Với tốc độ phát triển như vũ bão của công nghệ và sự du nhập của các loại hình cá cược từ nước ngoài, không khó để có thể tìm kiếm các trang đặt cược, đánh bài, cá độ trực tuyến hoạt động vô cùng rầm rộ, khiến người sử dụng internet dễ dàng mắc vào các bẫy đánh bạc trực tuyến. Nếu không có sự hiểu biết về lĩnh vực này, người chơi chắc chắn sẽ vô tình trở thành người vi phạm pháp luật và tiếp tay cho việc tội phạm đánh bạc sử dụng công nghệ cao. Ở bài viết này, chúng tôi tập trung làm rõ các khái niệm về Tội Đánh bạc sử dụng công nghệ cao và các đặc điểm của loại tội phạm này tiếp cận từ góc độ luật hình sự.
Nhà tâm lý học tội phạm người Mỹ Stannon E. Samenow, trong cuốn “Tâm lý học tội phạm” của mình đã viết “Bản chất con người là bất biến, do đó, tư duy tội phạm cũng là bất biến. Tuy nhiên, một xã hội liên tục thay đổi đã tạo ra những con đường mới để tư duy tội phạm thể hiện vai trò của mình”. Công nghệ 4.0 phát triển không chỉ giúp cho chúng ta tiếp cận với tri thức nhanh chóng và toàn diện hơn, nhưng mặt trái của nó cũng đã tạo ra một môi trường mới để tội phạm công nghệ cao lộng hành, trong đó phải kể đến loại tội phạm “Đánh bạc sử dụng công nghệ cao”.
Vậy, trước tiên chúng ta cần hiểu “Đánh bạc” là gì?
Tội Đánh bạc được quy định tại Điều 321, Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Theo đó, đánh bạc là các hành vi chơi được thua bằng tiền hoặc hiện vật dưới bất kỳ hình thức nào thông qua việc đánh bạc trái phép. Có thể thấy, các hành vi khách quan của tội đánh bạc này được thể hiện qua các trò chơi như đánh bài, xóc đĩa, bầu cua, tổ tôm, tam cúc, ghi lô đề, cá cược, chọi gà… có được thua bằng tiền và bị tổ chức trái phép.
Một số hoạt động được tổ chức hợp pháp và có giải thưởng ví dụ như giải đấu poker chuyên nghiệp, giải chọi trâu, đua chó… được Bộ văn hóa thể thao và du lịch cấp phép thì không bị coi là hành vi đánh bạc. Tuy nhiên, trường hợp lợi dụng các giải đấu này để thực hiện không đúng phạm vi được cấp phép, có hành vi được thua bằng tiền hoặc hiện vật ngoài phạm vi giải đấu thì sẽ bị coi là hành vi đánh bạc.
Việc “sử dụng công nghệ cao” được quy định như thế nào?
Hiện nay, BLHS chưa quy định cụ thể về tội phạm công nghệ cao. Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định số 25/2014/NĐ-CP quy định về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao thì: “Tội phạm có sử dụng công nghệ cao là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự có sử dụng công nghệ cao.” Như vậy, có thể hiểu tội phạm công nghệ cao là các hành vi tội phạm có sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin làm công cụ hỗ trợ chính để thúc đẩy quá trình phạm tội, hoặc tác động trái phép đến hệ thống dữ liệu thông tin, tín hiệu, dữ liệu được lưu trữ, truyền tải qua hệ thống mạng máy tính để thực hiện hành vi phạm tội.
Có thể kết luận rằng, tội “Đánh bạc sử dụng công nghệ cao” là hành vi đánh bạc sử dụng mạng internet, máy tính, mạng viễn thông và các phương tiện điện tử khác để đánh bạc trực tuyến (như hình thành các website cá cược, chơi bài…) được thua bằng tiền.
Một số vụ án đánh bạc sử dụng công nghệ cao điển hình:
- Vụ đánh bạc Rikvip do Phan Sào Nam điều hành:
Đây là vụ án đánh bạc qua thông qua các hợp đồng chấp nhận thanh toán cho game Rikvip và Tip Club. Tổng số tiền của vụ án này là 10 – 15 ngàn tỷ đồng.
Phan Sào Nam từng là doanh nhân trẻ tài năng, tốt nghiệp cử nhân ngành quản trị kinh doanh Trường ĐH Kinh tế TPHCM và thạc sĩ kinh doanh công nghệ Trường ĐH Thông tin liên lạc Hàn Quốc. Sau khi trở về Việt Nam, Phan Sào Nam từng giữ chức vụ Phó Giám đốc VTC Intecom, Chủ tịch HĐQT VTC Online, Chủ tịch hội đồng quản trị công ty TNHH MTV truyền thông đa phương tiện VTC HCM.
Năm 2015, Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam tung ra cổng game Rikvip/Tip Club thu hút 43.000 người tham gia đánh bạc. Cổng game này được sự bảo trợ của ông Nguyễn Thanh Hóa, cựu Thiếu tướng, cựu Cục trưởng Cục cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao C50 Bộ Công An theo Biên bản ghi nhớ về Hợp tác kinh doanh giữa Công ty CNC và C50 Bộ Công An.
Năm 2016, ông Phan Văn Vĩnh – cựu Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát đã ký công văn gửi Bộ Thông tin truyền thông đề nghị cấp phép cho CNC hoạt động Cổng game Rikvip/Tip Club nêu trên, hợp thức hóa việc đánh bạc online thông qua cổng game này. Chính vì vụ việc này, Nguyễn Thanh Hóa và Phan Văn Vĩnh đã bị khởi tố, bắt tạm giam về tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, mỗi bị cáo chịu hình phạt 9 đến 10 năm tù giam.
Phan Sào Nam đã bị kết án 5 năm tù về tội danh “Tổ chức đánh bạc” theo quy định điểm b khoản Điều 249; tội phạm “Rửa tiền” quy định tại điểm a khoản 3 Điều 251 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).
2. Ông trùm đường dây đánh bạc Trương Ngọc Tú và đường dây đánh bạc khủng 64.000 tỷ
Tài liệu thu thập được cho thấy, khoảng cuối năm 2019, Tú đã cùng với các đối tượng Khuất Vinh Quang (SN 1993, trú tại huyện Phúc Thọ, Hà Nội), Nguyễn Ngọc Trung (SN 1980, trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), Nguyễn Trọng Tuấn (SN 1977, trú tại quận Ba Đình, Hà Nội), Trần Hữu Hùng (SN 1987, trú tại huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) và Nguyễn Văn Toàn (SN 1995, trú tại huyện Phúc Thọ, Hà Nội) đứng ra bàn bạc, góp vốn mua tài khoản làm đại lý của trò chơi “Nổ hũ”.
“Nổ hũ” là trò chơi điện tử mô phỏng các trò cờ bạc truyền thống như tá lả, tôm cua cá, xóc đĩa… có máy chủ đặt ở nước ngoài. Người chơi nạp tiền thông qua hệ thống các đại lý để lấy điểm trong trò chơi và tham gia cá cược. Sau khi thắng – thua sẽ lại quy đổi điểm ra tiền thật để thanh toán với nhau.
Để vận hành đường dây đánh bạc quy mô “siêu khủng” này, Tú cùng các “chân rết” chú trọng việc quảng cáo, tiếp thị, tổ chức hoạt động của đại lý, nhằm cùng nhau ăn chia lợi nhuận trên cơ sở hưởng chênh lệch số tiền mà mỗi lần người chơi nạp vào và rút ra.
Vốn rất tinh vi và chuyên nghiệp, ổ nhóm này đã thống nhất với nhau lập nhóm chat trên zalo có tên công ty Đại Phát để trao đổi, thông tin liên lạc trong quá trình tổ chức đánh bạc. Việc “trá hình” này nhằm tránh bị cơ quan chức năng phát hiện.
Nhóm của Tú đã vận hành và phát triển 4 đại lý gồm: “VipHN Max đỏ”; “Mrs Vy Bayby”; “Hệ thống F88” và đại lý “Trà My 99”. Khi phá chuyên án này, theo thống kê mà cơ quan công an khai thác từ các tài khoản của 4 đại lý trên chỉ tính từ ngày 19/5 đến 22/5/2020 (4 ngày), tổng số tiền giao dịch của người chơi đã lên tới 120 tỷ đồng. Trong đó, số tiền mà các đối tượng trên hưởng lợi là nhiều tỷ đồng.