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật (HLPL) bị kháng cáo, kháng nghị.
Khác với BLTTHS 2003, BLTTHS 2015 bổ sung khoản 2 quy định rõ những quyết định sơ thẩm nào là quyết định có thể bị kháng cáo kháng nghị. Đó là, quyết định tạm đình chỉ vụ án, quyết định đình chỉ vụ án, quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can, bị cáo, quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can, bị cáo và quyết định khác của Tòa án cấp sơ thẩm mà BLTTHS 2003 chưa quy định trong luật.
Do đó, khoản 2 Điều luật này quy định như sau: “Quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị là quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ vụ án, quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can, bị cáo, quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can, bị cáo và quyết định khác của Tòa án cấp sơ thẩm theo quy định của Bộ luật này”.
Nh÷ng ®iÓm söa ®æi bæ sung nµy nh»m kh¼ng ®Þnh phóc thÈm lµ cÊp xÐt xö thø hai kh¸c h¼n víi tÝnh chÊt cña gi¸m ®èc thÈm, t¸i thÈm chØ lµ mét thñ tôc tè tông ®Æc biÖt ®Ó xÐt l¹i nh÷ng b¶n ¸n, quyÕt ®Þnh ®• cã HLPL, chø kh«ng ph¶i lµ mét cÊp xÐt xö, kh¾c phôc quan ®iÓm nhËn thøc kh«ng ®óng vµ chÝnh x¸c tríc ®©y ë mét sè ngêi cho r»ng gi¸m ®èc thÈm, t¸i thÈm còng lµ mét cÊp xÐt xö.
* Điều 331. Người có quyền kháng cáo (Điều 231 BLTTHS 2003)
BLTTHS 2015 có sự thay đổi về câu trữ “Người dưới 18 tuổi” thay cho quy định tại BLTTHS 2003 “Người chưa thành niên” và “Người đại diện” thay cho “Người đại diện hợp pháp”. Sự thay đổi này nhằm thống nhất với quy định của Bộ luật hình sự 2015 và các quy định trong Bộ luật dân sự và Tố tụng dân sự.
Để bảo đảm nguyên tắc hai cấp xét xử, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng, BLTTHS 2015 bổ sung làm rõ “Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là người dưới 18 tuổi (người chưa thành niên) hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người mà mình bảo vệ” (khoản 5 Điều 331).
Trước đây BLTTHS 2003 chỉ quy định chung chung về “Người bảo vệ quyền lợi của người chưa thành niên hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chấtcó quyền kháng cáo…”. Còn tư cách tố tụng của người cần bảo vệ là gì thì chưa rõ ràng. Việc bổ sung này tại nhằm xác định đầy đủ và cụ thể hơn những người có quyền kháng cáo, tránh tình trạng Toà án bỏ quên một chủ thể có quyền kháng cáo là người bảo vệ quyền lợi của người dưới 18 tuổi hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.
* Điều 332. Thủ tục kháng cáo – (Điều 233 BLTTHS 2003)
Trên cơ sở của Điều 233 BLTTHS 2003, BLTTHS 2015 tách thành hai điều luật riêng (Điều 332 và Điều 336).
Khoản 1 Điều 332 BLHS 2015 bổ sung trường hợp người kháng cáo có thể trình bày trực tiếp với Tòa án cấp phúc thẩm mà không chỉ riêng với Tòa án đã xét xử sơ thẩm như quy định tại BLTTHS 2003 và bổ sung “Tòa án cấp phúc thẩm đã lập biên bản về việc kháng cáo hoặc nhận được đơn kháng cáo thì phải gửi biên bản hoặc đơn kháng cáo cho Tòa án cấp sơ thẩm để thực hiện theo quy định chung”. Việc bổ sung này nhằm pháp điểm hóa hướng dẫn trong Nghị quyết 05 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (tại ý 3.2 điểm 3 phần I). Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm của Ban giám thị trại tạm giam nơi đang giam giữ bị cáo có kháng cáo: “Trường hợp bị cáo đang bị tạm giam, Giám thị Trại tạm giam, Trưởng Nhà tạm giữ phải bảo đảm cho bị cáo thực hiện quyền kháng cáo, nhận đơn kháng cáo và chuyển cho Tòa án cấp sơ thẩm đã ra bản án, quyết định bị kháng cáo”.
Khoản 2 Điều 332 BLHS 2015 quy định mới những nội dung căn bản bắt buộc phải có trong đơn kháng cáo:
“2. Đơn kháng cáo có các nội dung chính:
a) Ngày, tháng, năm làm đơn kháng cáo;
b) Họ tên, địa chỉ của người kháng cáo;
c) Lý do và yêu cầu của người kháng cáo;
d) Chữ ký hoặc điểm chỉ của người kháng cáo”.
* Về thời hạn kháng cáo, kháng nghị (các Điều 333, 337) – Tương ứng với Điều 234, 239 BLTTHS 2003
Trên cơ sở của Điều 234, 239 BLTTHS 2003, BLTTHS 2015 tách thành hai điều luật mới. Nội dung quy định không có gì khác với BLTTHS 2003 về thời hạn kháng cáo, kháng nghị đối với bản án sơ thẩm và quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm nhưng rành mạch, rõ ràng hơn.
Mặt khác, trên cơ sở pháp điển hóa hướng dẫn trong Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP ngày 08/12/2005 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ tư “Xét xử phúc thẩm” của BLTTHS 2003, BLTTHS 2015 bổ sung quy định “xác định ngày kháng cáo” (khoản 3 Điều 333).
* Điều 335. Về kháng cáo quá hạn (Điều 235 BLTTHS 2003)
– Khác với BLTTHS 2003, Điều 335 được quy định về lý do kháng cáo quá hạn: “Bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan” thay vì “Có lý do chính đáng”.
– Để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp người tham gia tố tụng, phù hợp với các quy định của luật tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, BLTTHS 2015 sửa đổi quy định về xử lý đơn kháng cáo quá hạn, quy định rõ hơn về trách nhiệm và ấn định thời gian xử lý đơn kháng cáo quá hạn của Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm cũng như Viện kiểm sát cùng cấp. Cụ thể:
Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được đơn kháng cáo quá hạn, Tòa án cấp sơ thẩm phải gửi đơn kháng cáo, bản tường trình của người kháng cáo về lý do kháng cáo quá hạn và chứng cứ, tài liệu, đồ vật (nếu có) cho Tòa án cấp phúc thẩm.
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được đơn kháng cáo quá hạn, Tòa án cấp phúc thẩm phải mở phiên họp để xem xét kháng cáo quá hạn với Hội đồng gồm ba Thẩm phán và phải có sự tham gia của Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp.
Quy định này nhằm khắc phục được tình trạng tuỳ tiện, không thống nhất khi tiến hành thủ tục xét kháng cáo quá hạn giữa các Toà án cấp phúc thẩm do BLTTHS 2003 trước đây quy định không rõ ràng (về thời gian).
* Điều 336. Kháng nghị của Viện kiểm sát ( Điều 232 BLTTHS 2003)
– Khoản 1 Điều 336 BLTTHS 2015 giữ nguyên như quy định tại Điều 232 BLTTHS 2003.
– Khoản 2 Điều 336 của BLTTHS 2015 đã bổ sung mới quy định về những nội dung cơ bản và bắt buộc phải có trong quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát:
“2. Quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát có các nội dung chính:
a) Ngày, tháng, năm ra quyết định kháng nghị và số của quyết định kháng nghị;
b) Tên của Viện kiểm sát ra quyết định kháng nghị;
c) Kháng nghị đối với toàn bộ hay một phần bản án, quyết định sơ thẩm;
d) Lý do, căn cứ kháng nghị và yêu cầu của Viện kiểm sát;
đ) Họ tên, chức vụ của người ký quyết định kháng nghị”.
* Điều 338. Thông báo về việc kháng cáo, gửi quyết định kháng nghị (Điều 236 BLTTHS 2003)
BLTTHS 2003 quy định Toà án cấp sơ thẩm có trách nhiệm phải thông báo bằng văn bản về việc kháng cáo, kháng nghị cho Viện kiểm sát cùng cấp và những người tham gia tố tụng trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được kháng cáo, kháng nghị. Nay BLTTHS 2015 quy định Tòa án cấp sơ thẩm chỉ thông báo việc kháng cáo cho Viện kiểm sát cùng cấp và những người liên quan trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo. Còn quyết định kháng nghị thì Viện kiểm sát tự gửi cho Viện kiểm sát có thẩm quyền kháng nghị, cho Tòa án đã xét xử sơ thẩm, cho bị cáo và những người liên quan (người tham gia tố tụng) trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày ra quyết định kháng nghị nhằm bảo đảm cho quy định này chặt chẽ, rõ ràng và đầy đủ hơn.
* Điều 342. Thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị (Điều 238 BLTTHS 2003)
So với BLTTHS 2003 thì BLTTHS 2015 quy định về nội dung này có phần chi tiết hơn.
Khoản 1 Điều này cơ bản giữ nguyên. Bổ sung mới khoản 2, 3:
“2. Việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị trước khi mở phiên tòa phải lập văn bản và gửi cho Tòa án cấp phúc thẩm. Tòa án cấp phúc thẩm phải thông báo cho Viện kiểm sát, bị cáo và những người có liên quan đến kháng cáo, kháng nghị biết về việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị. Việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị tại phiên tòa được ghi vào biên bản phiên tòa.
3. Trường hợp người kháng cáo rút một phần kháng cáo, Viện kiểm sát rút một phần kháng nghị tại phiên tòa mà xét thấy không liên quan đến kháng cáo, kháng nghị khác thì Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định về việc rút một phần kháng cáo, kháng nghị và quyết định đình chỉ xét xử phần kháng cáo, kháng nghị đó trong bản án phúc thẩm”.
Khác với BLTTHS 2003, Trong Điều luật này bỏ quy định “Trong trường hợp rút toàn bộ kháng cáo, kháng nghị tại phiên tòa thì việc xét xử phúc thẩm phải được đình chỉ. Bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đình chỉ việc xét xử phúc thẩm”. Nội dung nay được quy định tại Điều 348 “Đình chỉ xét xử phúc thẩm”.
II. THỦ TỤC XÉT XỬ PHÚC THẨM
1) Bổ sung 5 điều luật mới:
* Điều 344. Tòa án có thẩm quyền xét xử phúc thẩm
Đây là quy định mới được bổ sung trong BLTTHS 2015. Trên cơ sở quy định về thẩm quyền của 4 cấp Tòa án trong Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, BLTTHS 2015 quy định về thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, quân sự Tòa án quân sự cấp quân khu và Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án quân sự Trung ương.
“1. Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền xét xử phúc thẩm bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp huyện bị kháng cáo, kháng nghị.
2. Tòa án nhân dân cấp cao có thẩm quyền xét xử phúc thẩm bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp tỉnh thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ bị kháng cáo, kháng nghị.
3. Tòa án quân sự cấp quân khu có thẩm quyền xét xử phúc thẩm bản án, quyết định của Tòa án quân sự khu vực bị kháng cáo, kháng nghị.
4. Tòa án quân sự trung ương có thẩm quyền xét xử phúc thẩm bản án, quyết định của Tòa án quân sự cấp quân khu bị kháng cáo, kháng nghị”.
* Điều 348. Đình chỉ xét xử phúc thẩm
Khác với BLTTHS 2003, BLTTHS 2015 quy định thành một điều luật riêng, cụ thể và chi tiết hơn. Trong đó nội dung người có quyền kháng cáo rút toàn bộ kháng cáo và Viện kiểm sát kháng nghị rút toàn bộ kháng nghị được quy định tại Điều 238 “Bổ sung, thay đổi, rút kháng cáo, kháng nghị” của BLTTHS 2003, nay không quy định tại Điều 342 BLTTHS 2015 mà quy định thành Điều luật mới này.
“1. Tòa án cấp phúc thẩm đình chỉ việc xét xử phúc thẩm đối với vụ án mà người kháng cáo đã rút toàn bộ kháng cáo, Viện kiểm sát đã rút toàn bộ kháng nghị. Việc đình chỉ xét xử phúc thẩm trước khi mở phiên tòa do Thẩm phán chủ tọa phiên tòa quyết định, tại phiên tòa do Hội đồng xét xử quyết định. Bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm.
2. Trường hợp người kháng cáo rút một phần kháng cáo, Viện kiểm sát rút một phần kháng nghị trước khi mở phiên tòa mà xét thấy không liên quan đến kháng cáo, kháng nghị khác thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với phần kháng cáo, kháng nghị đã rút.
3. Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm ghi rõ lý do đình chỉ và các nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều 132 của Bộ luật này.
Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ra quyết định, Tòa án cấp phúc thẩm phải gửi quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm cho Viện kiểm sát cùng cấp, Tòa án đã xét xử sơ thẩm, người bào chữa, bị hại, đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người kháng cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng cáo, kháng nghị”.
* Điều 349. Sự có mặt của thành viên Hội đồng xét xử phúc thẩm, Thư ký Tòa án
“1. Phiên tòa chỉ được tiến hành khi có đủ thành viên Hội đồng xét xử và Thư ký Tòa án. Các thành viên Hội đồng xét xử phải xét xử vụ án từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc phiên tòa.
2. Trường hợp có Thẩm phán không tiếp tục tham gia xét xử vụ án nhưng có Thẩm phán dự khuyết tham gia phiên tòa từ đầu thì những người này được thay thế làm thành viên Hội đồng xét xử. Trường hợp Thẩm phán chủ tọa phiên tòa không tiếp tục tham gia xét xử được thì Thẩm phán là thành viên Hội đồng xét xử làm chủ toạ phiên tòa và Thẩm phán dự khuyết được bổ sung làm thành viên Hội đồng xét xử.
3. Trường hợp không có Thẩm phán dự khuyết hoặc phải thay đổi chủ tọa phiên tòa mà không có Thẩm phán để thay thế thì phải hoãn phiên tòa.
4. Trường hợp Thư ký Tòa án bị thay đổi hoặc không thể tiếp tục tham gia phiên tòa thì Tòa án vẫn có thể xét xử vụ án nếu có Thư ký Tòa án dự khuyết; nếu không có người thay thế thì tạm ngừng phiên tòa”.
* Điều 352. Hoãn phiên tòa phúc thẩm
“1. Tòa án cấp phúc thẩm chỉ được hoãn phiên tòa khi thuộc một trong các trường hợp:
a) Có một trong những căn cứ quy định tại các điều 52, 53, 349, 350 và 351 của Bộ luật này;
b) Cần phải xác minh, thu thập bổ sung chứng cứ, tài liệu, đồ vật mà không thể thực hiện được ngay tại phiên tòa.
Trường hợp hoãn phiên tòa thì vụ án phải được xét xử lại từ đầu.
2. Thời hạn hoãn phiên tòa và quyết định hoãn phiên tòa phúc thẩm được thực hiện theo quy định tại Điều 297 của Bộ luật này”.
Việc bố sung quy định này nhằm xác định rõ căn cứ cụ thể để Tòa án cấp phúc thẩm xem xét hoãn phiên tòa đối với từng trường hợp cụ thể, tránh tình trạng tùy tiện, không thống nhất giữa các Tòa án trong việc hoãn phiên tòa. Đồng thời quy định về thời hạn hoãn phiên tòa và nội dung của quyết định hoãn phiên tòa cho thống nhất với hoãn phiên tòa trong xét xử sơ thẩm. Điều này, BLTTHS 2003 không quy định.
* Điều 356. Không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị và giữ nguyên bản án sơ thẩm
“Tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị và giữ nguyên bản án sơ thẩm khi xét thấy các quyết định của bản án sơ thẩm có căn cứ và đúng pháp luật”.
BLTTHS 2015 quy định điều này nhằm cụ thể hóa Điều 344 về thẩm quyền của Tòa án cấp phúc thẩm mà trước đây BLTTHS 2003 không quy định.
2) Sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong các quy định về thủ tục xét xử phúc thẩm tại các điều cụ thể sau đây:
* Điều 346. Thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm (Điều 242 BLTTHS 2015):
Khoản 1 Điều này so với khoản 1 Điều 242 BLTTHS 2003 về cơ bản không có gì thay đổi, chỉ thay “Tòa án nhân dân tối cao” bằng “Tòa án nhân dân cấp cao” cho phù hợp với tổ chức trong hệ thống Tòa án được quy định trong Luật tổ chức Tòa án năm 2014.
Khác với BLTTHS 2003, Điều 346 BLTTHS 2015 được chỉnh sửa và bổ sung mới quy định: “2. Trong thời hạn 45 ngày đối với Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu, 75 ngày đối với vụ án Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án quân sự trung ương kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán chủ toạ phiên tòa phải ra một trong các quyết định:
a) Đình chỉ xét xử phúc thẩm;
b) Đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm.
3. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa phúc thẩm.
4. Chậm nhất là 10 ngày trước khi mở phiên tòa, Tòa án cấp phúc thẩm phải gửi quyết định đưa vụ án ra xét xử cho Viện kiểm sát cùng cấp, người bào chữa, bị hại, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người kháng cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng cáo, kháng nghị”.
Khác với BLTTHS 2003, BLTTHS 2015 quy định Tòa án cấp phúc thẩm quyết định Đưa vụ án ra xét xử; gửi quyết định đưa vụ án ra xét xử cho Viện kiểm sát cùng cấp và những người liên quan. Việc bổ sung quy định này nhằm bảo đảm chặt chẽ về thời gian trong quy trình “Chuẩn bị xét xử phúc thẩm” thống nhất với quy trình của “Chuẩn bị xét xử sơ thẩm”. Đồng thời bảo đảm cho Viện kiểm sát cùng cấp và những người tham gia tố tụng có thời gian cần thiết để chuẩn bị tham gia phiên toà phúc thẩm. BLTTHS 2003 quy định chậm nhất 15 ngày trước ngày mở phiên tòa, Tòa án cấp phúc thẩm phải thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp (Lịch phiên tòa) và những người tham gia tố tụng (Giấy triệu tập) về thời gian, địa điểm xét xử phúc thẩm vụ án. Nay BLTTHS 2015 quy định chậm nhất 10 ngày trước ngày mở phiên tòa, Tòa án cấp phúc thẩm phải gửi quyết định đưa vụ án ra xét xử cho những thành phần quy định tại khoản 4 Điều này cùng với lịch phiên tòa cho VKS, Giấy triệu tập cho những người còn lại (Khoản 1 Điều 351).
* Điều 347. Áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế (Điều 243 BLTTHS 2003):
– Khác với BLTTHS 2003, Điều 347 BLTTHS 2015 bổ sung thẩm quyền của Tòa án cấp phúc thẩm có quyền áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ biện pháp cưỡng chế (Áp giải, dẫn giải, kê biên tài sản, phong tỏa tài sản). Điều luật cũng quy định rõ “Việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn khác, biện pháp cưỡng chế do Thẩm phán chủ tọa phiên tòa quyết định”. Còn thẩm quyền áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp tạm giam do Chánh án, Phó chánh án quyết định (như quy định cũ).
Việc sửa đổi bổ sung quy định này tạo điều kiện cho Hội đồng xét xử phúc thẩm (Thẩm phán chủ tọa) áp dụng biện pháp cưỡng chế nhằm kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân cũng như phục vụ tốt cho công tác xét xử.
– Sửa đổi bổ sung quy định tại khoản 2 Điều này:
“Trường hợp còn thời hạn tạm giam bị cáo mà xét thấy cần phải tiếp tục tạm giam bị cáo thì Tòa án cấp phúc thẩm sử dụng thời hạn tạm giam theo quyết định tạm giam của Tòa án cấp sơ thẩm. Trường hợp đã hết thời hạn tạm giam bị cáo theo quyết định tạm giam của Tòa án cấp sơ thẩm thì Chánh án, Phó Chánh án Tòa án ra quyết định tạm giam mới.
Quy định này cho phép Tòa án cấp phúc thẩm có thể sử dụng thời hạn tạm giam bị cáo theo quyết định tạm giam của Tòa án cấp sơ thẩm, nếu thời hạn tạm giam đó vẫn còn sau khi Tòa án cấp phúc thẩm thụ lý vụ án. BLTTHS 2003 trước đây chưa quy định nội dung này.
Tuy nhiên, đoạn 3 khoản 2 Điều 347 quy định: Đối với bị cáo đang bị tạm giam, nếu xét thấy cần tiếp tục tạm giam để hoàn thành việc xét xử thì Hội đồng xét xử ra quyết định tạm giam cho đến khi kết thúc phiên tòa”. Quy định như vậy theo chúng tôi là chưa rõ ràng. Bởi vì, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm thì thẩm quyền ra quyết định tạm giam là Chánh án, Phó chánh án; trong gia đoạn xét xử phúc thẩm Hội đồng xét xử ra quyết định tạm giam bị cáo 45 ngày để bảo đảm thi hành án khi đến ngày kết thúc phiên tòa thời hạn tạm giam đã hết. Đề nghị cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn để các Tòa án thực hiện thống nhất.
* Về sự có mặt của Kiểm sát viên, Sự có mặt của người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người kháng cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng cáo, kháng nghị (các Điều 350, 351) – Tương ứng với Điều 245 BLTTHS 2003
Trên cơ sở pháp điển hóa hướng dẫn trong Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP ngày 08/12/2005 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ tư “Xét xử phúc thẩm” của BLTTHS 2003. BLTTHS 2015 tách từ Điều 245 BLTTHS 2003 thành 2 Điều 350, 351 và quy định chi tiết hơn nếu một trong những người nói trên vắng mặt tại phiên tòa phúc thẩm thì trường hợp nào Tòa án cấp phúc thẩm tiến hành xét xử, trường hợp nào phải hoãn phiên tòa là rất rõ ràng, cụ thể.
* Điều 354. Thủ tục phiên toà phúc thẩm (Điều 247 BLTTHS 2003):
Nội dung quy định tại Điều 354 về cơ bản vẫn giữ nguyên như quy định của BLTTHS 2003. Có bổ sung mới tại khoản 2, 3 Điều 354 về nội dung trong giai đoạn xét hỏi và giai đoạn tranh tụng tại phiên tòa. Tuy nhiên, khi tiến hành phiên toà phúc thẩm cần chú ý nghiên cứu kỹ các quy định đã được sửa đổi bổ sung rất cơ bản trong BLTTHS 2015 về thủ tục phiên toà sơ thẩm (các Điều 306 – 329) để dụng cho phù hợp.
Khoản 2, 3 Điều 354 quy định:
“2. Chủ toạ phiên tòa hỏi người kháng cáo có thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo hay không; nếu có thì chủ tọa phiên tòa yêu cầu Kiểm sát viên trình bày ý kiến về việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo.
Chủ toạ phiên tòa hỏi Kiểm sát viên có thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị hay không; nếu có thì chủ tọa phiên tòa yêu cầu bị cáo và những người liên quan đến kháng nghị trình bày ý kiến về việc thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị.
3. Khi tranh tụng tại phiên tòa, Kiểm sát viên, người khác liên quan đến kháng cáo, kháng nghị phát biểu ý kiến về nội dung kháng cáo, kháng nghị; Kiểm sát viên phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án”.
* Về thẩm quyền của Tòa án cấp phúc thẩm (các Điều 355- 359)
BLTTHS 2015 bổ sung thẩm quyền của Tòa án cấp phúc thẩm, khắc phục vướng mắc hiện nay do Tòa án cấp phúc thẩm không có đầy đủ thẩm quyền trong việc hủy, sửa bản án sơ thẩm nên phải kiến nghị Tòa án cấp trên kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, làm kéo dài vụ án không cần thiết. Cụ thể:
*.1. Điều 355. Thẩm quyền của Hội đồng xét xử (Toà án cấp) phúc thẩm (Điều 248 BLTTHS 2003):
– Tên của Điều 355 được sửa lại cho phù hợp giữa tên gọi và nội dung quy định trong Điều luật này. Thay “Thẩm quyền của Toà án cấp phúc thẩm” bằng “Thẩm quyền của Hội đồng xét xử phúc thẩm đối với bản án sơ thẩm”. Đồng thời bổ sung thêm thẩm quyền của Hội đồng xét xử phúc thẩm quyền “ đ) Đình chỉ việc xét xử phúc thẩm”, mà trước đây chưa quy định trong BLTTHS 2003.
– Khác với BLTTHS 2003, Điều luật mới đã bỏ khoản 1 quy định về hình thức và các nội dung cơ bản của bản án phúc thẩm. Nội dung này được quy định tại Điều 260 thuộc chương XX “NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG” trong phần thứ tư “XÉT XỬ VỤ ÁN HÌNH SỰ”. Đây là sự tiến bộ của kỹ thuật lập pháp, quy định chung cho cả xét xử sơ thẩm và phúc thẩm mà BLTTHS 2003 còn thiếu.
*.2. Điều 357. Sửa bản án sơ thẩm (Điều 249 BLTTHS 2003):
– Khoản 1 của Điều luật này được bổ sung tại điểm “a) Miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt cho bị cáo; không áp dụng hình phạt bổ sung; không áp dụng biện pháp tư pháp” và điểm “e) Giữ nguyên hoặc giảm mức hình phạt tù và cho hưởng án treo”. Điều luật mới quy định thêm căn cứ để Toà án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm. Sự bổ sung này nhằm khắc phục vướng mắc trong thực tiễn phúc thẩm do Điều 249 BLTTHS 2003 không quy định căn cứ. Đây là quy định tháo gỡ vướng mắc khi Tòa án cấp phúc thẩm buộc phải giữ nguyên mức hình phạt tù và cho hưởng án treo khi mà mức hình phạt tù mà Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng không tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội.
– Tương tự như khoản 1, đối với khoản 2 của Điều luật này được bổ sung tại điểm “a) Tăng hình phạt, áp dụng điều, khoản của Bộ luật hình sự về tội nặng hơn; áp dụng hình phạt bổ sung; áp dụng biện pháp tư pháp”; điểm “c) Chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nặng hơn và điểm “d) Không cho bị cáo hưởng án treo”.
Việc bổ sung quy định tại điểm “d) không cho bị cáo hưởng án treo” để giải quyết vướng mắc Tòa án phúc thẩm không được chuyển từ phạt tù cho hưởng án treo sang không cho hưởng án treo (phạt tù giam) mà đúng ra là sửa biện pháp chấp hành hình phạt. Quy định này không cho phép Toà án cấp phúc thẩm sửa mức hình phạt mà chỉ sửa “biện pháp chấp hành hình phạt”. Gặp trường hợp này, Toà án cấp phúc thẩm chỉ được giữ nguyên hình phạt và không cho hưởng án treo. (quy định llaf vậy thực tế có khác).
*.3. Điều 358. Huỷ bản án sơ thẩm để điều tra lại hoặc xét xử lại (Điều 250 BLTTHS 2003):
– Trong Điều luật này đã sửa cụm từ “Tòa án cấp phúc thẩm” bằng cụm từ “Hội đồng xét xử phúc thẩm” cho đúng chủ thể, sát với bản chất cũng như phù hợp giữa tên gọi và nội dung quy định trong Điều luật này. Đồng thời làm rõ thêm các trường hợp hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại hoặc xét xử lại và bổ sung thêm thẩm quyền của Hội đồng xét xử phúc thẩm. Sự bổ sung này nhằm khắc phục vướng mắc và không thống nhất trong thực tiễn phúc thẩm khi áp dụng căn cứ này do Điều 250 BLTTHS 2003 trước đây không quy định. Đó là:
“1. Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại trong các trường hợp:
a) Có căn cứ cho rằng cấp sơ thẩm bỏ lọt tội phạm, người phạm tội hoặc để khởi tố, điều tra về tội nặng hơn tội đã tuyên trong bản án sơ thẩm;
b) Việc điều tra ở cấp sơ thẩm không đầy đủ mà cấp phúc thẩm không thể bổ sung được;
c) Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong giai đoạn điều tra, truy tố.
2. Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại ở cấp sơ thẩm với thành phần Hội đồng xét xử mới trong các trường hợp:
a) Hội đồng xét xử sơ thẩm không đúng thành phần mà Bộ luật này quy định;
b) Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong giai đoạn xét xử sơ thẩm;
c) Người được Tòa án cấp sơ thẩm tuyên không có tội nhưng có căn cứ cho rằng người đó đã phạm tội;
d) Miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt hoặc áp dụng biện pháp tư pháp đối với bị cáo không có căn cứ;
đ) Bản án sơ thẩm có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật nhưng không thuộc trường hợp Hội đồng xét xử phúc thẩm sửa bản án theo quy định tại Điều 357 của Bộ luật này.
3. …
4. …
5. … (Giữ nguyên)”.
* Điều 361. Thẩm quyền của Hội đồng phúc thẩm đối với quyết định sơ thẩm (Khoản 3,4 Điều 253 BLTTHS 2003):
Khác với BLTTHS 2003, BLTTHS 2015 tách Điều 253 cũ “Phúc thẩm những quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm” thành 2 điều luật riêng (Điều 361, 362). Điều 361 quy định rõ thẩm quyền của Hội đồng phúc thẩm đối với quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm (khoản 3,4 Điều 253 BLTTHS 2003) mà không quy định dẫn chiếu điều khoản.
Điều 361: “1. Hội đồng phúc thẩm có quyền:
a) Không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị và giữ nguyên quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm khi xét thấy các quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm có căn cứ và đúng pháp luật;
b) Sửa quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm;
c) Hủy quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm để tiếp tục giải quyết vụ án.
2. Quyết định phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ra quyết định”.
* Điều 362. Thủ tục phúc thẩm đối với quyết định sơ thẩm (Khoản 1,2 Điều 253 BLTTHS 2003):
Khác với BLTTHS 2003, BLTTHS 2015 quy định dầy đủ, chặt chẽ về thủ tục phúc thẩm đối với quyết định sơ thẩm. Trước đây, trường hợp này không phải mở phiên tòa, nay bắt buộc phải mở phiên tòa (phiên họp); trước đây, Tòa án cấp phúc thẩm không nhất thiết phải triệu tập những người tham gia tố tụng, chỉ triệu tập trong trường hợp xét thấy cần thiết (quy định tùy nghi), nay quy định bắt buộc phải triệu tập. Đồng thời quy định rõ thời hạn mở phiên họp để xem xét quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị.
Điều 362: “1. Khi phúc thẩm đối với quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị thì Hội đồng xét xử phúc thẩm phải triệu tập người kháng cáo, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng cáo, kháng nghị tham gia phiên họp. Trường hợp họ vắng mặt thì Hội đồng xét xử phúc thẩm vẫn tiến hành phiên họp.
2. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thụ lý hồ sơ vụ án, Tòa án phải mở phiên họp để xem xét quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị.
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ra quyết định mở phiên họp, Hội đồng xét xử phúc thẩm phải mở phiên họp. Trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày ra quyết định thì Tòa án phải chuyển hồ sơ vụ án kèm theo quyết định mở phiên họp cho Viện kiểm sát cùng cấp. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, Viện kiểm sát phải trả hồ sơ vụ án cho Tòa án.
3. Tại phiên họp, một thành viên của Hội đồng xét xử phúc thẩm trình bày tóm tắt nội dung quyết định sơ thẩm, nội dung kháng cáo, kháng nghị và chứng cứ, tài liệu, đồ vật kèm theo (nếu có).
Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp phải có mặt tại phiên họp và phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về việc giải quyết kháng cáo, kháng nghị trước khi Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định”
—Nguyễn Thị Tuyết—