HÀNH VI NGOẠI TÌNH CÓ THỂ BỊ TRUY CỨU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ

HÀNH VI NGOẠI TÌNH CÓ THỂ BỊ TRUY CỨU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ

Ngoại tình là một vấn đề nhức nhối và có nguy cơ nhen nhóm, phát sinh ở bất cứ gia đình nào. Nạn “ngoại tình” dường như đã trở nên nóng hơn bao giờ hết khi hàng ngày, hàng giờ trên mạng xã hội, trên phim ảnh người ta nhắc đến một cách hào hứng, say sưa. Còn Các em “tiểu tam” thì mọc như nấm sau mưa cốt để kiếm một chỗ đứng ngoài hôn nhân trong lòng quân tử. Tuy nhiên, PL không cho phép tồn tại mối quan hệ trăng hoa, lăng loàn ấy nên đã quy định Nguyên tắc cơ bản của quan hệ hôn nhân gia đình là “tự nguyên, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng” (Điều 2 – Luật Hôn nhân gia đình năm 2014).Pháp luật cũng cấm “Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ…”

Ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, người vi phạm chế độ một vợ một chồng còn có nguy cơ phải chịu trách nhiệm Hình sự về tội: “Vi phạm chế độ một vợ, một chồng” theo Điều 182 – Bộ luật Hình sự năm 2015. Cụ thể:

Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

– Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;

– Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

– Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;

– Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ vợ chồng.
Vậy hành vi ngoại tình như thế nào thì cấu thành tội phạm, đủ cơ sở để tố cáo đến Cơ quan nhà nước có thẩm quyền, hoặc đơn giản chỉ là chứng minh có hành vi ngoại tình để có thể giải quyết việc ly hôn? Ngoại tình là yếu tố tiên quyết của điều luật này, thể hiện sự vi phạm chế độ hôn nhân gia đình. Nhưng nếu chỉ đưa được ra những đoạn tin nhắn thân mật, hoặc tự bản thân người vi phạm thú nhận việc ngoại tình thì đều là chưa đầy đủ. Người trong cuộc nên tỉnh táo, bình tĩnh và bản lĩnh trong cách xử lý, lấy được chứng cứ là video “bắt gian tại trận”. Đoạn video này là nguồn chứng cứ có lợi nhất để Tòa án hoặc các Cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét.

Bên cạnh đó, việc “tiểu tam” mang thai không hẳn là điều xấu nếu bạn không còn muốn cứu vãn cuộc hôn nhân của mình nữa. Đó sẽ là chứng cứ hoàn hảo để bạn chứng minh hành vi ngoại tình của “kẻ phản bội”. Vì thế nên các bà vợ khi biết nhân tình của chồng mang thai thì cũng coi như mình vừa đá đi một quả bóng cũ, vui vẻ dùng chính những nguồn chứng cứ mình có để dành quyền lợi cho chính mình.

Sau cùng, mặc dù tôi không cổ súy cho việc ly hôn, nhưng bản chất của hôn nhân không còn đạt được, thì hãy mạnh mẽ vứt bỏ nó. Nhưng đừng vội vã mà hãy vứt bỏ một cách thông minh. Và quan trọng nhất, đừng để đứa con của bạn chứng kiến chuyện đấu đá của người lớn, đừng bế con đi “đánh ghen” để rồi đứa trẻ khóc thét vì sợ hãi, tạo nên những chấn thương tâm lý rất lớn cho con trẻ.
Thiết nghĩ, để bảo vệ gia đình, mỗi chúng ta hãy chọn cách ứng xử khôn ngoan ngay từ khi mầm mống ngoại tình còn xa lắc.

Thuỳ Chi

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *