Điểm mới của Bộ luật dân sự năm 2015

Bộ luật Dân sự sửa đổi (BLDS năm 2015) đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII ngày 24-11-2015, gồm 27 chương, 689 điều. So với Bộ luật dân sự năm 2005 thì Bộ luật Dân sự 2015 có rất nhiều điểm mới, thể hiện chung qua việc quy định tám (8) nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự tạo hành lang pháp lý bảo đảm tất cả quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân được Hiến pháp và pháp luật công nhận đều được tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm thực hiện và chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Nội dung tám nguyên tắc cơ bản đó được thể chế hóa chung bằng các quy định mới cụ thể như sau:
Thứ nhất: Bộ luật Dân sự 2015 thể hiện được đầy đủ vai trò là luật chung của hệ thống luật, tức là trong mối quan hệ với các luật chuyên ngành: Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư, Luật đất đai, Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản, thì Bộ luật Dân sự 2015 đứng ở vị trí trung tâm với tư cách là luật gốc.

Thứ hai: Xác lập, thực hiện và bảo vệ quyền dân sự. Theo quy định thì cá nhân, pháp nhân thực hiện quyền dân sự theo ý chí của mình nhưng không được trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và không được vượt quá giới hạn thực hiện quyền dân sự được quy định tại Bộ luật này;

Thứ ba: Quyền nhân thân của cá nhân đã được cụ thể hóa đầy đủ nhằm xác định tư cách chủ thể của cá nhân trong quan hệ dân sự được quy định trong Hiến pháp và Điều ước Quốc tế mà Việt Nam là thành viên, ví dụ quy định mới về chuyển giới tại điều 37;

Thứ tư: Chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự quy định trong BLDS 2015 được thực sự minh thị (tức là được thừa nhận một cách rõ ràng trong các quan hệ dân sự). BLDS 2015 đã đưa ra quy định việc tham gia của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức không có tư cách pháp nhân vào quan hệ dân sự là thông qua cá nhân đại diện;

Thứ năm: Quy định về tài sản và quyền sở hữu. BLDS năm 2015 đã bổ sung quy định về tài sản bao gồm bất động sản và động sản; tài sản có thể là vật, tiền, giấy tờ có giá, quyền tài sản đối với các đối tượng sở hữu trí tuệ và các quyền tài sản khác;

Thứ sáu: BLDS năm 2015 hướng tới sự ổn định các giao lưu dân sư. Theo quy định mới, khi các bên giao dịch đã đáp ứng những điều kiện nhất định do luật dự liệu (một bên hoặc các bên đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ trong giao dịch) thì giao dịch dù có vi phạm về hình thức vẫn được Tòa án công nhận hiệu lực pháp lý, làm cơ sở để phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên. Quy định này là một sự thay đổi linh hoạt về tiêu chí đánh giá hiệu lực pháp lý giao dịch dân sự so với BLDS năm 2005. BLDS năm 2015 đã giải thoát điều kiện tuân thủ về hình thức trong mọi trường hợp của BLDS năm 2005 để bảo vệ đến cùng quyền và lợi ích hợp pháp người tham gia giao dịch có ý chí tự nguyện thực hiện toàn bộ nghĩa vụ trong giao dịch.

Thứ bảy: Trách nhiệm dân sự do không thực hiện đúng nghĩa vụ dân sự. Trường hợp cá nhân, pháp nhân không thực hiện đúng nghĩa vụ thì bị suy đoán là có lỗi và phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp chủ thể này có căn cứ được miễn trừ trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Bộ luật dân sự. Việc BLDS năm 2015quy định về trách nhiệm dân sự do không thực hiện đúng nghĩa vụ như vậy là nhằm bảo đảm sự an toàn, thông thoáng, lẽ công bằng trong các quan hệ dân sự cũng như trong giải quyết vụ việc dân sự.

Ngoài các điểm mới chung quy định trong BLDS 2015 được tác giả tổng hợp trên, BLDS 2015 có điểm nổi bật là đã quy định phân pháp nhân ra làm hai loại dựa theo tiêu chí lợi nhuận: Pháp nhân thương mại và pháp nhân phi thương mại; và pháp nhân cũng có quyền thành lập pháp nhân.

Một chương riêng, từ điều 74 đến điều 96 BLDS 2015 quy định về pháp nhân. Dưới đây là bảng so sánh chi tiết về pháp nhân giữa BLDS 2005 và 2015 như sau:

 

a)    Tiêu chí Bộ luật dân sự 2005 Bộ luật dân sự 2015
b)   Thành lập pháp nhân Pháp nhân được thành lập theo sáng kiến của cá nhân, tổ chức hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Mọi cá nhân, pháp nhân đều có quyền thành lập pháp nhân, trừ trường hợp luật có quy định khác.
c)    Chia pháp nhân theo tiêu chí lợi nhuận Không chia Chia làm 02 loại:

–  Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên.

–  Pháp nhân phi thương mại là pháp nhân không có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận; nếu có lợi nhuận thì cũng không được phân chia cho các thành viên.

d)   Quốc tịch của Pháp nhân Không có quy định Pháp nhân được thành lập theo pháp luật Việt Nam là pháp nhân Việt Nam.
đ) Các loại pháp nhân Chia pháp luật thành 6 loại

1. Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân.

2. Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội.

3. Tổ chức kinh tế.

4. Tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp.

5. Quỹ xã hội, quỹ từ thiện.

6. Tổ chức khác có đủ các điều kiện quy định tại Điều 84 của Bộ luật này.

Không có các quy định về chia pháp nhân như BLDS 2005

Phạm Kim Oanh – Phòng Kế hoạch


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *