
BLHS năm 2017 qđ nếu con giáp thứ 13 chung sống như vợ chồng vs người đang có vợ hoặc có chồng, dẫn đến ly hôn sẽ bị truy cứu về tội VI PHẠM CHẾ ĐỘ MỘT VỢ MỘT CHỒNG. Tuy nhiên, trong thực tế, loại hành vi này hầu như chưa được quan tâm xử lý nghiêm nên nạn TIỂU TAM vẫn tràn lan gây bức xúc trong gđ, xh.
HẬU QUẢ TỪ CON GIÁP THỨ 13
Phiên tòa sơ thẩm diễn ra trong sự tuyệt vọng của cả hai con người đã từng 10 năm tay ấp má kề. Họ không có yêu cầu chia tài sản, người vợ chỉ mong được TA cho ly hôn và giành cho mình quyền nuôi đứa con gái 6 tuổi. Người chồng tha thiết mong vợ nghĩ lại, để cho mình và cho người vốn vẫn được chị gọi là chồng, một cơ hội cuối cùng hàn gắn tổ ấm, hàn gắn vết thương lòng. Nhưng tất cả đều vô vọng bởi cái lắc đầu cay đắng và dứt khoát của chị. Tòa hỏi về nguyên nhân chị xin ly hôn? Không có gì ngoài việc anh đã phản bội chị, phản bội tình yêu và cướp mất niềm tin trong chị. Anh đã quan hệ ngoài luồng với con giáp thứ 13.
Anh đau khổ thừa nhận mình đã có lúc rẽ trái vào con đường nhơ nhớp, lầy lội do con giáp thứ 13 dẫn lối. Nhưng nay anh đã trở lại, toàn tâm, toàn ý với vợ, với con, với cái gia đình nhỏ bé mà anh chị đã 10 năm xây đắp. Là Luật sư bảo vệ cho một bên. Nhưng hơn thế nữa, tôi vẫn muốn bảo vệ cho cả ba con người đáng thương kia – người chồng, người vợ và đặc biệt là cháu bé 6 tuổi chuẩn bị bước vào tuổi học trò. Hỏi ý kiến bé, cháu nhìn bố, nhìn mẹ rồi lý nhí trong nước mắt: Con muốn ở với cả bố và mẹ.
Tìm hiểu về quá khứ của họ, được biết, anh chị đến với nhau từ một tình yêu tuyệt đẹp. Khi đó, chị còn là sinh viên Công nghệ thông tin, anh đã tốt nghiệp ĐH Kiến trúc, mới ra trường nhưng đã có việc làm và có thu nhập để thoải mái chi trả các khoản tình phí cho đôi trẻ nơi Hà thành. Họ kết hôn năm 2009 và có với nhau một thiên thần tuyệt mỹ, cháu được thừa hưởng tất cả những nét đẹp của cả cha và mẹ.
Sau mười năm chung sống, anh một Kỹ sư thiết kế nội thất, khá điển trai, ăn nói có duyên và nhiều khách VIP thuê thiết kế các căn hộ sang trọng. Chị trắng trẻo, xinh xắn, một lập trình viên có hạng thời công nghệ 4.0, làm trong một công ty phần mềm lớn tại HN. Tổ ấm của họ là mơ ước của bao người. Nghề nghiệp hót, thu nhập không dưới hai ngàn “đô”. Một công chúa đáng yêu. Sắp được nhận một căn hộ cao cấp không xa trung tâm thành phố là bao.
Vậy mà! Không hiểu ma dẫn lối, quỷ đưa đường thế nào mà chàng kỹ sư thiết kế nội thất lại “say nắng” con giáp thứ 13, kiểu “Kim Nhã”, “Thanh Trà”.
Có tình nhân, anh chồng đâm ra hắt hủi vợ, lơ là với con và sao nhãng công việc. Khách VIP hủy hợp đồng hàng loạt, con gái ngơ ngác, ngác ngơ bởi khi mẹ vắng nhà, bố chốt cửa nhốt con, tranh thủ đi với bồ cả buổi.
Linh cảm của người đàn bà mách bảo chị, anh đã lạc đường. Chị âm thầm đau khổ, kiềm chế hờn ghen, kiên nhẫn “gọi” anh quay về lối cũ. Anh bỏ ngoài tai tất cả, mải miết chạy theo con giáp lẳng lơ, trơ trẽn thả thính, buông tình. Và sự chịu đựng của “gái một con” là hữu hạn. Chị đưa đơn đến Tòa xin được giải phóng cho chị, để anh tự do thả hồn theo gió đếm trăng. Chỉ đến khi Tòa gọi, anh mới hoảng hốt tỉnh giấc nồng. Hai bên nội ngoại ra sức vun vén. Anh gục đầu xin chị bỏ qua và khẳng định đã loại bỏ bóng ma yêu quái ra khỏi cuộc đời.
Nhưng không! Anh đã đi quá xa, để lại cho chị vết thương lòng quá lớn không thể nào xoa dịu. Lòng chị đã nguội lạnh. Nếu tiếp tục chung sống, chị sẽ chỉ còn là cái bóng bên anh. Vô hồn, vô cảm. Vì vậy, để giải thoát cho nhau, xin Tòa quyết định “xé” bỏ tờ hôn thú và cho chị được quyền nuôi con.
Tòa sơ thẩm đã tuyên, chấp nhận đơn của chị. Anh tôn trọng ý nguyện của chị, nhưng không chịu nổi việc phải xa con. Vì vậy mà anh kháng cáo, xin Tòa phúc thẩm xét lại, để anh được sớm tối bên thiên thần dấu yêu mà 6 năm qua anh vẫn là người bạn lớn của bé, yêu chiều, xót thương.
Phiên tòa phúc thẩm diễn ra lặng lẽ, vắng vẻ, không có người dự. Ngoài ba Thẩm phán, một Kiểm sát viên, một Thư ký (tất cả đều là nữ), người tham gia tố tụng chỉ có hai đương sự đã từng là vợ chồng, hai Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho hai bên. Tuy chỉ kháng cáo quyền nuôi con, nhưng ở phiên tòa phúc thẩm, anh vẫn tha thiết đề nghị chị suy nghĩ lại, bỏ qua lầm lỗi của anh để hướng về tương lai, cùng nuôi dạy con gái trưởng thành. Nhưng hầu như, chị không để ý tới nỗi lòng của anh, một mực đề nghị Tòa bác kháng cáo của chồng.
Biết không thể lay chuyển quyết định ly hôn của chị, anh và Luật sư của anh ra sức chứng minh điều kiện nuôi con của anh tốt hơn, lương anh cao gấp rưỡi chị, anh có nhà riêng mới nhận đầy đủ tiện nghi, anh có thời gian đưa đón con đi học hàng ngày, anh có ông bà nội hỗ trợ chăm cháu, anh có…anh có… và anh có…và đặc biệt, sáu năm qua, anh luôn là người bạn lớn của con, tâm sự, chơi đùa, gắn bó bên con nhiều hơn chị; bởi con gái như người tình kiếp trước của anh. Còn chị, thu nhập thấp hơn anh, hai mẹ con đang phải ở trọ tại căn hộ đơn sơ 20m2 với tiện nghi tối thiểu, chị làm trong công ty công nghệ xa thành phố, giờ giấc chặt chẽ, không thể đưa đón con đi học hàng ngày…
Giọng anh lạc đi: Nếu Tòa buộc tôi phải xa con, tôi không chịu nổi, thậm chí không sống nổi. Thiếu vợ, thiếu người tình, tôi chịu được, nhưng thiếu con gái thì…Mắt anh cay xè! Tình phụ tử trào dâng trong anh! Tôi xin Tòa…Xin Tòa.. và xin Tòa…

Hội trường không một tiếng động, chỉ có tiếng ro ro của chiếc điều hòa vô tri, vô giác. Hai Luật sư có nhiệm vụ bảo vệ thân chủ, nhưng biết nói gì đây khi mọi lời nói đều có thể khiến một trong hai người khổ đau hơn. Dù đối lập quyền lợi, nhưng chúng tôi, hai luật sư, hai đồng nghiệp chỉ lặng lẽ nhìn nhau, thầm cảm thông, chia sẻ và lặng lẽ chờ đợi cái thời khắc nặng nề trôi qua. Và dường như, cả hai LS đều cảm nhận được sự thất bại, sự bất lực của mình, bởi cả hai đã không bảo vệ được cái gia đình nhỏ bé nhưng chứa đựng đầy bão dông kia, không bảo vệ được quyền và lợi ích chính đáng của thiên thần nhỏ bé, vô tội, vẫn phải thấp thỏm trong lời ru CHIA ĐÔI. Để rồi đây, ngay sau phiên tòa này, dù quyết định của bản án phúc thẩm (có hiệu lực ngay từ ngày ký)sẽ tuyên thế nào đi chăng nữa thì, thiên thần nhỏ bé kia sẽ chỉ có mẹ mà không cha, hoặc chỉ có cha mà không mẹ.
Cả bốn người tiến hành tố tụng đã đều đưa ra quyết định của mình: Bác đơn kháng cáo của người cha. Rồi đây, em sẽ phải tiếp tục sống trong căn phòng trọ đơn sơ, chật chội mà hoang sơ. Còn cha nó, có nhà mà như không. Chẳng biết đi đâu, về đâu cho nguôi ngoai nỗi nhớ thương con da diết, bồn chồn!
Phiên tòa kết thúc trong tiếng gió rít ào ào, mưa tuôn xối xả của cơn bão số 4 vừa ập xuống. Những người tiến hành tố tụng nhanh chóng rời phòng. Các đương sự đường ai nấy đi. Chỉ còn tôi, chôn chân trơ trọi giữa hội trường xét xử hoang vắng. Tôi thừa nhận sự bất lực của mình và thầm réo tên con giáp thứ 13 độc địa, trơ trẽn kia. Nó gây ra hậu quả khôn lường nhưng vẫn trâng tráo sống ngoài vòng pháp luật. Liệu còn bao nhiêu tổ ấm nữa sẽ tiếp tục là nạn nhân của nó? Bất giác, tôi hiểu hơn tại sao Quỳnh Nga (Kim Nhã) và Lương Thanh (Trà) đã bị xã hội ném gạch đá nhiều đến thế, và tôi nhận ra nhiều hơn ý nghĩa nhân văn của hai bộ phim “Về nhà đi con” , “ Hoa hồng trên ngực trái” đã và đang được trình chiếu trên VTV.
Hà Nội, ngày ngâu năm 2019 (P/s: Nếu thấy câu chuyện PL này có ý nghĩa thì mong mọi người chia sẻ để XH bớt đi những kẻ bán linh hồn cho con giáp thứ 13 nhé)
(Ảnh lụm của Kim Nhã – Về nhà đi con và Trà – Hoa hồng trên ngực trái).