Hà Nội, ngày 23 tháng 05 năm 2018

THƯ TƯ VẤN
(Chuyên mục tuần này là vấn đề ly hôn có yếu tố nước ngoài)

Kính gửi: Chị Nhung!
Lời đầu tiên, thay mặt Công ty Luật Trung Cường trân trọng cảm ơn anh/chị đã gửi câu hỏi đến công ty. Sau khi nhận được yêu cầu tư vấn của chị, tôi đưa ra bản đánh giá pháp lý và nội dung tư vấn như sau:

I. THÔNG TIN VỤ VIỆC

Xin chào công ty Luật Trung Cường!
Tôi là Nhung, liên hệ tới công ty cũng có chút vấn đề cần hỏi luật sư, kính mong luật sư tư vấn giúp tôi ạ.
Tôi có kết hôn lần 2 với 1 người đàn ông. Sau quá trình chung sống chúng tôi không muốn tiếp tục hôn nhân này nữa mà tôi lại đang sống và làm việc tại Séc. Còn chồng tôi ở Việt Nam. Vậy nếu chúng tôi muốn ly hôn mà tôi không phải bay về Việt Nam thì theo Luật Sư tôi phải tiến hành thủ tục pháp lý như thế nào ạ?
Kính mong luật sư giúp đỡ tư vấn ạ/
Tôi xin cảm ơn luật sư Bình!

II. YÊU CẦU TƯ VẤN

Thủ tục tiến hành ly hôn vắng mặt.
III. CĂN CỨ PHÁP LÝ

1. Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014
2.Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015
3. Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14

IV. NỘI DUNG TƯ VẤN

Bất kỳ ai trong chúng ta cũng mong muốn mình có được một cuộc sống hôn nhân thật sự hạnh phúc và viên mãn, cùng bạn đời của mình đi đến cuối cuộc đời. Tuy nhiên, khác với khi yêu, cuộc sống hôn nhân xảy ra biết bao biến cố, áp lực: như áp lực về kinh tế, về lối sống, về tính cách, về trình độ, về con cái… Khiến các cặp vợ chồng cảm thấy áp lực, nặng nề khi sống chung với nhau. Khi không cùng quan điểm, không cộng đồng trách nhiệm,mâu thuẫn sẽ phát sinh. Hai bên không thiện ý, chủ động tháo gỡ, mâu thuẫn sẽ ngày càng trầm trọng. Lúc này họ mong muốn được giải thoát ra cuộc hôn nhận “không hạnh phúc” này.
Trường hợp này chị có chia sẻ là vợ chồng mong muốn ly hôn nhưng chưa rõ là thuận tình ly hôn hay đơn phương ly hôn nên sẽ chia hai trường hợp như sau:
1. Thủ tục tiến hành thuận ly hôn có yếu tố nước ngoài
Ly hôn có thể được tiến hành do yêu cầu của hai bên hoặc do yêu cầu của một bên. Trường hợp hai anh chị đều mong muốn ly hôn và đã thỏa thuận được các vấn đề con cái, tài sản thì sẽ được xác định là ly hôn do yêu cầu của hai bên hay nói cách khác là tiến hành thuận tình ly hôn.
• Hồ sơ tiến hành thuận tình ly hôn như sau:
Để tiến hành thủ tục thuận tình ly hôn, chị cần chuẩn bị những giấy tờ sau:
o Đơn xin thuận tình ly hôn (có chữ ký của hai vợ chồng);
o Giấy chứng nhận kết hôn (bản chính);
o CMND hoặc hộ chiếu (bản sao có chứng thực);
o Sổ hộ khẩu (bản sao có chứng thực);
o Giấy khai sinh của các con;
o Bản sao chứng từ, tài liệu về quyền sở hữu tài sản ( nếu có tranh chấp tài sản).
• Thẩm quyền giải quyết thuận tình ly hôn có yếu tố nước ngoài:
Trường hợp của chị là TAND cấp tỉnh nơi vợ hoặc chồng cư trú. Trường hợp vợ chồng chị đã có hộ khẩu chung tại một nơi cư trú nhất định thì sẽ được giải quyết tại TAND cấp tỉnh nơi vợ chồng chị cư trú.
• Án Phí ly hôn
Theo Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 thì án phí ly hôn sơ thẩm trong trường hợp không có tranh chấp về tài sản là 300.000 VNĐ.
• Thời gian giải quyết ly hôn thuận tình có yếu tố nước ngoài
Theo khoản 3 Điều 476 BLTTDS 2015 quy định về thời gian giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài như sau:
“3. Tòa án phải gửi thông báo thụ lý việc dân sự, trong đó nêu rõ thời gian, địa điểm mở phiên họp, mở lại phiên họp giải quyết việc dân sự trong văn bản thông báo thụ lý việc dân sự cho đương sự ở nước ngoài.
Phiên họp phải được mở sớm nhất là 06 tháng và chậm nhất là 08 tháng, kể từ ngày ra văn bản thông báo thụ lý việc dân sự. Ngày mở lại phiên họp giải quyết việc dân sự (nếu có) được ấn định cách ngày mở phiên họp lần đầu chậm nhất là 01 tháng.”
Như vậy, thời gian giải quyết việc ly hôn của chị là khoảng 6 đến 8 tháng kể từ ngày ra văn bản thụ lý việc dân sự.
• Cách thức giải quyết thuận tình ly hôn vắng mặt.
Khoản 2 Điều 376 BLTTDS 2015 quy định những trường hợp Tòa án giải quyết vắng mặt đương sự của việc dân sự như sau:
“2. Người yêu cầu hoặc người đại diện hợp pháp, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ phải tham gia phiên họp theo giấy triệu tập của Tòa án.
Người yêu cầu vắng mặt lần thứ nhất thì Tòa án hoãn phiên họp, trừ trường hợp người yêu cầu đề nghị Tòa án giải quyết việc dân sự vắng mặt họ. Trường hợp người yêu cầu đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì bị coi là từ bỏ yêu cầu và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết việc dân sự; trong trường hợp này, quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự đó theo thủ tục do Bộ luật này quy định vẫn được bảo đảm.
Trường hợp của chị, vợ chồng chị muốn tòa án giải quyết thuận tình ly hôn nhưng chị không thể từ SEC bay về Việt Nam thì tòa án sẽ giải quyết ly hôn thuận tình vắng mặt chị khi:
• Đã nhận được kết quả tống đạt nếu có của cơ quan có thẩm quyền khi đã có yêu cầu về vấn đề tương trợ tư pháp ( nếu có)
• Chị đã cung cấp đầy đủ lời khai, tài liệu, chứng cứ khi được yêu cầu
• Có đơn yêu cầu đề nghị Tòa án giải quyết việc dân sự vắng mặt họ.
• Hoặc chị có thể ủy quyền cho một người thay mặt chị tham gia tố tụng để giải quyết vụ việc ly hôn.
Như vậy, khi vợ chồng chị tiến hành yêu cầu công nhận việc thuận tình ly hôn thì Tòa án sẽ mở phiên họp để giải quyết, nếu chị không thể về Việt Nam thì phải cung cấp đủ lời khai, tài liệu, chứng cứ và có đơn đề nghị Tòa án giải quyết việc dân sự vắng mặt chị.
2. Thủ tục tiến hành đơn phương ly hôn có yếu tố nước ngoài
Ly hôn đơn phương hiểu một cách đơn giản là khi một trong hai bên không đồng ý ly hôn, hoặc đồng ý ly hôn nhưng chưa thỏa thuận được các vấn đề như con cái, tài sản, nghĩa vụ chung… và yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn cho vợ chồng.
• Hồ sơ tiến hành đơn phương ly hôn như sau:
Để tiến hành thủ tục đơn phương ly hôn, chị cần chuẩn bị những giấy tờ sau:
o Đơn xin ly hôn (có chữ ký của chị và lấy xác nhận của Đại sứ quán Việt Nam tại CH Séc);
o Giấy chứng nhận kết hôn (bản chính);
o CMND hoặc hộ chiếu ( bản sao có chứng thực);
o Sổ hộ khẩu ( bản sao có chứng thực);
o Giấy khai sinh của các con;
o Bản sao chứng từ, tài liệu về quyền sở hữu tài sản (nếu có tranh chấp tài sản).
• Thẩm quyền giải quyết đơn phương ly hôn có yếu tố nước ngoài:
TAND cấp tỉnh nơi bị đơn cư trú sẽ có thẩm quyền giải quyết vụ án này. Trong trường hợp của chị nếu chị là người gửi hồ sơ ly hôn thì TAND cấp tỉnh nơi chồng chị cư trú sẽ có thẩm quyền giải quyết và ngược lại.
• Án Phí ly hôn:
Theo Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 thì án phí ly hôn sơ thẩm trong trường hợp không có tranh chấp về tài sản là 300.000 VNĐ.
• Thời gian giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài:
Theo khoản 2 Điều 476 BLTTDS 2015 quy định về thời gian giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài như sau:
“2. Thời hạn mở phiên tòa, phiên họp hòa giải được xác định như sau:
a) Phiên họp hòa giải phải được mở sớm nhất là 06 tháng và chậm nhất là 08 tháng, kể từ ngày ra văn bản thông báo thụ lý vụ án. Ngày mở lại phiên họp hòa giải (nếu có) được ấn định cách ngày mở phiên họp hòa giải chậm nhất là 01 tháng;
b) Phiên tòa phải được mở sớm nhất là 09 tháng và chậm nhất là 12 tháng, kể từ ngày ra văn bản thông báo thụ lý vụ án. Ngày mở lại phiên tòa (nếu có) được ấn định cách ngày mở phiên tòa chậm nhất là 01 tháng, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 477 của Bộ luật này.”
Như vậy, thời gian giải quyết việc ly hôn của chị là khoảng 9 đến 12 tháng từ ngày ra văn bản thụ lý vụ án dân sự. Trước đó phiên họp hòa giải phải được mở trong khoảng 6 đến 8 tháng kể từ ngày thụ lý để tiến hành hòa giải cho vợ chồng chị.
• Cách thức giải quyết đơn phương ly hôn vắng mặt:
Khi giải quyết vụ án ly hôn, Tòa án về nguyên tắc sẽ tiến hành mở phiên họp hòa giải trước cho vợ chồng chị và phải có mặt cả hai vợ chồng. Sau khi tiến hành hòa giải, nếu hòa giải thành tòa án sẽ ra quyết định công nhận hòa giải thành. Nếu vợ chồng không hòa giải được tòa án sẽ giải quyết theo thủ tục chung và phải có mặt của cả hai vợ chồng.
Tuy nhiên, trường hợp chị không thể về Việt Nam theo quy định tại Khoản 1 Điều 477 quy định về phiên họp hòa giải như sau:
“1. Không mở phiên họp hòa giải khi đã nhận được kết quả tống đạt theo một trong các phương thức quy định tại khoản 1 Điều 474 của Bộ luật này, đương sự đã cung cấp đầy đủ lời khai, tài liệu, chứng cứ và vụ án dân sự thuộc trường hợp không tiến hành hòa giải được quy định tại Điều 207 của Bộ luật này;”
Tại Điều 207 Những vụ án dân sự không tiến hành hòa giải được:
“1. Bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt.
2. Đương sự không thể tham gia hòa giải được vì có lý do chính đáng.
3. Đương sự là vợ hoặc chồng trong vụ án ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự.
4. Một trong các đương sự đề nghị không tiến hành hòa giải.”
Do vậy, để không tiến hành phiên họp hòa giải chị cần phải cung cấp đầy đủ lời khai, tài liệu, chứng cứ cho Tòa án khi có yêu cầu và chị phải viết Đơn đề nghị không tiến hành hòa giải kèm theo hồ sơ giải quyết ly hôn cho Tòa án thì chị sẽ không phải về Việt Nam và Tòa án cũng sẽ không mở phiên họp hòa giải cho vợ chồng chị.
Đồng thời, tại Điểm a, Khoản 5, Điều 477 quy định về trường hợp xét xử vắng mặt đương sự như sau:
“5. Tòa án xét xử vắng mặt đương sự ở nước ngoài trong các trường hợp sau đây:
a) Tòa án đã nhận được kết quả tống đạt theo một trong các phương thức tống đạt quy định tại khoản 1 Điều 474 của Bộ luật này, đương sự đã cung cấp đầy đủ lời khai, tài liệu, chứng cứ và đương sự đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt họ;”
Như vậy, nếu trong giai đoạn xét xử vụ án, Tòa án đã nhận được kết quả tống đạt (nếu tòa án yêu cầu) và chị đã cung cấp đầy đủ lời khai, tài liệu, chứng cứ cần thiết, đồng thời có đơn đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt mình thì Tòa án sẽ xét xử vắng mặt mà không cần triệu tập chị về Việt Nam.
Tóm lại, nếu chị tiến hành đơn phương ly hôn và chị không muốn về Việt Nam thì nên cung cấp đầy đủ lời khai, tài liệu, chứng cứ khi Tòa án yêu cầu; Làm đơn đề nghị Tòa án không tiến hành hòa giải và Đơn đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt.
Chú ý:
– Người yêu cầu phải ghi đầy đủ họ, tên, địa chỉ, quốc tịch của đương sự ở nước ngoài trong đơn khởi kiện, đơn yêu cầu kèm theo giấy tờ, tài liệu xác thực họ, tên, địa chỉ, quốc tịch của đương sự đó.
– Trường hợp vợ chồng chưa thỏa thuận được vấn đề tài sản hoặc con cái thì có thể đề nghị Tòa án không giải quyết vấn đề này để rút ngắn được thời gian giải quyết mối quan hệ nhân thân cho vợ chồng chị. Sau này nếu có nhu cầu thì vợ chồng chị có thể đưa việc phân chia con cái và tài sản này thành một vụ việc mới để giải quyết.
3. Lưu ý
– Ý kiến của chúng tôi chỉ áp dụng riêng đối với yêu cầu tư vấn của chị ở thời điểm chúng tôi đưa ra các yêu cầu tư vấn trên.
– Ý kiến của chúng tôi được đưa ra trên cơ sở pháp luật Việt Nam và thông tin do anh/chị cung cấp.
Thay mặt đội ngũ tư vấn, chúng tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến anh/chị đã tin tưởng đến Công ty. Trong trường hợp anh có thắc mắc, vui lòng liên hệ lại qua gmail của Công ty Trung Cường. Nếu tin tưởng, chị có thể liên hệ trực tiếp với Công ty để được tư vấn và giúp đỡ.
Rất mong nhận được phản hồi sớm nhất của Quý anh chị!
Trân trọng

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *