Cần mở rộng dân chủ trong tố tụng hình sự về quyền trưng cầu giám định tư pháp

Trong nhiều năm qua, hạn chế, yếu kém của lĩnh vực giám định tư pháp (GĐTP) luôn được ngành Tư pháp nhấn mạnh và coi là “điểm nghẽn” cần khai thông để không làm ách tắc hoạt động tố tụng, cũng như mở rộng dân chủ trong hoạt động tố tụng hình sự. Theo đó, mở rộng quyền yêu cầu giám định trong TTHS được kỳ vọng là một trong những đột phá để phát huy vai trò của GĐTP trong giai đoạn cải cách tư pháp.
“độc quyền”trưng cầu giám định là một nguy cơ dẫn đến oan, sai trong tố tụng hình sự

Vụ Tạ Văn Xã (TP.HCM) bị kết án tử hình vì Tòa cấp sơ thẩm dựa vào kết luận giám định khẳng định “không bị tâm thần, có năng lực trách nhiệm hình sự”, song bị cáo đã “thoát chết” nhờ 2 kết luận giám định sau đó khẳng định ngược lại… là một trong rất nhiều ví dụ về vai trò của GĐTP vào việc góp phần làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án, trách nhiệm của cá nhân, tập thể, trước những hậu quả, thiệt hại do hành vi trái pháp luật hoặc hành vi có dấu hiệu tội phạm gây ra, nó còn góp phần định đoạt số phận pháp lý của con người.

Theo quy định hiện hành, trưng cầu giám định trong hoạt động tố tụng hình sự (TTHS) vẫn là “độc quyền” của cơ quan tiến hành tố tụng. Đương sự, bị can, bị cáo, người có nghĩa vụ liên quan chỉ được quyền “đề nghị giám định” mà thôi. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc những kết quả giám định nếu không phải do cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu sẽ “vô giá trị” trong TTHS, bất chấp việc nó có thể đem đến những yếu tố có lợi cho bị can, bị cáo.

Như vụ Tạ Văn Xã, do thấy căn cứ kết án của Tòa sơ thẩm “có vấn đề”, cùng với đề nghị của gia đình bị cáo và Luật sư, Tòa phúc thẩm mới trưng cầu giám định lại. Nhờ đó, Xã không bị án tử hình mà bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Nếu trong trường hợp này, bị cáo được quyền trưng cầu giám định thì ngay từ cấp sơ thẩm đã không có bản án tử hình đối với một người hành động trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự.

Điểm khác biệt trong TTHS so với tố tụng dân sự và tố tụng hành chính là trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng (Điều 15 Bộ luật TTHS năm 2015). Nên với quy định tại Điều 205 và 206 Bộ luật TTHS năm 2015, cơ quan tiến hành tố tụng bắt buộc phải “ra quyết định trưng cầu giám định” trong các trường hợp: xác định tình trạng tâm thần của người bị buộc tội khi có nghi ngờ về năng lực TNHS; tuổi của bị can, bị cáo (khi có nghi ngờ về tính xác thực của tài liệu); nguyên nhân chết người; tính chất thương tích, mức độ tổn hại SK; chất ma túy, vũ khí QD, đồ cổ, đá quý, chất độc, chất phóng xạ, tiền giả, vật liệu nổ; mức độ ô nhiễm; hoặc nếu “xét thấy cần thiết”thì cơ quan tiến hành tố tụng sẽ ra quyết định trưng cầu giám định.
Trong một vụ án, có thể tồn tại hai Kết luận khác nhau về một vấn đề, và khi có nghi ngờ về tính khách quan của kết quả giám định, cơ quan tiến hành tố tụng có quyền trưng cầu giám định bổ sung hoặc giám định lại. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào nhận định chủ quan của người tiến hành tố tụng.

Vụ TAND tỉnh Phú Yên vừa tuyên hủy quyết định của TAND huyện Tuy An là một ví dụ về việc sử dụng quyền trưng cầu giám định không đúng quy định pháp luật của cơ quan xét xử khiến sự thật vụ án có nguy cơ bị “bóp méo” nếu tòa án cấp trên không công minh. Quyết định đình chỉ vụ án để điều tra lại vụ án “cố ý gây thương tích” đối với Trương Văn Vũ của TAND huyện Tuy An bị hủy do vi phạm tố tụng nghiêm trọng bởi khi TA thấy có sự không thống nhất về tỷ lệ thương tật của người bị hại trong 2 kết luận giám định đã “tự ý” trưng cầu giám định lần thứ ba, mà không triệu tập người giám định tham gia phiên tòa để làm rõ về hai bản giám định hoặc trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung.

Điều 30 Bộ luật TTHS năm 2015 quy định, việc giải quyết các vấn đề dân sự trong VAHS được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự (VAHS) và việc giải quyết các vấn đề dân sự trong VAHS vẫn phải áp dụng các quy định của pháp luật dân sự (pháp luật nội dung) để giải quyết. Song “khép kín” việc thực hiện quyền trưng cầu giám định cho cơ quan tiến hành tố tụng trong các VAHS sẽ là mâu thuẫn và bất hợp lý khi giải quyết phần dân sự cùng trong VAHS.

Mặc dù đối với những nội dung dân sự liên quan trực tiếp đến yếu tố định tội hoặc định khung thì cơ quan tiến hành tố tụng bắt buộc phải trưng cầu giám định, nhưng những yêu cầu dân sự khác đương sự vẫn có quyền và nghĩa vụ trong việc đưa ra chứng cứ, tài liệu để chứng minh cho yêu cầu của mình. Bên cạnh đó, vô lý nhất là cùng một vấn đề dân sự, nếu là phần dân sự được giải quyết ngay trong VAHS thì đương sự không được quyền trực tiếp yêu cầu giám định, nhưng nếu được tách ra để giải quyết độc lập theo tố tụng dân sự thì đương sự được thực hiện quyền này. Rõ ràng không cho đương sự trưng cầu giám định là đã hạn chế quyền của đương sự một cách vô lý và có thể ảnh hưởng tiêu cực đến việc bảo vệ quyền lợi của đương sự khi giải quyết phần dân sự trong VAHS.
Giám định “đánh đố” cơ quan tiến hành tố tụng
Trong không ít các vụ án, việc giám định thường phải tiến hành nhiều lần do kết quả các lần giám định không thống nhất, thậm chí trái ngược nhau khiến cơ quan tiến hành tố tụng không biết phải căn cứ vào đâu để phán quyết, kết luận về vụ án. Như vụ án của Trương Văn Vũ, ba bản kết luận giám luận có tỷ lệ thương tật là 19%, 13% và 9%. Nếu chỉ căn cứ vào hai kết luận giám định đầu thì Vũ phải bị xét xử về tội “cố ý gây thương tích”, nhưng theo kết luận giám định cuối cùng thì lại chưa đến mức xử lý hình sự (dưới 11%).
Quyền yêu cầu giám định bổ sung, giám định lại liên quan chặt chẽ đến thủ tục tố tụng. Tuy trách nhiệm chứng minh thuộc các cơ quan tiến hành tố tụng nhưng để đảm bảo quyền bào chữa cho bị can, bị cáo và những người có liên quan và người bị hại, nếu trong các trường hợp vụ án đã được xét xử và có hiệu lực pháp luật nhưng các đương sự vẫn yêu cầu, cho rằng việc giám định không khách quan và yêu cầu giám định lại, lúc này các cơ quan tiến hành tố tụng cũng phải tiến hành trưng cầu giám định lại để kiểm tra tính hợp pháp của kết quả giám định mà các cơ quan tiến hành tố tụng đã giám định ban đầu đã được xét xử. Làm như vậy để đảm bảo xét xử đúng người, đúng tội và không bỏ lọt tội phạm, nhất là không kết án oan người vô tội và bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của các bên liên quan.

Về bản chất, kết luận giám định là một nguồn chứng cứ, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng xem xét, đánh giá và sử dụng để làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án. Nên việc có giám định lại hay không hoàn toàn thuộc thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng quyết định trong trường hợp cần thiết. Đương sự có quyền đề nghị, nhưng việc quyết định trưng cầu lại thuộc thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng. Trường hợp người yêu cầu giám định không nhất trí với kết luận giám định thì có quyền đề nghị hoặc khiếu nại theo quy định của pháp luật tố tụng. Bên cạnh đó, việc giám định lại được thực hiện trong trường hợp có căn cứ cho rằng kết luận giám định không chính xác.

Mở rộng quyền của bị can, bị cáo, đương sự trong TTHS, giành cho họ quyền được tự mình trực tiếp yêu cầu GĐTP trong quá trình giải quyết VAHS liên quan đến việc xác định trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo là vấn đề rất quan trọng để VAHS được xử lý đúng pháp luật. Đây còn là vấn đề nhân đạo, nhân quyền. Cho nên, các nhà làm luật cần tiếp thu đề xuất này để sửa đổi PL.
Hy vọng rằng, cùng với sự tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện, có chế độ, chính sách hợp lý cho cán bộ làm công tác GĐTP, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động GĐTP trong một số lĩnh vực, công tác GĐTP sẽ được tổ chức hoạt động theo tinh thần cải cách tư pháp, phục vụ kịp thời cho hoạt động tố tụng và góp phần bảo vệ lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, đóng góp “xứng tầm” cho việc giải quyết các vụ án một cách khách quan và công bằng./.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *