NGƯỜI LUẬT SƯ CỦA NHÂN DÂN

Sinh ra và lớn lên tại vùng đất văn vật – Văn Lang, Hạ Hòa, Phú Thọ, Luật sư Nguyễn Văn Bình sớm bộc lộ tố chất văn thơ từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Anh vinh dự được các Thầy Cô giáo gửi gắm niềm tin, chọn vào đội tuyển học sinh giỏi văn tòan Miền Bắc trong những năm đất nước còn bị chia cắt bởi chiến tranh. Chính vì vậy, sau khi tốt nghiệp phổ thông, anh quyết định theo nghiệp sư phạm Văn. Những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước, công tác giáo dục, đào tạo của Việt Nam đã khá bài bản, nghiêm túc và chính quy. Là người say mê truyện và thơ, lại được đào tạo trong môi trường sư phạm chuyên nghiệp, điều đó đã giúp anh tích lũy được khá nhiều vốn kiến thức văn chương. Và đây cũng là giai đoạn mà khiếu làm thơ của anh có cơ hội được ươm mầm, nuôi dưỡng và phát triển. Nếu không xảy ra chiến tranh biên giới phía Bắc, tôi tin anh sẽ là một Thầy Giáo dạy văn rất giỏi bởi khả năng cảm thụ, trao truyền và lan tỏa cảm hứng say mê văn học của anh đến người nghe.
Tuy nhiên, sau ba tháng làm thầy, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ Quốc, anh nén lòng tạm biệt lũ trẻ lên đường nhập ngũ. Dải đất biên cương phía Bắc đã lưu dấu chân anh với tư cách một người lính trên mặt trận văn hóa. Ba năm làm nghĩa vụ quân sự tại F355 QK2, anh được đơn vị giao nhiệm vụ làm “Thầy”. Học trò của anh là những sỹ quan Quân đội Nhân dân VN. Và trong các giờ lên lớp ấy, anh chuyển tải đến đồng chí, đồng đội của mình không chỉ những bài văn, thơ đầy cảm xúc mà còn cả những bài toán hóc búa, bởi đơn vị thiếu giáo viên nên anh kiêm luôn cả “thầy Văn” và “thầy Toán”.
Vốn ham học, thời gian đóng quân nơi biên giới cũng là lúc anh tranh thủ học thêm các môn Văn, Sử, Địa để tích lũy tri thức cho mình. Trong năm cuối cùng thực hiện nghĩa vụ quân sự, anh quyết định thử sức mình với một trường Đại học khá mới mẻ vào thời điểm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước –Trường Đại học pháp lý Hà Nội (nay là trường Đại học Luật Hà Nội). Tuổi trẻ với những khát khao trinh phục đỉnh cao tri thức, anh đăng ký thi vào trường Đại học Pháp lý Hà Nội. Và trời không phụ công mài sắt của người thầy mang màu xanh áo lính. Cánh cửa giảng đường đã mở rộng đón anh. Để hôm nay, anh ung dung, tự tại và đầy tự tin trên con đường bảo vệ công lý, trong vai trò LUẬT SƯ CỦA NHÂN DÂN.
Nghề Luật sư bén duyên với anh ngay từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khi anh mới ra trường. Tốt nghiệp đại học “Bằng đỏ” trong tay, được Nhà trường giữ lại làm Giảng viên nhưng anh quyết định từ chối Thủ đô để về quê khởi nghiệp. Ngoài việc chọn lại nghề, anh còn có một niềm đau đáu với quê hương, với Cha Mẹ. Bởi anh tin “Start up” trên quê hương là cách anh cống hiến được nhiều cho đất Mẹ và một vấn đề quan trọng không kém là, về quê, anh sẽ có điều kiện “báo hiếu” và phụng dưỡng đấng sinh thành được nhiều hơn.
Ngay sau khi về quê công tác và lập gia đình, anh liền đón Mẹ về ở với vợ chồng anh tại Việt Trì (Phú Thọ), nơi có ánh sáng lung linh của những ngọn đèn treo ngược, để Mẹ anh thỏa nguyện được hưởng thụ văn minh thị thành (khi đó điện chưa về làng quê anh như bây giờ).
Thời kỳ đó, pháp luật về Luật sư vẫn cho phép công chức tham gia hành nghề Luật sư với tư cách nghề “tay trái”. Là cán bộ Thanh tra Nhà nước Sở Giao thông vận tải Phú Thọ, nhưng anh còn nổi tiếng với nhiều vụ án được tranh tụng nảy lửa. Để rồi, Hội đồng xét xử không thể không chấp nhận luận cứ tranh tụng với những đề nghị hết sức sắc sảo của Luật sư khi anh phát biểu tại phiên tòa. Cũng bởi nghề nghiệp ấy mà, dù đã qua hàng chục năm, đến nay, vẫn có rất nhiều KHÁCH HÀNG trở thành người thân của anh và gia đình.
Đầu những năm 2000, pháp luật về Luật sư có những thay đổi đáng kể. Người làm công chức không thể đồng thời tham gia hành nghề Luật sư, nên anh không có cơ hội trực tiếp tham gia tố tụng, trực tiếp bảo vệ công lý. Theo điều động của tổ chức, anh chuyển công tác sang Ban Nội chính tỉnh ủy PT, rồi Trưởng phòng Văn bản-Tuyên truyền pháp luật của Sở Tư pháp PT. Sau 9 năm giữ chức vụ Trưởng phòng Văn bản- Tuyên truyền pháp luật, anh được luân chuyển giữ chức vụ Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh PT.
Ở môi trường công tác mới, được bổ nhiệm chức danh Trợ giúp viên pháp lý, anh lại được trở về với vai trò Luật sư nhưng là Luật sư của những người yếu thế trong xã hội. Đối tượng trợ giúp của anh là người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn; người nghèo; người có công với cách mạng, phụ nữ bị xâm hại, trẻ em bị lầm lỡ. Say mê với công cuộc “xóa đói giảm nghèo về luật” cho bà con, anh không quản ngại khó khăn gian khổ, không chút băn khoăn về cái nghèo của người cán bộ tư pháp. Đều đặn hàng tuần, anh tổ chức cho các Trợ giúp viên, Luật sư là cộng tác viên của Trung tâm đi sâu vào bản và “ba cùng” với bà con, giúp bà con tháo gỡ vướng mắc, giúp chính quyền hiểu luật và áp dụng pháp luật đúng đắn, trả lại quyền lợi chính đáng cho đồng bào vùng sâu, vùng xa. Nhiều chuyến đi vào bản sâu trong rừng, có đường mà như không có, ổ trâu, ổ voi, lầy lội, treo leo, ô tô không thể chuyển bánh, anh cùng đội công tác đeo ba lô, xuyên rừng, lội suối để kịp đến với bà con các dân tộc vùng Tây Bắc. Khó khăn vất vả bao nhiêu, anh trăn trở, suy tư bấy nhiêu về cuộc sống và những vấn đề pháp lý mà bà con các dân tộc gặp phải. Anh băn khoăn về chính sách trợ giúp pháp lý của Nhà nước ta còn chưa phủ rộng, chưa đáp ứng kịp thời nguyện vọng chính đáng của bà con các dân tộc, quyền lợi hợp pháp của nhiều người vẫn bị một số cán bộ, công chức xâm phạm, và hoạt động trợ giúp chưa trợ giúp kịp thời để trả lại công bằng cho bà con. Sau mỗi đợt trợ giúp pháp lý lưu động, anh đau đáu với mỗi nỗi niềm, mỗi thân phận của từng con người mà anh gặp, chứng kiến, anh trăn trở với thực tiễn xã hội còn nhiều oan trái và nhiều khi cũng “lực bất tòng tâm”. Đã có nhiều văn bản kiến nghị đầy tâm huyết của anh được gửi đến người có thẩm quyền. Anh tham mưu, đề đạt với lãnh đạo trong việc chỉ đạo, ban hành, sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật để bà con các dân tộc thiểu số đỡ đi phần nào cái khổ, cái thiệt thòi. Anh đề đạt với lãnh đạo khẩn trương chỉ đạo chính quyền cấp dưới khắc phục sai sót, áp dụng pháp luật đúng đắn để trả lại quyền lợi cho bà con.
Có thể nói, hơn 5 năm làm công tác Trợ giúp pháp lý tại tỉnh PT là thời kỳ anh dồn hết tâm sức của mình, không tính toán, đắn đo, không vụ lợi, để hiện thực hóa chính sách trợ giúp pháp lý hết sức nhân văn của Nhà nước ta tại quê hương. Anh tâm niệm, khi các đối tượng yếu thế trong xã hội bị tổn thương, bị người khác xâm hại, thì ai sẽ cứu giúp họ nếu trước hết không phải là những Trợ giúp viên pháp lý đang hưởng lương từ đồng thuế của dân?! Cũng chính vì vậy mà, quá trình tham gia tố tụng hoặc tư vấn ngoài tố tụng, trong vai trò Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh nhà và Trợ giúp viên pháp lý, đã có rất nhiều đương sự, bị cáo (thuộc đối tượng được Trung tâm trợ giúp pháp lý) được giải thoát khỏi nơi trại giam oan nghiệt, được trả lại sự công bằng. Trong số đó, không thể không kể đến 05 bị cáo là người dân tộc thiểu số sinh sống tại tỉnh Sơn La, bị vào tù về hành vi bán thuốc ngủ SELUSEN cho người bệnh mất ngủ và nhờ có Trung tâm Trợ giúp pháp lý NN mà được trả tự do. Hoặc nhiều kẻ có hành vi hãm hiếp, xâm phạm nhân phẩm, danh dự phụ nữ đã bị đưa ra ánh sáng và chịu hình phạt, mang lại quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại. Có trường hợp được Tòa án tuyên vô tội, được trả tự do tại Tòa mà ngơ ngác không hiểu tại sao mình được thả. Hoặc nhiều trường hợp, án sơ thẩm áp dụng hình phạt chưa tương xứng với tính nguy hiểm của hành vi phạm tội, họ không đáng bị tử hình, không đáng chịu mức phạt cao thì tại phiên tòa phúc thẩm, lời bào chữa của anh đã được Tòa chấp nhận, hình phạt tử hình được sửa xuống tù chung thân, hình phạt tù được giảm, đem lại niềm vui khôn xiết cho bị cáo và gia đình họ, nhưng quan trọng hơn là chính bị cáo tâm phục, khẩu phục với bản án kết tội và cố gắng cải tạo tốt để sớm trở về với gia đình, cộng đồng.
Giờ đây, ở tuổi nghỉ hưu, anh có thể ngửng cao đầu với anh em, bạn bè, đồng nghiệp về những gì mình đã cống hiến trong thời gian anh nhận lương từ đồng thuế của Nhân dân. Tuy nhiên, là con người của công việc, anh không cho phép mình làm ngơ trước những cảnh đời oan trái, thiệt thòi. Còn sức, còn kiến thức pháp luật và trí tuệ, và anh tự thấy mình còn nhiều duyên nợ với nghiệp Luật sư nên cuộc đời lại đưa anh trở lại với nghề “Thầy cãi”, cái nghề mà anh đã “hành nghề tay trái” từ những năm 90 của thế kỷ trước.
Lúc này, bên người bạn đời thân yêu, là đồng môn, đồng nghiệp, đồng chí hướng, anh như có thêm đôi cánh để thỏa sức “dạo chơi” trong bầu trời bảo vệ công lý. Và nhiệt huyết với sự nghiệp bảo vệ người yếm thế trong xã hội vẫn còn nguyên trong dòng máu chảy trong anh. Anh cùng bà xã quyết định thành lập Công ty Luật TNHH Trung Cường để có điều kiện tốt hơn tiếp tục sự nghiệp vì công lý. Và đặc biệt, anh thành lập Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 24h/24h (trụ sở tại Nguyễn Trí Thanh, Đống Đa, Hà Nội) với đội ngũ Sinh viên, Cử nhân, giảng viên trường ĐH Luật tư vấn cho Nhân dân cả nước. Thông qua các cuộc gọi điện thoại đến đội ngũ Giảng viên, Cử nhân Luật tâm huyết, tự nguyện cùng mục đích làm thiện nguyện, sẵn sàng trực “ống nghe” 24/24 để tư vấn cho bà con, rất rất nhiều cá nhân, tổ chức đã được tư vấn miễn phí. Qua đó, giúp bà con ở các địa phương trên Tổ quốc mình (kể cả người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài) hiểu tình trạng pháp lý của mình, có biện pháp tự mình vận dụng pháp luật để thực hiện các bước cần thiết kịp thời xử lý vướng mắc theo đúng pháp luật, tránh được các hành vi manh động, nguy hiểm. Đây còn là nơi để đội ngũ Giảng viên và sinh viên luật – những cán bộ pháp luật tương lai có điều kiện trải nghiệm và học hỏi từ thực tiễn. Bởi lý thuyết chỉ là màu xám, chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi. Thực tế tư vấn pháp luật tại Tổng đài của Công ty chính là một mảnh trường đời sinh động để thế hệ trẻ có thể nối nghiệp cha anh một cách nhanh nhất và chất nhất. Ngoài việc giúp đỡ cộng đồng xã hội, khi thành lập Tổng đài tư vấn miễn phí, vợ chồng người Luật sư của người nghèo Nguyễn Văn Bình ấy còn mong muốn được trao truyền kiến thức, kỹ năng hành nghề Luật sư, Thẩm phán cho lớp trẻ. Vì vậy, anh cùng người vợ (nguyên là Thẩm phán TAND tối cao, Thẩm phán cao cấp) luôn sẵn sàng “đỡ đầu”, là cố vấn chuyên môn cho các bạn trẻ mới vào nghề Luật sư, Thẩm phán khi có nhu cầu.
Đã hơn 6 năm kể từ ngày thành lập Công ty, anh luôn miệt mài chuyên tâm với công việc. Dù hành nghề tại Thủ đô Hà Nội, nhưng anh vẫn cùng bà xã rong duổi trên mỗi nẻo đường đến những miền đất khó khăn, xa xôi. Bởi ở đó có rất nhiều người yếm thế đang cần anh. Anh tâm niệm, tiền không phải là tất cả. Với đối tượng người nghèo khó, hoặc những hoàn cảnh đáng được cộng đồng chung tay giúp đỡ, Công ty luôn có “chính sách” riêng. Tuy thù lao nhận được chẳng là bao nhưng bù lại, anh nhận được nhiều hơn những gì gọi là vật chất. Đó là nụ cười viên mãn của khách hàng, là sự “tích thiện” bền bỉ, vô tư để anh có được cuộc sống an nhiên, tự tại, hạnh phúc như ngày hôm nay. Một tổ ấm bình yên với người bạn đời yêu dấu, cùng hai cách cách ngoan hiền, hai chàng rể hiếu lễ, hàng ngày được nghe tiếng gọi bi bô đầy ma lực “ngoại ơi” của thiên thần bé nhỏ! Đó là tất cả gia tài quý giá của Luật sư Nguyễn Văn Bình – người Luật sư của Nhân dân!
Hà Nội, tháng 9 năm 2018
BBT trang web của Công ty Luật TNHH Trung Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *