Kinh doanh đa cấp hay chiêu trò “đa cấp” trong kinh doanh (Multi-level marketing or…

Kinh doanh đa cấp hay chiêu trò “đa cấp” trong kinh doanh (Multi-level marketing or Network Marketing)

Kinh doanh đa cấp bắt nguồn từ Mỹ và công ty Avon, nơi khởi phát loại hình kinh doanh này đã nhanh chóng đạt kỉ lục về doanh số. Về bản chất, kinh doanh đa cấp là một phương thức bán hàng rất tiềm năng, giúp sản phẩm nhanh chóng tiếp cận với người tiêu dùng, giảm chi phí nhân lực hoặc chi phí kho bãi, trụ sở… . nên hiệu quả kinh doanh rất tốt.
Ở Việt Nam, hoạt động kinh doanh đa cấp được pháp luật cho phép tại Nghị định số 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Tuy nhiên, thực trạng tại Việt Nam, kinh doanh đa cấp đã và đang bị lợi dụng, nhiều hoạt động trá hình, đội lốt đa cấp để trục lợi của khách hàng diễn ra khá nhiều ở đa dạng các mặt hàng. Số tiền mà người kinh doanh đa cấp trá hình chiếm đoạt của người tiêu dùng lên đến hàng trăm tỷ đồng. Nhằm hạn chế thấp nhất việc các tổ chức, cá nhân lợi dụng kinh doanh đa cấp để trục lợi, Nhà nước ta đã tạo lập hành lang pháp lý ngày càng chặt chẽ nhằm đưa hoạt động kinh doanh đa cấp vào đúng quỹ đạo (ví dụ như: quy định vốn điều lệ của doanh nghiệp không dưới 10 tỷ đồng, ký quỹ ít nhất 5 tỷ đồng, hạn chế mặt hàng, có chương trình, kế hoạch đào tạo nhân viên bán hàng bài bản…). Mặc dù vậy, hiện tượng đa cấp trá hình vẫn diễn ra khá phổ biến, nguy cơ người tiêu dùng bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản vẫn hiện hữu.
Theo quy định của pháp luật thì, kinh doanh theo phương thức đa cấp là hoạt động kinh doanh sử dụng mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh. Trong đó, người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác từ kết quả kinh doanh của mình và của những người khác trong mạng lưới. Tuy vậy, không phải doanh nghiệp nào cũng chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật và tôn trọng quyền lợi khách hàng. Đã có khá nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng lòng tin của khách hàng, sử dụng vỏ bọc bán hàng đa cấp để trục lợi, chiếm đoạt tài sản của người khác.
Để nhận diện kinh doanh đa cấp chân chính hay kinh doanh đa cấp trá hình, cần lưu ý rằng: Điểm khác biệt lớn nhất giữa kinh doanh đa cấp chân chính và kinh doanh đa cấp trá hình (lợi dụng kinh doanh đa cấp để lừa đảo chiếm đoạt tiền của người khác), đó là việc chủ doanh nghiệp tập trung vào sản phẩm hay tập trung vào tuyển dụng. Cácdoanh nghiệp kinh doanh chân chính theo phương thức này sẽ đẩy mạnh việc làm cho nhà phân phối/tư vấn viên hiểu được một cách rõ ràng về chất lượng sản phẩm, từ đó trở thành chuyên gia về sản phẩm, có thể tư vấn bán hàng và thu lợi nhuận từ việc bán hàng. Trong khi đó, loại hình kinh doanh đa cấp trá hình, bất chính lại mong muốn tuyển dụng thật nhiều “cấp dưới” để tạo mạng lưới bán hàng, từ đó “hút máu” từ chính các chân rết của mình, chứ không phải nhằm quảng bá sản phẩm. Thực chất, sản phẩm đem bán chỉ là cái cớ (bán tốt lắm, dễ bán lắm…), là công cụ để người tham gia mạng lưới tuyển dụng cấp dưới chứ không là mục đích chính. Nói cách khác, đối với bán hàng đa cấp chân chính, họ bán sản phẩm chứ không bán ước mơ đổi đời!
Ngày nay, hoạt động kinh doanh đa cấp thường được gọi với tên Network Marketing – kinh doanh theo mạng lưới. Nhưng về bản chất thì tất cả các cách gọi đó đều phản ánh hình thức hoạt động của kinh doanh đa cấp.
Trong một vài năm trở lại đây, sau một thời gian im ắng, bán hàng đa cấp bắt đầu trở lại và phát triển theo hình thái mới “phức tạp” hơn và có phần khó kiểm soát hơn. Bên cạnh những doanh nghiệp kinh doanh đa cấp đúng pháp luật thì, nhiều doanh nghiệp núp dưới phương thức kinh doanh này với các chiêu trò mới lạ rất tinh vi nhằm chiếm đoạt tiền của khách hàng ít hiểu biết và mê muội. Họ sử dụng các chiêu “định hướng” khách hàng, thông qua “đội, nhóm”.
Dạo quanh facebook một vòng, không khó để thấy các sản phẩm đang được “thổi phồng” và các “đội, nhóm” đang hoạt động rất rầm rộ theo phương thức tạo tâm lý đám đông để hướng người mua hàng sẵn sàng bỏ tiền ra “rinh” sản phẩm. Một số sản phẩm đang hoạt động theo phương thức này như: Ngũ cốc, saffron (nhuỵ hoa nghệ tây), các sản phẩm giảm cân hay đa năng, kem đánh răng…
Người viết bài này đã từng được nghe một người bạn chia sẻ: Trước đây cô có tham gia hoạt động bán hàng với một đội, nhóm để bán sản phẩm Viên uống giảm cân. Thực sự viên uống có tác dụng giảm cân thật nhưng cơ chế giảm cân là: sau khi uống thuốc, cơ thể sẽ đào thải độc tố ra ngoài cơ thể qua con đường “đi ngoài”, giống như “thuốc sổ”. Vì mất nước, cơ thể sẽ tự giảm cân. Thực tế việc giảm cân này chỉ là giảm lượng nước trong cơ thể chứ không hề giảm mỡ cho cơ thể. Sau một thời gian sử dụng, người sẽ rất mệt mỏi. Ban đầu, khi thấy cơ thể giảm cân, cô rất hào hứng và mong muốn bán sản phẩm rộng rãi đến người tiêu dùng. Sau khi được đưa vào nhóm và đào tạo “bài bản”, cô đăng bài lên facebook để kêu gọi mọi người mua hàng. Các thành viên trong nhóm sẽ vào bài đăng của cô để “tương tác” theo kiểu: Chị ơi cho em 1 hộp; Chị ơi sản phẩm tốt lắm ạ; Gửi hàng cho mình chưa bạn ơi?… nhằm tạo hiệu ứng “chim mồi”. Khi những người khác thấy sản phẩm được tương tác “sôi nổi” sẽ tạo cảm giác sản phẩm có hiệu quả cao, được nhiều người hưởng ứng, thôi thúc muốn mua sản phẩm và thực sự có người vì thế mà mua sản phẩm. Cô quyết định nhập sỉ 10 sản phẩm về bán dần. Tuy nhiên, do hiệu ứng đám đông chỉ nổi lên một thời gian sau đó lắng xuống rất nhanh, cuối cùng cô bán mấy tháng mới xong 10 hộp và dừng lại không bán nữa.
Nếu quan tâm, bạn có thể nhận thấy, hiện nay rất nhiều người đang bán sản phẩm saffron – nhụy hoa nghệ tây – theo phương thức “đội, nhóm”. Người mới gia nhập ban đầu sẽ đăng trạng thái thời gian gần đây có triệu chứng mất ngủ, chán ăn, mệt mỏi và cần một lời khuyên. Sau đó, có người vào khuyên sử dụng saffron để cải thiện chứng mất ngủ, ăn ngon miệng hơn. Vài ngày sau (tạm coi sau thời gian sử dụng), người đó sẽ up một status mới chia sẻ rằng mình đã hết mất ngủ, chán ăn nhờ vào saffron, đồng thời hỏi ý kiến mọi người xem có nên kinh doanh mặt hàng này không. Tất nhiên, dân mạng rất nhiệt tình ủng hộ, nhờ đó mà người bán cũng bắt đầu quảng bá sản phẩm một cách rất tự nhiên. Biệt đội “chim mồi” (cũng như trên) vào ủng hộ, đặt hàng, khen ngợi sản phẩm… nhằm hưởng ứng người bán. Nhờ vậy, thời gian đầu, người bán hàng sẽ bán được khá nhiều sản phẩm, nhưng dần dần sự ảnh hưởng yếu dần cũng bởi người tiêu dùng nhận thấy “sự thật” sau màn chào hàng và không còn tin tưởng sản phẩm như trước.
Người viết bài này không dám khẳng định tất cả những phương thức bán hàng đa cấp là bất chính, cũng không khẳng định các chiêu bán hàng qua FB là xấu, nhưng những chiêu trò lôi kéo khách hàng như vậy, thực sự không phải là điều mà một người kinh doanh chân chính nên làm. Điều mà tôi muốn nói, người kinh doanh đa cấp thay vì tập trung vào tuyển dụng nhiều nhiều tầng, nhiều lớp lang thì hãy làm cho khách hàng thực sự hiểu được sản phẩm và công dụng thực sự của sản phẩm, hãy từ bỏ chiêu trò lôi kéo, dụ dỗ, làm hoa mắt khách hàng để thu lời. Có như vậy mới có thể trở thành một saleman có tâm thực thụ, mới bảo đảm sự bền vững và tính chuyên nghiệp trong kinh doanh./.

NGUYEN THI TUYET MAI (MS.) – Cử nhân Luật, phụ trách truyền thông – Công ty Luật TNHH Trung Cường!
—————————————————————–

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *