Con đường vinh quang

Cuối năm 1980, sau khi tốt nghiệp Phổ thông trung học, tôi tình nguyện nhập ngũ. Khi đó, phụ nữ nếu muốn vào lính phải có đơn tình nguyện. Thời kỳ này, đất nước vẫn trong tình trạng “chiến tranh”. Quân và dân các tỉnh biên giới phía Bắc chưa thể buông lơi tay súng. Vì thế mà, việc quyết định vào bộ đội của tôi là một nỗi lo cho cả gia đình. Bởi chắc chắn, sau mấy tháng huấn luyện, lính mới sẽ hành quân về nơi “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới”. Nhưng, dù sao, cả gia đình vẫn ủng hộ quyết định của tôi. Đặc biệt Bầm tôi – Bà đặt niềm tin tuyệt đối vào đứa con gái thứ ba nếu như nó được vào bộ đội. Cụ bảo, nó thông minh, học giỏi, ở đâu nó cũng sẽ làm việc tốt, tao không lo!

Vậy là, ngày 07 tháng 01 năm 1981, trước Tết nguyên đán chừng một tháng, Nhân dân cả xã Tứ Trưng đổ ra đường tiễn chân năm cô gái mảnh mai, đen đúa, góc cạnh lên đường nhập ngũ. Hành trang của tôi không có gì ngoài nhiệt huyết và tuổi trẻ. Gia đình, bạn bè, làng xóm khóc như ri. Bốn đứa cùng nhập ngũ với tôi cũng đỏ hoe con mắt. Riêng tôi, không một giọt nước mắt nào được rơi. Tôi đã dặn lòng mình như thế. Tôi không muốn Bầm tôi nhìn thấy tôi yếu đuối, để bà giữ được vẹn nguyên tâm thế vinh quang và tự hào của một người Mẹ tiễn con lên đường vì Tổ Quốc. Tôi lặng lẽ từ biệt Bố, Bầm, người thân, từ biệt bờ tre, mái rạ. Xe đi qua cánh đồng vốn là vựa lúa của vùng quê Vĩnh Tường, kỷ niệm về những buổi cấy, gặt, cắt cỏ, bắt cua, mò ốc cứ lần lượt hiện lên, nơi tuổi thơ tôi đã in dấu cuộc đời.

Trong năm đứa con gái cùng vào lính một ngày, tôi nhỏ nhất, chỉ 43kg. Chiếc xe tải to đùng cõng chúng tôi chạy băng băng về nơi tôi chưa hề nghe, chưa hề thấy, chưa hề có khái niệm – Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Sư đoàn 411, Quân khu 2.

Hai tháng huấn luyện là thời kỳ khó khăn, gian khổ nhất đối với tôi. Một cô gái 18 tuổi, vừa rời ghế nhà trường, chỉ toàn suy tư mơ mộng, chưa biết gì về xã hội, chưa một lần được trèo lên chiếc ô tô, còn tàu hỏa hay xe lửa thì mới chỉ biết qua sách giáo khoa, hình hài thực tế của nó như thế nào thì chưa hề! Vậy mà chúng tôi phải đối mặt với huấn luyện quân sự, bắn súng, ôm súng, lăn lê, bò, toài, bao đạn quanh eo và khẩu AK trong tay, cả đêm lẫn ngày. Nửa đêm nghe còi báo động, chạy nhanh nhất có thể để tập trung nơi đồi gió hú vùng trung du là chuyện như cơm bữa. Để bảo đảm đúng thời gian và đeo đủ vũ khí đạn, trang bị, quân trang đúng điều lệnh quân đội, chúng tôi bảo nhau đeo cả giày, mặc quân phục với bao xe (bao đạn) quấn quang bụng, khoác súng sẵn trên người, thế là ngủ. Tất cả những khó khăn, gian khổ đó, tôi chịu được, thử thách lớn nhất đối với tôi là vượt qua sự hành hạ của cái đói. Trời ơi, toàn những đứa đang tuổi ăn, tuổi lớn mà mỗi bữa chỉ được chia một cái bánh bao không nhân, to bằng nửa nắm đấm, cứng đơ như cục gạch (vì không có bột nở hoặc do kỹ thuật làm bánh khi đó chỉ có vậy), ném cho chó, chó không nhai nổi; thêm nửa bát cơm với rau muống rai ngoách chấm nước muối. Mắt đứa nào cũng sáng rực lên nếu phát hiện trong đám rau đỏ quạch lẩn khuất một vài miếng thịt mỡ mỏng tang như lá lúa hoặc miếng đậu kho vàng khè, bé tẹo. Cứ như vậy, chúng tôi vật lộn với nắng gió vùng trung du Vĩnh Phúc, lăn, lê, bò, toài với cái bụng lép quẹp, tong teo ngay cả ở thời khắc vừa xong bữa chính.

Thế rồi, thời gian huấn luyện cũng qua. Khổ, vất vả, nhớ nhà, nhớ bè bạn, nhớ trường lớp đến quay quắt. Nhưng bù lại, chúng tôi rắn rỏi, bản lĩnh lên khá nhiều, đưa nào cũng đã ra dáng cô bộ đội. Nhiều đứa béo ra. Còn tôi, thân hình mảnh mai thì chưa cải thiện được.

Lệnh chuyển đơn vị. Mù tịt, không biết đi đâu. Chỉ biết rằng, quân trang, quân phục, vũ khí, đạn dược sẵn sàng và gọn gàng, chỉnh tề hàng ngũ, và …quốc bộ. Cả tiểu đoàn lặng lẽ, gót nối gót. Khẩu lệnh người trước thì thầm truyền cho người sau. Cứ thế, chúng tôi đi từ sáng, đến nửa buổi chiều thì dừng chân tại một sân ga xe lửa. Lạ lẫm, bâng khuâng, ngơ ngác và pha chút sợ sệt. Bất chợt vang lên câu hát từ thủa chập chững Mẹ đưa đi mẫu giáo – “Một đoàn tàu nhỏ tý xíu ấy là chúng em”, vậy mà bây giờ mới được kiểm chứng. Đen xì, dài tít tắp và nhả khói mù mịt. Bỗng chốc, nó rùng mình, hú lên một hồi còi và vút đi. Chúng tôi lần lượt bỏ lại phía sau tất cả, mắt hướng về phía hư không, vô định.

Bố mẹ, gia đình, không một ai được biết chúng tôi đi đâu. Tàu chợ thời chiến, chúng tôi được ngồi trong những khoang riêng giành cho quân sự. Tàu chạy trong đêm, lao vào không trung hun hút. Có căng mắt cỡ nào cũng chẳng thể phát hiện được địa hình hai bên thân tàu như thế nào. Nhưng theo cảm nhận của những cô học trò vừa vượt vũ môn địa lý, chúng tôi đang lao về phía núi rừng phương Bắc….

Hơn hai năm làm người chiến sỹ nơi đất rừng Yên Bái, đó là khoảng thời gian vô cùng ý nghĩa và đầy kỷ niệm đối với tôi. Chữ tôi khá đẹp. Vì thế, tôi được chú Chuẩn úy Nguyễn Minh Chiến, phụ trách ban Quân lực Cục hậu cần QK2 “nhóp” về. Công việc hàng ngày của một nhân viên Thông kê quân lực là xây dựng Báo cáo quân số, Báo cáo trang bị, viết quyết định tuyển dụng, xuất ngũ, chuyển ngành, chuyển chuyên nghiệp, nâng lương, thăng quân hàm, thôi việc … Nói chung là tất tần tật những việc không tên, còn kiêm cả thủ kho súng ngắn, kiêm phụ bếp của Ban chế biến món cải thiện cho bốn chú cháu.

Nhiệm vụ nhiều, nhưng tôi không quên dành thời gian cho ôn luyện Toán, Hóa, Sinh vào các buổi tối trong tuần, sau giờ sinh hoạt cơ quan. Vì rất thích thú học môn Sinh vật và Hóa học nên tôi đã quyết định ôn thi Đại học khối B. Thấy tôi chăm chỉ học hành, các anh, các chú trong cơ quan đều ủng hộ và động viên. Chú Vương Minh Thanh, Đại tá, Trưởng phòng Vận tải Cục hậu cần QK2 coi tôi như con gái. Vào giờ đêm khuya, đúng lúc dạ dày lên tiếng thì một khúc sắn bở tung, nóng hổi từ phía cửa sổ từ từ tiến vào. Bất chợt ngửng lên, tôi bắt gặp nụ cười hiền hậu của Chú Thanh. Sung sướng vô cùng, tôi toét miệng cảm ơn chú. Chỉ vậy thôi, chú trở lại phòng mình để không ảnh hưởng tới thời gian ôn tập. Tôi thầm hứa với chú: Cháu sẽ đỗ đại học để không phụ lòng Bố, Mẹ, gia đình và Chú.

Tháng 3 năm 1983, tôi được về Trường Văn hóa Quân khu 2 ôn thi. Mơ ước về một giảng đường đại học của tôi đã có cơ hội để thực hiện.

Bốn tháng ôn tập giữa mùa hè nóng bức. Mồ hôi của cả thầy và trò chảy dài nơi lưng áo các buổi chiều oi ả Tuyên Quang. Sự cố gắng của cả Thầy và trò cuối cùng cũng đã được đền đáp. Tháng 8 năm ấy, tôi đã có trong tay Giấy báo nhập trường Đại học Pháp lý Hà Nội. Niềm vui vô bờ bến. Do yêu cầu của Quân đội, cũng là thể theo nguyện vọng của Bố Mẹ tôi, tôi đã một lần nữa đặt bút viết đơn tình nguyện ở lại phục vụ Quân đội lâu dài sau khi tốt nghiệp Đại học.

Cầm tấm vé “vào đời”, tôi vô cùng háo hức và xúc động. Người đầu tiên tôi nghĩ đến chính là Bố Bầm tôi – Người đã hun đúc cho tôi quyết tâm thi Đại học, Người là động lực lớn lao để tôi học ngày học đêm,  để hôm nay có trong tay tấm giấy thông hành quý giá. Hồi học cấp ba, khi đó, mỗi lớp 10 (10/10) của chúng tôi, cao lắm chỉ 2-3 đứa đủ điểm đỗ Đại học. Số còn lại, hầu như tiếp tục cày cấy tại quê nhà, số ít đi Cao đẳng, Trung cấp hoặc công nhân. Vì vậy, việc tôi đỗ Đại học sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự là một sự kiện vô cùng to tát ở quê nhà. Vì thế, nó nhanh chóng bay khắp làng quê. Nét rạng rỡ, tự hào, pha niềm kiêu hãnh hiện rõ trên khuôn mặt của Bố Bầm tôi. Làng trên, xóm dưới tấp nập đến chúc mừng, chia vui với gia đình tôi.

Bốn năm đại học thấm thoắt trôi đi. Tốt nghiệp Đại học với điểm luận văn loại giỏi, tôi được Trường Đại học pháp lý Hà Nội giữ lại làm Giảng viên. Tuy nhiên, Quân đội là cái gì đó đã quá đỗi thân thương và gắn bó với tôi. Thêm vào đó, tiếng gọi của tình yêu khiến tôi quyết định từ chối cơ hội làm nghề cao quý (nghề mà tôi ấp ủ ước mơ khi còn ngồi trên ghế nhà trường). Người yêu tôi vốn là Thầy giáo từ biệt mái trường phổ thông lên đường đi bộ đội. Hết nghĩa vụ, anh quyết định thi Đại học Pháp lý để chuyển nghề. Vào Đại học, tôi và anh học chung một lớp. Anh lớp trưởng, còn tôi, lớp phó phụ trách học tập. Cả anh và tôi được giữ lại tiếp tục nghề Giáo, nhưng tiếng gọi Quê Hương đã thôi thúc hai đứa quyết định từ chối giảng viên Đại học Pháp lý để quay về nơi chôn nhau, cắt rốn Vĩnh Phú (sau này tách thành hai tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc). Mặc dù vậy vẫn còn một tý trục trặc. Về Bộ Quốc phòng nhận công tác, tôi được phân về Binh đoàn 12. Vì vậy, để xin về Quân khu 2, tôi lại phải chờ đổi quyết định mất một ngày.

Ngày 28 tháng 2 năm 1988, Tòa án quân sự Khu vực 2 Quân khu 2 (đóng quân tại thành phố công nghiệp Việt Trì, Phú Thọ) là nơi tôi dừng chân đầu tiên sau khi đã có một số vốn kiến thức Luật kha khá. Bắt đầu từ đây, những tri thức về lý luận và khoa học pháp lý được tôi háo hức áp dụng, từng bước đưa vào thực tế công tác.

Sinh viên mới ra trường, tôi được Chánh, Phó án tin tưởng giao cho phụ trách khá nhiều công việc. Từ quét nhà, đánh ấm chén, đun nước, pha trà, văn thư, đánh máy, thụ lý vụ án, thư ký phiên tòa, nghiên cứu án và báo cáo, dự thảo bản án… Khi đó, tôi là người phụ nữ đầu tiên dấn thân vào nghiệp Tòa án binh. Đây là một hiện tượng lạ. Hầu hết mọi người nghi ngại về việc phụ nữ ngồi phiên tòa xét xử trong Quân đội. Và để phá được tảng băng tư duy phụ nữ không hợp với nghề Tòa án quân sự là một điều không hề đơn giản. Lãnh đạo ngành TAQS Quân khu 2 có ý mở lối cho tôi chuyển ngành, hoặc nếu ở lại trong ngành thì chỉ làm chân văn thư. Nhận được thông tin ấy, tôi thực sự buồn. Nếu không vì gắn bó với quân đội, có lẽ tôi đã trở thành giảng viên trường Đại học pháp lý Hà Nội; hoặc nếu không gắn bó với quê hương, chắc tôi đã nhận quyết định về Binh đoàn 12 đóng tại Hà Nội. Nay mới qua hơn một năm công tác, nhiệt huyết của tuổi trẻ còn đang căng tràn, những dự định và ước mơ của cô sinh viên ngày nào vẫn cháy bỏng, thôi thúc! Vậy mà…Chẳng lẽ tôi đã sai lầm khi quyết định trở lại Quân khu 2, nơi đã lưu giữ bao kỷ niệm của những năm đầu đời tuổi thanh xuân?

Bao đêm vợ chồng bàn bạc, tôi quyết định không từ bỏ ước mơ. Tôi bộc bạch với Chánh án TAQS khu vực 2, Thủ trưởng trực tiếp của mình – anh Phạm Thái (lúc này anh mới chuyển từ Lai Châu về nhận chức vụ Chánh án), rằng tôi không có ý định chuyển ngành, cũng sẽ không chỉ làm văn thư mà vẫn muốn theo đuổi nghề xét xử trong Quân đội. Hiểu rõ tâm tư và nguyện vọng của tôi, anh Phạm Thái đã tỏ rõ quyết tâm giữ tôi ở lại Quân đội để theo đuổi sự nghiệp Tòa án quân sự. Anh nói: “Ai bảo phụ nữ không làm được thẩm phán? Cô không những làm được mà còn làm tốt. Cô yên tâm, tôi bảo vệ cô đến cùng!”

Được lãnh đạo trực tiếp ủng hộ, tôi yên tâm phấn đấu, hoàn thành nhiệm vụ, chức trách được giao, chấp hành nghiêm kỷ luật quân đội, kỷ luật công tác. Ngoài việc chỉn chu trong công việc, tôi không nề hà bất cứ việc gì của cơ quan, đồng thời tham gia nhiệt tình và có trách nhiệm vào các hoạt động quần chúng. Tôi được bàu giữ chức Bí thư đoàn Bộ chỉ huy quân sự Vĩnh Phú, Phó chủ tịch Hội phụ nữa Bộ chỉ huy quân sự Vĩnh phúc, không năm nào không được tặng Giấy khen, Bằng khen.

Mười hai năm sau khi ra trường, lần lượt tôi được thăng quân hàm, từ thiếu úy, trung úy, thượng úy, đại úy đến thiết tá. Tuy nhiên, bổ nhiệm thẩm phán vẫn là một ước mơ xa vời đối với tôi. Nghề xét xử trong quân đội có đặc thù riêng của nó. Không giống như công việc ở các Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự chỉ tổ chức xét xử các vụ án hình sự. Các Tòa án quân sự thuộc Quân khu 2 lại thường xuyên xét xử lưu động tại các đơn vị trên địa bàn chín tỉnh biên giới phía bắc.Vì vậy, ngoài trình độ chuyên môn, Thẩm phán chủ tọa các phiên tòa xét xử án hình sự trong Quân đội phải có bản lĩnh vững vàng, có khả năng làm chủ và xử lý các tình huống tại phiên tòa một cách linh hoạt, đúng quy định của pháp luật và bảo đảm một sự hài hòa, nghiêm minh trước hàng trăm cán bộ, chiến sỹ tham dự khán. Hiệu ứng từ mỗi hành vi của Chủ tọa phiên tòa có sức ảnh hưởng to lớn tới dư luận và niềm tin của cán bộ, chiến sỹ vào nền tư pháp quân sự nói riêng, công lý nói chung.

Vẫn biết rằng, các nhà lãnh đạo của ngành còn băn khoăn lắm trong sử dụng cán bộ nữ, nhưng không vì thế mà quyết tâm của tôi giảm bớt đi phân nào. Ngược lại, tôi càng cố gắng nhiều hơn, tích cực tham gia các hoạt động chuyên môn nhiều hơn để từng bước khẳng định trình độ giải quyết án cũng như năng lực tổ chức thực tiễn.  Những vụ án phức tạp, có nhiều quan điểm khác nhau, tôi mượn hồ sơ nghiên cứu và thể hiện chính kiến của mình tại các phiên họp trao đổi án cũng như các buổi hội thảo khoa học. Ngoài ra, nội dung các vụ án cụ thể là những gợi ý sinh động giúp tôi viết bài đăng trên các báo như: Báo Quân khu, Báo Pháp luật. Đặc biệt, những năm 90 của thế kỷ  trước, mặc dù chỉ là một viên thư ký tòa án cấp huyện nhưng tôi đã có rất nhiều bài viết trao đổi về khoa học pháp lý được đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành như: Tạp chí Kiểm sát, Tạp chí Tòa án nhân dân, Tạp chí Nghề luật. Rất nhiều độc giả là đồng nghiệp trong ngành Tòa án, Kiểm sát biết đến tôi qua các bài viết về nghiệp vụ xét xử. Đó là niềm tự hào mà không dễ gì có được đối với một cán bộ Tòa án “quèn” ở địa phương như tôi.

Năm 1997, Chánh án TAQS quân khu 2 lúc bấy giờ là Đại tá Hà Văn Hiệp. Có lẽ, nhận thấy tôi có chút năng lực, anh có ý cử tôi đi thi cao học luật. Anh nói: “Anh muốn em trở thành con chim đầu đàn của ngành TAQS quân khu 2, nên em cần phải đi học để phát triển”. Khi đó, tôi còn khá trẻ, cuộc sống gia đình còn muôn vàn khó khăn. Kinh tế hai bên nội, ngoại chỉ đủ ăn nên việc hỗ trợ cho gia đình nhỏ của tôi chẳng đáng kể là bao. Giá như không có chính biến ở Đông Âu, doanh nghiệp tư nhân của Bầm tôi không bị phá sản năm 1991 thì có lẽ vợ chồng tôi đã có chỗ dựa vững chắc. Trong hoàn cảnh con gái lớn Nguyễn Thị Tuyết Mai của tôi còn quá nhỏ (8 tuổi), chưa đủ lớn để thay bố mẹ chăm em gái Nguyễn Mai Hương 04 tuổi, còn anh nhà tôi cũng bận công việc cơ quan tối ngày. Vì vậy, tôi chưa thể yên tâm đi học cao học tận Hà Nội nên đành xin Chánh án lùi lại để các cháu khôn lớn hơn, tôi sẽ đi.

Sau 8 năm làm thư ký Tòa án cấp khu vực kiêm trợ lý tài chính , Đảng ủy Tòa án quân sự Quân khu 2 làm thủ tục điều chuyển tôi về Tòa án quân sự quân khu với chức danh Thư ký tổng hợp kiêm trợ lý tài chính. Với vị trí này, tôi có điều kiện tiếp cận với tất cả các vụ án mà Viện Kiểm sát cấp quân khu chuyển đến Tòa án để truy tố, được tham dự tất cả các cuộc họp của Ủy ban thẩm phán Tòa án quân sự Quân khu bàn thảo về các vụ án phức tạp. Sẵn trong mình ý thức thích khám phá, tìm tòi, ham học hỏi và đam mê nghiên cứu, tôi càng có cơ hội được bộc lộ quan điểm cá nhân về việc giải quyết vụ án. Dù chỉ là thư ký phiên họp nhưng ý kiến phát biểu của tôi luôn được các thành viên Ủy ban Thẩm phán quan tâm lắng nghe. Điều đó như một liều thuốc kích thích, động viên tôi say mê dấn thân vào thực tiễn. Thích tranh luận, luôn tìm cách phản biện các quan điểm khác, không bảo thủ và tiếp thu có lựa chọn, đó là phong cách làm việc của tôi. Tôi như thấy mình lớn hơn, trưởng thành hơn rất nhiều qua từng vụ án.

Và sự cố gắng của tôi đã được đền đáp. Sau rất nhiều trăn trở, bàn luận, tư duy về việc “Phụ nữ không thể làm được Thẩm phán Tòa án quân sự” cũng dần dần nhạt phai trong sử dụng cán bộ của lãnh đạo ngành. Một ngày bình thường như bao ngày, kết thúc một phiên tòa, vừa rời ghế thư ký, tôi “bàng hoàng” nhận được tin “độc”! Chủ tịch nước Trần Đức Lương ký quyết định bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án quân sự Khu vực 2 Quân khu 2 cho Trung tá Nguyễn Thị Tuyết. Vậy là, sau hơn 14 năm kiên nhẫn phấn đấu, tôi chính thức được thỏa nguyện. Một điều “duyên kỳ ngộ” là: Ngày ký quyết định bổ nhiệm Thẩm phán của tôi là một ngày đặc biệt của phụ nữ: Ngày 08 tháng 3 năm 2002. Đúng là “song hỷ lâm môn”.

Thật khó mà tả xiết niềm vui của tôi ở cung bậc nào trong nấc thang cảm xúc. Sung sướng, tự hào, kiêu hãnh! Đó không chỉ đơn thuần là kết quả của 18 năm học tập, nỗ lực, phấn đấu, mà đó còn là thành quả của một sự đột phá trong tư duy công tác cán bộ của ngành “Tòa án binh”. Lần đầu tiên, ngành TAQS với 17 tòa án cấp khu vực và 9 Tòa án cấp quân khu đã có một nữ Thẩm phán.

Cuối tháng 3 năm ấy, tôi trở về Tòa án quân sự khu vực 2 Quân khu 2, nơi tôi đã học tập, công tác, nuôi dưỡng ước mơ, rèn luyện bản lĩnh nghề nghiệp trong những năm đầu khởi nghiệp trên cương vị Thẩm phán. Tôi tự hứa với lòng mình, không được phép chủ quan trong xét xử; không được phép lơ là, tự mãn trong công tác. Phía trước là thử thách. Được bổ nhiệm thẩm phán mới chỉ là mở đầu, giữ được chức danh đó trong suốt quãng đời công tác mới là điều quan trọng. Bởi đã có không ít thẩm phán gục ngã trước những viên đạn bọc đường, cũng không ít người phải từ biệt chức danh thẩm phán với nhiều lý do khác nhau. Đó là bài học lớn để tôi soi rọi trên con đường làm nghề phán quyết của mình.

Nhận vụ án đầu tiên. Đó là vụ án “Cố ý gây thương tích” do ba bị cáo thực hiện tội phạm. Dù là lần đầu tiên ngồi chủ tọa phiên tòa, nhưng tôi khá tự tin, chủ động điều hành phiên tòa, chủ động xử lý các tình huống mau lẹ, hợp lý, đúng pháp luật. Có được bản lĩnh phiên tòa như vậy, một phần do tôi nghiên cứu hồ sơ kỹ lưỡng, chuẩn bị kế hoạch xét xử chu đáo, dự liệu các tình huống có thể xẩy ra với phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”; một phần do từ lâu, tôi đã tự mình rèn luyện khả năng thuyết trình trước đông đảo đại biểu tại các phiên họp, hội nghị, hội thảo qua mỗi lần phát biểu. Phiên tòa diễn ra suôn sẻ, không có gì bất thường. Hai bị cáo được hưởng án treo, đứa “đầu vụ” phải vào trại, các đương sự được tạo điều kiện thương lượng thỏa thuận nên vấn đề trách nhiệm dân sự được giải quyết gọn. Bản án không có kháng cáo và không bị kháng nghị.

Đầu xuôi, đuôi lọt. Cứ như vậy, sau mỗi vụ án, tôi tự mình kiểm tra lại các hành vi và thủ tục tố tụng mà mình đã tiến hành, so chiếu với pháp luật, học tập cái hay của các thẩm phán đi trước, xin ý kiến đánh giá của đồng nghiệp và kiểm sát viên, từ đó rút kinh nghiệm để vụ sau làm tốt hơn vụ trước.

Thấm thoắt thoi đưa, sau hai năm trên cương vị thẩm phán cấp huyện, tôi đã xét xử nhiều vụ án, đơn giản có, phức tạp có, và hầu hết là xét xử lưu động. Các đơn vị tôi đến tổ chức xét xử như: Lữ 543, Sư đoàn 316, Trường sỹ quan Tăng thiết giáp, Trường hạ sỹ quan Tăng thiết giáp, Bộ chỉ huy quân sự các tỉnh biên giới phía bắc… Có thể nói, những Kiểm sát viên ngồi công tố và các hội thẩm quân nhân trong hội đồng xét xử tại các phiên tòa mà tôi chủ tọa đều có cảm tình bởi phong cách làm việc nhanh, gọn, linh hoạt, hiệu quả của tôi. Thật đáng mừng là, chưa có bản án nào của tôi bị hủy hoặc bị sửa lớn; việc áp dụng pháp luật cơ bản đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, đặc biệt là không có trường hợp nào xét xử oan.

Có lẽ, thấy tôi làm thẩm phán cấp khu vực (thẩm phán sơ cấp hiện nay) khá ổn nên, Chánh án Tòa án quân sự quân khu 2 lúc bấy giờ (Đại tá Lê Hồng Khanh) đã đề xuất với Đảng ủy làm thủ tục bổ nhiệm Thẩm phán cấp quân khu (tương tương với thẩm phán trung cấp hiện nay) cho tôi. Được sự nhất trí tuyệt đối của Đảng ủy, Hồ sơ của tôi nhanh chóng được Hội đồng tuyển chọn thẩm phán TAQS thông qua. Ngày 28 tháng 12 năm 2004, sau gần ba năm đảm nhiệm chức danh thẩm phán TAQS cấp khu vực, tôi chính thức được giao quyết định bổ nhiệm thẩm phán TAQS cấp quân khu do Chủ tịch nước Trần Đức Lương ký.

Tôi vô cùng sung sướng nhưng cũng không khỏi lo lắng về nhiệm vụ sắp tới. Chánh án Lê Hồng Khanh có ý định để tôi kiêm thêm mảng “tài chính”. Nhưng tôi đã thuyết phục được anh từ bỏ ý định đó, rằng “ Anh cho em được tập trung vào chuyên môn để làm cho tốt chức trách chính của mình, thẩm phán mà kiêm tài chính là sẽ không khách quan đâu anh! Bởi thẩm phán là người ký xác nhận các loại chi tiêu cho vụ án, phiên tòa mà”. Anh nghe có lý và từ bỏ ý định đó. Thế là tôi “thoát” mảng tài chính, chuyên tâm vào công việc xét xử.

Những năm tháng làm thẩm phán TAQS quân khu 2 là thời gian tôi được thử thách tay nghề với khá nhiều vụ án gai góc, phức tạp. Bởi tính chất của an cấp quân khu nghiêm trọng hơn nhiều so với án cấp khu vực. Có thể kể như: vụ án ma túy mà các bị cáo gồm một đại tá và ba thượng tá, chỉ huy một đồn biên phòng tại Hà Giang, phạm tôi mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy; vụ án Thiếu tá Đỗ Văn Hiếu phạm tội Tham ô tài sản; vụ án “Mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy” do Đại tá, Trưởng phòng quân báo Quân khu 2 thực hiện…

Trong thời gian làm Thẩm phán TAQS Quân khu, ngoài hoạt động xét xử, tuyên truyền pháp luật, tôi vẫn là Cộng tác viên thường xuyên của Tạp chí Tòa án và Tạp chí Kiểm sát. Được đồng chí, đồng đội tín nhiệm, tôi tham gia cấp ủy hai nhiệm kỳ, trong đó một nhiệm kỳ làm Phó Bí thư Chi bộ. Đồng thời, tôi còn được chị em tín nhiệm hai lần giao giữ chức Phó Chủ tịch Hội phụ nữ cơ sở Cơ quan Cục Chính trị QK2. Thời kỳ này, Tòa án quân sự Khu vực 1 Quân khu 2 gặp khó khăn về hoạt động chuyên môn. Chất lượng Thẩm phán là điều mà Chánh án Lê Hồng Khanh luôn đau đáu khi ngồi trên cương vị Chánh án TAQS Quân khu 2. Đây cũng là nỗi lo của anh ấy đối với Tòa án quân sự nơi Yên Bái. Đưa Thẩm phán cấp Quân khu xuống TAQS Khu vực 1 làm “cố vấn” là một ý tưởng lạ nhưng không tồi. Ý tưởng này được cấp ủy Đảng đưa ra bàn thảo và thống nhất. Tuy nhiên, cái khó là Thẩm phán nào sẽ xuất quân đầu tiên? Bởi tất cả Thẩm phán quân khu đều ổn định, gần nhà; khó có ai đó sẵn sàng nhổ neo “ra khơi” nơi vùng núi Tây Bắc. Suy đi, tính lại, tôi bàn với ông xã, quyết định “xung phong” đi đầu, sau đó sẽ lần lượt mỗi Thẩm phán 3-6 tháng. Vậy là, lần thứ ba tôi tình nguyện làm một việc tôi cho là đúng đắn. Tôi nói với Chánh án Khanh rằng: Để anh đưa ra quyết định là một việc khó, em xin “gỡ” khó cho anh. Vậy là, một lần nữa, tôi lại ba lô, túi rết lên đường “đi bộ đội” xa nhà. Một điều hết sức thú vị đối với tôi, đó là, ngay đêm đầu tiên đặt chân lên đất Yên Bái, Thẩm phán Trịnh Tiến Hùng của Tòa án quân sự khu vực đã đưa tôi một tập hồ sơ và “xin ý kiến chị. Em muốn chị đọc ngay vì ngày kia em sẽ mở phiên tòa xét xử”. Vốn là người say mê với chuyên môn, tôi đọc liền một mạch từ 19h tối đến 1 h sáng hôm sau thì xong hồ sơ vụ án. Đó là vụ án Tạ Huy Bưởi, bị Viện Kiểm sát quân sự khu vực 23 truy tố về tội “Tham ô tài sản”. Nhận thấy vụ án có vấn đề, tôi điện thoại ngay trong đêm về cho Chánh án Lê Hồng Khanh và đề xuất ý kiến triệu tập cuộc họp toàn thể Tòa án quân sự khu vực 1 QK2 để trao đổi và bàn bạc thêm về vụ án. Đúng 7h sáng hôm sau, cuộc họp bắt đầu. Sau khi nghe tôi trình bày ý kiến và phân tích, lập luận về việc Tạ Huy Bưởi có khả năng bị truy tố oan, các Thẩm phán TAQS khu vực 2 bắt đầu hoang mang, lo lắng, khi Quyết định đưa vụ án ra xét xử đã không thể thu hồi, ngày giờ phiên tòa đã định. Sau khi bàn đi tính lại, phương án điều tra, xét hỏi kỹ tại phiên tòa, nếu thực sự thấy việc truy tố có dấu hiệu oan thì Tòa án quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, sau đó trao đổi với Viện kiểm sát để đình chỉ vụ án. Quả thực, điều dự đoán của tôi là có căn cứ. Sau đó, vụ án đã được Viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ, và bị cáo thoát khỏi vòng tố tụng khắc nghiệt. Đến nay, sau nhiều năm rời Tòa án quân sự khu vực 2 về Hà Nội công tác, nhưng tôi vẫn không thể nào quên cái tên Tạ Huy Bưởi. Vụ án vẫn là một ví dụ thực tiễn sinh động trong các buổi lên lớp tại Học viện đào tạo Thẩm phán, để tôi truyền cảm hứng nghề nghiệp cho học viên. Và đó cũng là một kỷ niệm sâu sắc của tôi trong đời “cố vấn”, một việc làm đặc biệt trong thời khắc đặc biệt, giúp cho một công dân mà tôi chưa hề biết mặt tránh được một cái án oan sai.

***

Lại nói chuyện về Bố của các con tôi. Với tôi, người bạn đời có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với sự nghiệp công danh và hạnh phúc gia đình. Giờ đây, nhìn lại quãng đời 35 năm công tác, tôi ngàn lần cảm ơn cuộc đời đã trao cho tôi một bờ vai vững chắc, một người chồng lý tưởng. Nơi Quán Gánh (Thường Tín) thân thương, tình yêu của chúng tôi đã nảy mầm, đơm hoa, kết trái. Bao kỷ niệm nơi giảng đường. Yêu thương ngọt ngào nhiều nhưng vật vã, khổ đau cũng không ít. Anh có gương mặt rất đàn ông, đẹp trai nhất nhì khóa học. Ngược lại, tôi là người con gái kém sắc, già hơn so với tuổi và lại còn “nam tính”. Anh “say” tôi chắc chắn không phải về hình thức, mà có lẽ bởi sự thẳng thắn, chân thành và quyết đoán, cũng có thể vì tôi học rất “a ma tơ” nhưng kết quả thi luôn đứng nhất nhì khóa. Ba năm yêu nhau nhưng cũng chừng ấy năm nụ cười và nước mắt song hành. Trải qua bao sóng gió, cuối cùng chúng tôi cũng vượt qua thử thách và về bên nhau trong niềm vui viên mãn.

Ngày 31 tháng 12 năm 1988, anh đón tôi về làm dâu quê nội. Tết dương lịch năm 1989, hôn lễ chính thức được tổ chức tại căn nhà mái cọ đơn sơ nơi Bằng Giã, Hạ Hòa, Phú Thọ, với sự hiện diện đông đủ của hai bên nội ngoại, cơ quan, bạn bè. Ba xe ô tô lớn, nhỏ của Bộ chỉ huy quân sự Vĩnh Phú tập trung phục vụ. Bạn bè tôi chủ yếu là cựu sinh viên trường Luật và đồng đội mặc áo lính. Trong vai trò chủ hôn, Giản viên trường Đại học pháp lý Hà Nội Lưu Bình Nhưỡng, cựu sinh viên Luật cùng lớp với vợ chồng tôi (nay là Đại biểu Quốc hội chuyên trách khóa XIII) đã làm cho một đám cưới chốn quê nghèo miền núi Tây bắc trở nên hết sức độc đáo, có một không hai. Lời dẫn chương trình của chủ hôn hôm ấy vẫn được tác giả đọc lại nguyên văn mỗi khi bạn đồng môn tụ tập. Đó cũng chính là điều luôn nhắc nhở chúng tôi sống sao cho xứng đáng với tấm chân tình của bạn bè, gia đình, người thân.

*****

 

Thời gian chẳng đợi một ai, nhưng cũng đủ cho ta khôn lớn, trưởng thành. Kinh tế gia đình nhỏ của tôi dần ổn định trong hơi ấm nồng nàn của ngọn lửa yêu thương chưa bao giờ tắt. Ông trời đã ban cho chúng tôi hai thiên thần. Hai cách cách đã thu nạp tất cả những nét đẹp của cha và tố chất rắn rỏi của mẹ.

Khi sự nghiệp, cuộc sống và hạnh phúc gia đã đình tương đối ok, tôi bàn với ông xã, tiếp tục trinh phục cái sự học. Bởi với tôi, học suốt đời là một phương châm sống. Được người bạn đời ủng hộ, tôi xuống Hà Nội học Cao cấp lý luận chính trị. Sẵn đà đó, tôi ứng thi vào cao học luật.

Rời trường lớp đã lâu nên kiến thức lý luận rơi rụng nhiều. Ba tháng ôn luyện ngày đêm, với sự trợ giúp đắc lực của người bạn vô cùng thân thiết – “thầy” Mai Bộ. Anh đã dành các buổi tối (từ 19h30 đến 23h 30) bổ túc thêm ngoại ngữ cho tôi để tôi đủ sức thi “đầu vào”cao học. Có hôm, Ngọc – vợ anh bảo tôi đến dùng cơm cùng gia đình, rồi có đêm, học muộn quá, Ngọc lại bảo tôi ngủ lại. Tôi vô tư đồng ý. Trộm vía, cũng may mà vợ “thầy” hiểu tình bạn của chúng tôi nên không ghen. Chứ nếu không, tôi cũng chẳng thể có cơ hội đến nhà thầy mà ôn luyện ngoại ngữ. Cuối cùng, tôi đã trúng tuyển cao học Luật tại Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh với số điểm ngoại ngữ khá cao.

Có lẽ, học chính là sở trường của tôi. Vì vậy, dù khó khăn, vất vả, xa chồng, con, nơi ăn, chốn ở không ổn định, nhưng tôi vẫn vượt qua và trinh phục được nhiều tri thức mới. Cũng chính trong thời kỳ này, cả bốn thành viên gia đình tôi ôm nhau sung sướng, cả đêm không ngủ khi nhận được một thông tin tuyệt tác: Chị cả Nguyễn Thị Tuyết Mai đỗ Đại học luật Hà Nội.

Lúc này, bé Mai Hương bắt đầu vào “cấp ba”. Sau niềm vui là sự lo lắng, bâng khuâng vì gia đình sẽ phải chia hai. Bố Bình và gái út Mai Hương đóng đô Việt Trì và tự lo cho nhau, hai mẹ con tập trung vượt vũ môn ở nơi Thủ đô yêu dấu. Càng xa, càng nhớ, càng khao khát yêu thương. Cuối cùng thì, năm 2010, tôi có tấm bằng Thạc sỹ Luật trong tay với điểm bảo vệ Luận văn khá cao (9,8điểm); còn Tuyết Mai dành được học bổng hai năm liền.

Như vậy, câu chuyện chuyển vùng về Tòa quân sự trung ương công tác không còn là vấn đề ái ngại đối với tôi nữa. Bởi tôi vẫn tâm niệm, nếu chuyển về cơ quan đầu não, ít nhất mình phải được trang bị học vấn Thạc sỹ trở lên.

Lại nói về vấn đề “đi Hà Nội”. Trước đây, tôi đã từng có không dưới hai cơ hội chuyển công tác về Tòa án quân sự trung ương. Tuy nhiên, do con nhỏ và ngại thay đổi nên chúng tôi đều bỏ lỡ. Ý nghĩ cả nhà xum họp tại Hà Nội chỉ lóe lên khi anh Lê Hồng Khanh (Chánh án Tòa quân sự Quân khu 2) tâm sự về nhu cầu lấy cán bộ từ các quân khu về Tòa án quân sự Trung ương. Và anh góp ý: “Em nên về đó để có cơ hội phát triển tốt hơn”. Tôi đùa anh: “Anh muốn đẩy cán bộ cứng đầu, cứng cổ đi phải không?”. Anh cười mà rằng: “Đừng hiểu sai ý tốt của anh. Nếu em đồng ý thì về bàn với Bình đi rồi trả lời anh”.

Tự thấy mình cũng có thể đủ điều kiện, lại được “sếp” trực tiếp khuyến khích, tôi đem suy nghĩ ấy tâm sự với chồng. Sau rất nhiều đêm vợ chồng trăn trở, bàn bạc, hỏi ý kiến các con, cuối cùng, gia đình chúng tôi đi đến thống nhất tôi chuyển công tác về TAQSTW, con gái Mai Hương chuyển trường về “Cấp ba” Cầu Giấy (Hà Nội). Nhận được đề nghị của tôi, lãnh đạo Tòa án quân sự Trung ương đồng ý. Trong khi chờ quyết định điều động chính thức, tôi được lệnh (qua điện thoại) “tăng cường” ngay cho Phòng Nghiên cứu tổng hợp. Nghe mọi người nói, đây là phòng “công nghiệp nặng” của ngành Tòa án quân sự nên tôi xác định mình phải cố gắng rất nhiều.

Quân lệnh như sơn. Đúng ngày 02 tháng 4 năm 2009, tôi ba lô, khăn gói về nhận nhiệm vụ tăng cường tại Tòa án quân sự Trung ương. Sau 5 tháng, tôi nhận quyết định điều động chính thức với chức danh Trợ lý tổng kết xét xử Phòng Nghiên cứu tổng hợp, Tòa án quân sự trung ương. Ba mẹ con mượn tạm một phòng của căn nhà tập thể xây dựng từ thập niên 70 của thế kỷ trước. Cuộc sống mới bắt đầu với cơm niêu, nước lọ, nhà gác. Còn anh, tạm thời vẫn công tác ở Việt Trì, Phú Thọ, với sự trợ giúp, chăm sóc của vợ chồng chú, dì (vợ chồng em gái út của tôi).

Về Hà Nội, tôi nhanh chóng bắt kịp công việc chuyên môn tại cơ quan. Cũng may, Trưởng phòng là Tiến sỹ Luật Mai Bộ, cũng chính là người bạn thân thiết, đức độ và chân thành của tôi. Anh giúp đỡ tôi nhiều trong chuyên môn. Là một chuyên gia đầu ngành TAQS, anh đã và đang hoạt động trong lĩnh vực khoa học pháp lý khá rộng rãi. Anh dẫn dắt để tôi tham gia được sâu hơn vào thế giới của các nhà khoa học. Từ sông ra biển lớn, tôi được mở rộng tầm mắt, thu nạp được nhiều hơn tri thức pháp lý từ các bậc đàn anh. Đặc biệt, anh giúp tôi kiếm việc làm để thêm thắt thu thập. Anh nhận đề tài khoa học cho tôi viết, kéo tôi viết chung sách, giới thiệu tôi với Học viện tư pháp, Học viện Tòa án để tôi được tham gia giảng dạy, mở rộng cho tôi các mối quan hệ xã hội… Ngược lại, tôi phấn đấu và cố gắng nhiều hơn để không phụ lòng anh, cũng là để khẳng định năng lực của mình khi mà tên tuổi của tôi vẫn còn khá khiêm tốn trong làng tư pháp. Ngoài anh mai Bộ, bạn tôi là vợ chồng Hạnh Lin (học chung từ thời Quán Gánh) cũng ra sức kiếm việc làm cho tôi, từ gia sư, viết đề tài khoa học, viết giáo trình, giảng dạy Pháp luật đại cương cho Trường Cao Đẳng Du lịch Hà Nội… Vừa làm việc tại cơ quan, tôi vừa nghiên cứu, giảng dạy, viết sách, viết đề tài. Thu nhập của tôi cũng kha khá, dần hòa nhập với đời sống công chức Thủ đô.

Năm 2010, sau hai năm “cô đơn” nơi Phú Thọ, “TÌNH YÊU” của tôi quyết định nghỉ hưu trước tuổi. Tôi hiểu, đây là một quyết định vô cùng khó khăn của Anh. Bởi tương lai sự nghiệp đang sáng lạn và trong tầm tay. Tuy nhiên, tôi cũng hiểu, với anh, gia đình là trên hết, quyền lực không đủ sức níu kéo bước chân anh. Anh nhận quyết định nghỉ hưu với hơn 3 triệu tiền lương sau hơn 30 năm cống hiến cho Đảng, Nhà nước, về Hà Nội tiếp tục sự nghiệp “Thầy cãi” đã tạm gác lại năm 1995. Cả bốn thành viên trong gia đình chúng tôi lại sớm tối được bên nhau, nồng nàn, thiết tha, say đắm. Sau rất nhiều trăn trở, ngôi nhà thân thương đã gắn bó với chúng tôi hơn 20 năm tại Việt Trì cũng đành phải chia tay, cho nó về với chủ mới. Tiền bán nhà, chúng tôi chỉ dành để mua một căn chung cư với diện tích khiêm tốn, phần còn lại sắm một con GÉT cho anh có phương tiện đi lại đỡ vất vả, nắng nôi.

Khi đó, BĐS còn khá đắt. Không bao lâu sau khi đặt tiền mua chung cư thì BĐS đóng băng, giá BĐS bắt đầu xuống dốc; dự án chung cư chúng tôi đặt tiền vẫn dang dở và đắp chiếu. Đành phải chờ đợi. Với bốn thành viên mà mẹ là người nhỏ nhất, không thể tiếp tục ở trong căn phòng tập thể mượn của cơ quan, chúng tôi quyết định thuê nhà. Từ đây, lương Đại tá của Mẹ coi như “thụt” đi 5 triệu. Nhưng không sao, quan trọng là chúng tôi được sum vầy bên nhau sớm, tối, và vợ chồng tôi vẫn có việc làm và thu nhập đều đặn, dù không cao. Hơn nữa, chúng tôi tin tưởng rằng, tương lai nghề Luật sư của Bố sẽ ngày càng tươi sáng.

Tháng 4 năm 2012, hạnh phúc và bâng khuâng lẫn lộn, chúng tôi tổ chức lễ vu quy cho con gái Tuyết Mai. Tuy vợ chồng Tuyết Mai vẫn làm việc và sinh sống tại Hà Nội, nhưng sớm tối mỗi ngày, bốn thành viên gia đình tôi không được thường xuyên ăn, ngủ cùng nhau nữa. Đặc biệt là gái út Mai Hương, cứ thắc thỏm, bồn chồn hàng đêm vì nhớ chị. Vợ chồng tôi động viên nhau: Hoa đến thì, Hoa phải nở – quy luật của cuộc sống mà.

Lại nói về ngôi nhà mơ ước. Mặc dù bị đắp chiếu, nhưng ơn giời, dự án mà chúng tôi “đặt cược” cuối cùng cũng đã được khởi động lại và sau bốn năm thì hoàn thiện. Nhận nhà là niềm mong mỏi đằng đẵng trong suốt thời gian cả gia đình tôi ở nhà thuê. Trong đó, Mẹ tôi là người sốt ruột nhất. Cụ đã ở tuổi “gần đất xa giời” nên nỗi lo an cư cho con cái lại càng lớn hơn. Ngày 01/12/ 2014, gia đình tôi háo hức chuyển từ nơi ở thuê về ngôi nhà đích thực mang tên mình. Có thể nói, đến giờ này, cuộc cách mạng của gia đình tôi cơ bản thành công.

Mục đích căn cốt chuyển vùng của tôi, đó là hợp lý hóa gia đình, để các con tôi học đại học có bố mẹ kề bên, để các cháu ra trường có một tương lai rộng mở. Vì vậy, việc phấn đấu làm lãnh đạo, tôi không đặt ra. Mục tiêu lớn nhất mà tôi đặt ra là được làm nghề xét xử. Đó là nghề mà tôi trộm nghĩ thuộc sở trường của mình. Theo quy định của Pháp lệnh tổ chức Tòa án quân sự năm 1986, từ tháng 6 năm 2015 trở về trước, tiến hành xét xử các vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án quân sự trung ương phải là người được bổ nhiệm thẩm phán Tòa án quân sự trung ương đồng thời là Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Trong thời gian từ tháng 4 năm 2009 đến tháng 8 năm 2012, tuy không được trực tiếp xét xử nhưng tôi vẫn có cơ hội tiếp xúc, nghiên cứu hồ sơ vụ án và đề xuất quan điểm xử lý vụ án (Phòng nghiên cứu tổng hợp có chức năng nghiên cứu án phức tạp, có nhiều quan điểm áp dụng pháp luật khác nhau nên được các Tòa “xin ý kiến”). Khi được giao nghiên cứu các vụ án, tôi như được trở lại chính mình, con người thẩm phán của tôi lại trỗi dậy, làm việc, làm việc và làm việc; nhiều khi quên cả thời gian. Có vụ án tới hơn 5000 bút lục, theo yêu cầu của lãnh đạo phải nghiên cứu khẩn trương, tôi dành toàn bộ thời gian cả ngày và đêm ở cơ quan, đọc ngấu đọc nghiến. Sau 3 ngày đêm, tôi đã có thể nắm chắc nọi dung vụ án và đưa ra quan điểm giải quyết của mình. Hoặc có những vụ án, ban đầu, ý kiến đề xuất của tôi chỉ là thiểu số nhưng sau khi trao đi đổi lại, cuối cùng, mọi người lại đồng tình cao. Sau những lần như vậy, năng lực làm án của tôi ngày càng được mọi người tin tưởng, ghi nhận.

Chính vì vậy, sau hơn bốn năm làm việc trên cương vị trợ lý, tôi sung sướng được đón nhận liền lúc hai niềm vui. Đúng là “song hỷ lâm môn”. Ngày 19 tháng 8 năm 2012, tại Phủ chủ tịch, tôi được Chủ tịch nước Trương tấn Sang trực tiếp trao Quyết định bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án quân sự trung ương đồng thời là thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Chín ngày sau, tôi được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trao Quyết định thăng quân hàm Đại tá. Niềm vui tràn ngập. Trong niềm vui ấy, tôi làm việc không biết mệt mỏi. Song song với với công việc cơ quan, tôi say mê nghiên cứu khoa học, tham gia giảng dạy tại Học viện Tòa án, Học viện Tư pháp, Trường cao đẳng Du lịch Hà Nội, tham dự nhiều Hội thảo khoa học, tiếp tục là Cộng tác viên tích cực của Tạp chí TAND, Tạp chí Kiểm sát và Tạp chí Nghề luật. Học viên của tôi có mặt trên khắp mọi miền đất nước, độc giả của tôi không chỉ có trong ngành mà ngoài ngành cũng biết đến. Từ sông ra biển, thách thức nhiều nhưng cơ hội cũng không ít. So với khi còn là Thẩm phán Tòa án cấp quân khu, tôi thấy mình lớn lên nhiều, hiểu biết hơn, tri thức khoa học và năng lực chuyên môn tích lũy được nhiều hơn. Tôi vui về điều đó. Gia đình nhỏ của tôi vì thế mà hạnh phúc cứ ngày một “to” dần và đầy đặn hơn, ông xã tôi càng yêu thương, trân trọng và tự hào về vợ. Quả thật, nếu không có tình yêu tha thiết của người bạn đời, sự chăm ngoan, trưởng thành của hai con gái, tôi sẽ không có được thành công như ngày hôm nay.

Thành công nối tiếp thành công. Thế mới biết, cứ cặm cụi, chăm chỉ, cứ kiên trì phấn đấu, rồi tổ chức sẽ ghi nhận. Điều đó càng đúng với riêng tôi. Trong thời buổi kinh tế thị trường, người ta vẫn bảo, muốn có chức phải có một vài cái “ệ” được xếp hạng theo mức độ ý nghĩa (hậu duệ, quan hệ, tiền tệ, trí tuệ). Nhưng tôi chẳng có gì ngoài sự cố gắng khẳng định năng lực bản thân. Nhưng, cuối năm 2012, tại Đại hội Chi bộ phòng, tôi trúng cử Phó bí thư chi bộ. Tháng 3 năm 2013, sau 6 tháng được bổ nhiệm thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, tôi nhậm chức Phó trưởng phòng Nghiên cứu tổng hợp.

Chuyện tôi lên chức “Phó phòng” cũng hơi đặc biệt. Như trên đã bộc bạch, tôi không có gì ngoài mộtc chút năng lực bản thân. Vì vậy, tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc phấn đấu để làm lãnh đạo, cũng chẳng bao giờ ham hố hay hy vọng đặt một chân vào giới “sâu bít” (tôi vẫn đùa với mọi người, có chức có quyền cũng chịu nhiều áp lực thị phi như giới “sâu bít”), cứ yên tâm làm “ong thợ” là ok rồi. Nghe đâu, khi Đảng ủy họp bàn về việc kiện toàn lãnh đạo các phòng (phòng tôi bỏ trống chức Phó trường phòng đến hơn một năm), có ý kiến đề xuất đưa tôi vào chỗ ấy. Đáp lại, có ý kiến nói khi chuyển vùng từ Quân khu 2 về Hà nội, tôi chỉ xin về làm Trợ lý nên không thể bổ nhiệm lãnh đạo. Tôi cũng bắc chõ nghe hơi như vậy. Sau phiên họp ấy, tôi “bị” đưa ra lấy phiếu tín nhiệm của toàn thể cơ quan. Kết quả, số phiếu ủng hộ khá cao nên chức Phó trưởng phòng ấy đã được trao cho tôi.

Vậy là nhất họ rồi, tôi không mong gì hơn. Chẳng hiểu chức vụ có sự hấp dẫn gì mà nghe tôi được lên chức, người thân và bạn bè của tôi, ai cũng vui ra mặt, còn ngưỡng mộ nữa chứ. Nhìn họ tràn trề niềm vui, đâm ra tôi cũng thấy tự hào.

Thực ra, chức năng và nhiệm vụ của vị trí Phó phòng, tôi đã được anh Mai Bộ giao làm đến hai năm, chỉ có điều, giờ mới danh chính, ngôn thuận mà thôi. Chính vì vậy, công việc trên cương vị mới với tôi chẳng có gì khó khăn. Tôi làm việc bằng tất cả niềm say mê, trách nhiệm và sự nỗ lực của mình. Vì vậy, trong những năm 2010 đến 2015, năm nào tôi cũng được khen thưởng, từ Đảng, chính quyền đến chuyên môn. Nhiều năm liền, tôi được tổ chức đánh giá là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Chính vì vậy mà, năm 2014, tôi được chọn đi dự Hội nghị thi đua yêu nước lần thứ III ngành Tòa án nhân dân. Năm 2015, tôi vinh dự được đi dự Hội nghị thi đua yêu nước toàn quốc IX. Đây là một sự kiện chính trị quan trọng, để lại dấu ấn đặc biệt trong cuộc đời và sự nghiệp của tôi, có ý nghĩa hết sức trọng đại đối với bản thân và gia đình tôi.

Lại nói về sự kiện “chính trị” trong sự nghiệp của tôi. Ngoài việc được dự Hội nghị thi đua yêu nước lần thứ II ngành TAND và Hội nghị thu đua yêu nước yoàn quốc lần thứ IX, có lẽ, việc được điều động tăng cường xét xử phúc thẩm tại Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao cũng là một điều rất đáng nói trong cuộc đời làm Thẩm phán của tôi. Từ thnags 6 năm 2014, toi bắt đầu tham gia xét xử phúc thẩm tại Tòa Phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội. Trong thời gian này, áp lực công việc ngay lập tức dồn đến. Mỗi tháng, chúng tôi được phân công nghiên cứu và chủ tọa từ 8 đến 12 vụ án. Bên cạnh đó, tham gia hội đồng xét xử các loại án dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại, hôn nhân, gia đình, lao động từ 7-10 vụ án. Xét xử các vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của các Tòa án nhân dân với cường độ làm việc cực lớn, tính chất các vụ án cơ bản là đặc biệt nghiêm trọng. Trong đó, nhiều vụ án đã được TAND cấp tỉnh tuyên án tử hình đối với bị cáo. Đó quả thực là áp lực đối với các Thẩm phán TAQS như chúng tôi. Ngoài ra, trong thời buổi con người khá “năng động” trong sử dụng đồng tiền như hiện nay thì, người Thẩm phán còn phải đủ bản lĩnh, đạo đức, nhân cách để từ chối những đồng tiền quỷ ám. Cánh Thẩm phán TAQS chúng tôi được dịp phát huy bản lĩnh anh Bộ đội Cụ Hồ, độc lập trong xét xử, xét xử theo pháp luật mà không vì bất cứ áp lực nào, kể cả những cám dỗ của đồng tiền. Chúng tôi bảo nhau, xét xử phúc thẩm là làm phúc. Nếu có căn cứ giảm nhẹ cho bị cáo thì cần đáp ứng, bởi “một ngày tù, ngàn thu ở ngoài”. Nếu thấy có dấu hiệu xét xử oan thì quyết tâm bảo vệ quan điểm và tìm cách gỡ cho bị cáo thoát khỏi vòng tố tụng oan nghiệt. Không vì sợ Nhà nước phải bồi thường oan sai mà cố gắng gò ép người không phạm tội vào tội phạm. Trong giai đoạn tăng cường, tôi đã thực sự đem lại niềm vui cho nhiều gia đình trong việc giảm hình phạt cho con, em họ, khi mà án sơ thẩm tuyên án nặng hoặc quá nặng đối với bị cáo. Việc tuyên án nặng, xuất phát từ nguyên nhân chủ quan là Hội đồng xét xử đánh giá không đúng tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, hoặc áp dụng pháp luật chưa chính xác. Tuy nhiên, cũng có trường hợp không hiểu vì lý do gì mà tuyên quá nặng (???). Qua đây, tôi thấm thía một điều, cái tâm của người Thẩm phán cần được đặt lên đầu tiên. Nếu không, một quyết định sai lầm của họ có thể gây ra nỗi đau mà họ không đáng phải chịu.

Năm tháng và cuộc đời, sự nghiệp và lứa đôi! Đên giờ này, có lẽ tôi đã có tất cả. Tôi thực sự mãn nguyện về điều đó. Hôm nay, tôi đã bước sang tuổi 55 trong một tâm thế an nhiên, thanh bình, hạnh phúc. Bạn đời Binh an và các con tôi đã tôt chức mừng Sinh Nhật cho tôi với một bữa liên hoan ấm áp tại Nhà hàng của người Nhật. Nơi tổ chức SN cho Mẹ như thế đủ hiểu các con tôi trân trọng đạo lý, trân trọng văn hóa như thế nào (bởi văn minh người Nhật, có lẽ hàng trăn năm sau chúng ta chưa bắt kịp). Tôi tự hào về điều đó.

Vậy là, chỉ còn một năm nữa, tôi có thể yên tâm nghỉ chờ chế độ hưu trí. Tuy nhiên, không vì thế mà tôi có tâm lý làm việc kiểu “chợ chiều cuối khóa”. Sức làm việc của tôi vẫn thực sự tràn trề. Thậm chí, có lĩnh vực, tôi cảm thấy năng lượng của mình chưa bao giờ sung sức như thế. Hy vọng rằng, hạnh phúc gia đình và niềm đam mê công việc sẽ giúp cho tuổi 55 của tôi luôn căng tràn sức xuân!

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *