
Nguyễn Thị Tuyết – Thẩm phán cao cấp
Tòa án quân sự trung ương
Trong hoạt động tố tụng hình sự, trước hết, các cơ quan tiến hành tố tụng phải tuân thủ các nguyên tắc hiến định về quyền con người, quyền công dân tại các Điều 14, 15, 16…Hiến pháp 2013 và các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Tố tụng hình sự cũng như pháp luật hình sự. Đối với việc bảo vệ quyền của người bị hại, người làm chứng trong tố tụng hình sự, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải thực hiện nghiêm chỉnh các nguyên tắc đã được Bộ luật TTHS năm 2015 ghi nhận. Đó là: Nguyên tắc “Bảo đảm pháp chế XHCN trong Tố tụng hình sự”; “Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân”; “Bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật, “Bảo hộ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản của cá nhân; danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân”, “Bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của cá nhân”…Những nội dung cơ bản của các nguyên tắc này cũng được BLTTHS hiện hành ghi nhận.
Đối với hoạt động xét xử, Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về “Một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới” đã chỉ rõ: Tòa án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét các chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, người bào chữa, bị cáo, nhân chứng, nguyên đơn và những người có quyền, lợi ích hợp pháp để ra những bản án, quyết định đúng pháp luật, có sức thuyết phục và trong thời hạn quy định[1]. Điều đó càng khẳng định, ý kiến của người bị hại, lời khai của người làm chứng có ý nghĩa quan trọng đối với việc phán quyết của Tòa án. Tuy nhiên, nội dung lời khai của họ chỉ có giá trị chứng minh khi được phan ánh trung thực, khách quan, được thu thập theo trình tự luật định. Hội đồng xét xử có trách nhiệm đánh giá, kiểm tra, xác minh và sử dụng các lời khai của người bị hại, người làm chứng với ý nghĩa là chứng cứ, xác định việc truy tố của Viện kiểm sát có căn cứ hay không, bị cáo có phạm tội hay không, phạm tội gì và trách nhiệm pháp lý ra sao? Chính vì vậy, có thể nói, việc xét xử nói chung, chứng minh tội phạm nói riêng là hoạt động khoa học thực tiễn phức tạp mang tính chủ quan. Đặc điểm đó đặt ra yêu cầu đối với người Thẩm phán phải có trình độ chuyên môn, có kinh nghiệm thực tiễn, có kỹ năng nghề nghiệp, có bản lĩnh dũng cảm bảo vệ công lý mới đủ sức giải quyết đúng đắn vụ án.
Thực tiễn nhiều năm qua, đã có rất nhiều vụ án mà hoạt động điều tra, thu thập lừi khai của người bị hại, người làm chứng, bị cáo thiếu khách quan, nhưng lại được “hợp pháp hóa” bằng các “quy trình” tố tụng, khiến cho Thẩm phán đứng trước “trận đồ bát quái”, nếu không tỉnh táo sẽ không thể xác định được đâu là sự thật. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến một số bản án được tuyên gây oan ức, đớn đau, tù tội cho người vô tội. Thực tế này càng đặt ra yêu cầu về trách nhiệm khách quan, toàn diện, tuân thủ pháp luật của những người tiến hành tố tụng, đặc biệt là Thẩm phán trong việc thu thập, xác minh, đánh giá, sử dụng chứng cứ chứng minh tội phạm.
Khi tiến hành tố tụng, Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán phải tuân thủ hệ thống các quy định của pháp luật để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia tố tụng nói chung, quyền của người bị hại, người làm chứng nói riêng. Với ý nghĩa là một nguyên tắc cơ bản, Điều 7 BLTTHS hiện hành quy định: “Công dân có quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản. Mọi hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản đều bị xử lý theo pháp luật. Người bị hại, người làm chứng và người tham gia tố tụng khác cũng như người thân thích của họ mà bị đe dọa đến tính mạng, sức khỏe, bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm, tài sản thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng những biện pháp cần thiết để bảo vệ theo quy định của pháp luật”[2]. Nội dung nguyên tắc này tiếp tục được BLTTHS năm 2015 kế thừa và phát triển. Theo quy định tại Điều 62 BLTTHS năm 2015 (Điều 51 BLTTHS hiện hành), thì người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ có các quyền sau đây khi tham gia tố tụng:
– Được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này;
– Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;
– Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;
– Đề nghị giám định, định giá tài sản theo quy định của pháp luật;
– Được thông báo kết quả điều tra, giải quyết vụ án;
– Đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật;
– Đề nghị hình phạt, mức bồi thường thiệt hại, biện pháp bảo đảm bồi thường;
– Tham gia phiên tòa; trình bày ý kiến, đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi bị cáo và người khác tham gia phiên tòa; tranh luận tại phiên tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; xem biên bản phiên tòa;
– Tự bảo vệ, nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình;
– Tham gia các hoạt động tố tụng theo quy định của Bộ luật này;
– Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình, người thân thích của mình khi bị đe dọa;
– Kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án;
– Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;
– Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của bị hại thì người bị hại hoặc người đại diện của họ trình bày lời buộc tội tại phiên tòa.
Nếu người bị hại chết thì người đại diện hợp pháp của họ có các quyền nêu trên.
Theo quy định tại Điều 66 BLTTHS năm 2015 (Điều 55 BLTTHS hiện hành), thì người làm chứng có các quyền sau đây:
– Được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này;
– Yêu cầu cơ quan triệu tập bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản và quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình, người thân thích của mình khi bị đe dọa;
– Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng liên quan đến việc mình tham gia làm chứng;
– Được cơ quan triệu tập thanh toán chi phí đi lại và những chi phí khác theo quy định của pháp luật.
Hướng dẫn về việc bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản và quyền, lợi ích hợp pháp khác của người làm chứng, người bị hại, người thân thích của người làm chứng, người bị hại, ngày 26 tháng 12 năm 2013, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư liên tịch số 13/2013/TTLT-BCA-BQP-VKSNDTC-TANDTC (sau đây gọi tắt là Thông tư số 13). Theo Thông tư này thì, những người được bảo vệ gồm người làm chứng; người bị hại; người thân thích của họ gồm: vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, cha mẹ (cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi) bên vợ hoặc bên chồng của người làm chứng, người bị hại. Theo đó, người làm chứng, người bị hại có các quyền sau đây:
– Được cơ quan tiến hành tố tụng giải thích về quyền được bảo vệ, được yêu cầu áp dụng các biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khỏe và tài sản của mình nếu có căn cứ cho rằng mình hoặc người thân sẽ hoặc đã bị xâm hại;
– Quyền được biết trước về các biện pháp bảo vệ và có quyền đề nghị thay đổi, bổ sung biện pháp bảo vệ;
– Được bồi thường nếu bị thiệt hại về tài sản; được trợ cấp trong trường hợp bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe theo quy định của pháp luật.[3]
Trong giai đoạn xét xử, nếu xét thấy có căn cứ cho rằng người bị hại, người làm chứng hoặc người thân thích của họ sẽ bị xâm hại thì, Tòa án đang giải quyết vụ án có quyền đề nghị Cơ quan điều tra đã điều tra vụ án đó có trách nhiệm tổ chức, triển khai các biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, tài sản và các lợi ích hợp pháp khác của họ, với các biện pháp bảo vệ sau đây:
- Bố trí lực lượng, phương tiện; tiến hành các biện pháp nghiệp vụ; sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện giao thông, thông tin liên lạc để canh gác, bảo vệ (tại phiên tòa, nơi ở, nơi làm việc, nơi học tập của người được bảo vệ, trên các phương tiện giao thông và các nơi cần thiết khác).
- Hạn chế phạm vi đi lại, quan hệ giao tiếp, thăm gặp, làm việc, học tập của người được bảo vệ trong một thời gian nhất định khi xét thấy mức độ tấn công hoặc xâm hại của tội phạm đối với người được bảo vệ ở mức nguy hiểm cao.
- Giữ bí mật việccung cấp chứng cứ, vật chứng, tài liệu có liên quan trực tiếp đến hành vi phạm tội, người phạm tội của người được bảo vệ khi họ yêu cầu hoặc xét thấy họ có thể bị nguy hiểm do việc cung cấp chứng cứ, vật chứng, tài liệu đó.
- Di chuyển, giữ bí mật chỗở, nơi làm việc, học tập cho người được bảo vệ:
- a)Trongtrường hợp cần thiết, có thể di chuyển người được bảo vệ ra khỏi chỗ ở, nơi làm việc, học tập và tuyệt đối giữ bí mật chỗ ở, nơi làm việc, học tập mới của họ. Thời hạn di chuyển có thể là tạm thời hoặc vĩnh viễn. Phạm vi di chuyển có thể là trong cùng một địa phương hoặc đến địa phương khác hoặc ra nước ngoài tùy từng trường hợp cụ thể và điều kiện, khả năng cho phép.
- b)Trong trường hợp cấp bách có thể tạm thời di chuyển người được bảo vệ đến trụ sở cơ quan Công an, cơ quan Quân đội hoặc địa điểm khác thuộc phạm vi quản lý, bảo vệ của cơ quan Công an, cơ quan Quân đội.
- Răn đe, cảnh cáo,vô hiệu hóa hành vi xâm hại người được bảo vệ; áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật để ngăn chặn, xử lý kịp thời hành vi xâm hại người được bảo vệ.
- Thay đổi tung tích, lai lịch, đặc điểm nhân thân, nhân dạng của người được bảo vệ.
- Các biện pháp bảo vệ khác”[4].
Như vậy, trách nhiệm bảo vệ các quyền của người bị hại, người làm chứng trong giai đoạn xét xử không chỉ thuộc về Tòa án, Hội đồng xét xử, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, cảnh sát tư pháp bảo vệ phiên tòa mà Cơ quan điều tra (thuộc Công an, Quân đội) đã tiến hành điều tra vụ án đó cũng có trách nhiệm tiến hành các biện pháp hợp pháp để bảo vệ người bị hại, người làm chứng và những người thân thích của họ.
Trong giai đoạn xét xử, kể cả xét xử sơ thẩm và xét xử phúc thẩm, Thẩm phán được giao chủ tọa phiên tòa là người trực tiếp tiến hành tố tụng. Trước hết, Thẩm phán phải bảo đảm để người bị hại, người làm chứng được hưởng đầy đủ các quyền tố tụng theo luật định (Điều 51, 55 BLTTHS hiện hành; Điều 62, 66 BLTTHS năm 2015). Khi xét thấy cần thiết, Thẩm phán kiến nghị yêu cầu cơ quan điều tra triển khai các biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản và các lợi ích hợp pháp khác của người làm chứng, người bị hại và người thân thích của họ. Đó không chỉ là trách nhiệm cá nhân của người tiến hành tố tụng mà còn là người đại diện của Tòa án, nhân danh Nhà nước thực hiện chức năng bảo vệ công lý, bảo vệ Nhân dân.
Để thực hiện tốt trách nhiệm này, thẩm phán chủ tọa phiên tòa cần có những kỹ năng cơ bản sau đây:
Một là, chủ động áp dụng pháp luật bảo vệ các quyền tố tụng, đặc biệt là bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản, các lợi ích hợp pháp khác của người bị hại, người làm chứng.
Yêu cầu của kỹ năng này là tính chất chủ động trong các hành vi tố tụng của Thẩm phán được giao chủ tọa phiên tòa. Chủ động áp dụng pháp luật hoàn toàn trái ngược với phương pháp làm việc thụ động trong tiến hành tố tụng. Điều 62 và Điều 66 BLTTHS năm 2015 quy định người bị hại và người làm chứng có quyền “yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình, người thân thích của mình khi bị đe dọa”. Đối với người làm việc thụ động, quy định này dễ tạo cho Thẩm phán thói quen làm việc thiếu trách nhiệm, chỉ khi người bị hại, người làm chứng lên tiếng yêu cầu thì Thẩm phán mới xem xét, nghiên cứu đáp ứng các quyền tố tụng của họ. Và trong hoàn cảnh “bị” yêu cầu thì việc đáp ứng yêu cầu thường là “miễn cưỡng”. Đặc biệt, nếu Thẩm phán quá thụ động trong áp dụng các biện pháp bảo vệ thì tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản và các lợi ích hợp pháp của người làm chứng, người bị hại thì có thể việc áp dụng sẽ không kịp thời. Khi đó, người bị hại, người làm chứng có thể đã bị xâm hại “xong”. Thực tế, có trường hợp người làm chứng, người bị hại không thể biết mình đang bị đe dọa để chủ động phòng ngừa, chủ động yêu cầu bảo vệ hoặc không dám yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng các biện pháp bảo vệ.
Tính chủ động của người thẩm phán phụ thuộc chủ yếu vào ý thức tuân thủ pháp luật và ý thức trách nhiệm trước công dân. Trách nhiệm đó thể hiện đạo đức người cán bộ, phản ánh thái độ ứng xử giữa con người với con người, giữa Nhà nước với công dân. Chính vì vậy, có thể nói đây là một “kỹ năng mềm” không phải Thẩm phán nào cũng có được. Hơn nữa, ngay cả khi đã có kỹ năng này nhưng nếu Thẩm phán không thường xuyên trau dồi nhân cách, tích lũy kinh nghiệm nghề nghiệp, hình thành thói quen và phương châm làm việc tích cực thì có thể dần dần rơi vào lối làm việc thụ động, tắc trách, đánh mất tính chủ động trong công việc.
Tính chủ động bảo vệ người làm chứng, người bị hại của người Thẩm phán thường thể hiện ở các hành vi cụ thể sau đây:
– Ngay sau khi được giao Chủ tọa phiên tòa giải quyết vụ án, Thẩm phán cần sớm nghiên cứu hồ sơ, nghiên cứu lời khai người làm chứng, người bị hại, chú ý trình tự và thủ tục thu thập lời khai (như cách đặt câu hỏi của điều tra viên, địa điểm lấy lời khai…), đặc điểm nhân thân người bị hại, người làm chứng; xem xét mối quan của người làm chứng với bị cáo, bị hại; phát hiện sự bất thường trong nội dung lời khai, sâu chuỗi mối liên hệ để suy luận về khả năng người làm chứng, người bị hại có thể bị đe dọa, mua chuộc, dụ dỗ, cưỡng bức, xâm hại để chủ động áp dụng hoặc yêu cầu triển khai biện pháp bảo vệ hợp lý (nếu được sự đồng ý và yêu cầu của người được bảo vệ).
– Giải thích để người bị hại và người làm chứng biết các quyền tố tụng của họ, đặc biệt là quyền được bảo vệ tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, tài sản và các lợi ích hợp pháp khác; tư vấn biện pháp tự phòng ngừa hữu hiệu trước các nguy cơ xâm hại như hạn chế phạm vi hoạt động, tránh hoạt động vào thời gian, không gian nguy hiểm, tránh tiếp xúc, gặp gỡ khi không cần thiết, khi thấy có nguy cơ xâm hại thì cần thông báo cho cơ quan có thẩm quyền và yêu cầu được bảo vệ…
– Nếu thấy cần thiết, có thể tự mình thu thập bổ sung chứng cứ hoặc yêu cầu Viện kiểm sát thu thập bổ sung, nhất là khi người làm chứng, người bị hại xin xét xử vắng mặt.
– Giải quyết thấu đáo các yêu cầu, khiếu nại của người bị hại, bảo đảm cao nhất các quyền của người bị hại, người làm chứng mà pháp luật tố tụng quy định, kể cả trước, trong và sau phiên tòa (như yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, yêu cầu hoãn phiên tòa, khiếu nại về các hành vi tố tụng của người tiến hành tố tụng, yêu cầu giám định lại, giám định bổ sung, yêu cầu triệu tập thêm người làm chứng, bổ sung tài liệu, yêu cầu định giá lại tài sản, yêu cầu xét hỏi, bảo đảm quyền trình bày và tranh luận tại tòa, kháng cáo sau phiên tòa…).
– Trong các trường hợp người bị hại là phụ nữ, trẻ em, khách thể bị xâm hại là danh dự, nhân phẩm con người, khi xét xử, cần hết sức tránh làm cho người bị hại thêm một lần nữa bị xâm hại ( không nên yêu cầu người bị hại trình bày chi tiết về diễn biến vụ án, không nên đặt câu hỏi gây xúc động hoặc gợi đau khổ cho người bị hại….). Thẩm phán cần suy nghĩ tới việc áp dụng thủ tục xét xử kín, nếu xử công khai thì không cho phép truyền thông đăng thông tin, ảnh… của người bị hại.
– Chủ động kiến nghị yêu cầu cơ quan côn an, chính quyền địa phương triển khai các biện pháp cảnh báo, ngăn chặn hành vi xâm hại đối với người bị hại, người làm chứng.
Hai là, áp dụng biện pháp hợp lý để bảo đảm an toàn cho người bị hại, người làm chứng tại phiên tòa.
Đây là kỹ năng cần thiết không chỉ nhằm bảo vệ người bị hại, người làm chứng tại phiên tòa mà còn tạo ra các điều kiện cần thiết để phiên tòa diễn ra an toàn, đúng kế hoạch. Cụ thể, Thẩm phán có thể áp dụng các biện pháp sau đây:
– Khi thấy người bị hại, người làm chứng có thể bị xâm hại trong quá trình di chuyển đến tham gia tố tụng tại phiên tòa, Thẩm phán có thể yêu cầu cơ quan công an “hộ tống”, bố trí xe đưa, đón người làm chứng, người bị hại đến phiên tòa để bảo đảm an toàn cho họ;
– Sắp xếp, bố trí chỗ ngồi hợp lý cho các đối tượng tham gia tố tụng tại phiên tòa, phân chia lực lượng cảnh sát tư pháp ngồi sen giữa các thành phần, bảo vệ tại các vị trí “nhạy cảm”, có thể là nơi phát sinh nguy hiểm cho người bị hại, người làm chứng. Thông qua việc bố trí vị trí ngồi tại phòng xử án của những người tham gia tố tụng và cảnh sát tư pháp, thể hiện sự nghiêm minh trên “công đường”, đồng thời, gửi thông điệp cảnh báo, răn đe đến những người manh nha ý định vi phạm trật tự phiên tòa hoặc xâm hại người làm chứng, người bị hại, đồng thời sẵn sàng ứng phó kịp thời với các tình huống mất an toàn, tiêu cực có thể xảy ra.
– Không để các đồ vật trong phòng xét xử có thể bị dùng làm công cụ xâm hại người bị hại, người làm chứng hoặc gây mất trật tự phiên tòa;
– Khi xét hỏi, có thể cách ly bị cáo, người làm chứng, bị hại để bảo đảm an toàn và tránh áp lực tinh thần cho họ trong quá trình khai báo;
– Bố trí hỏi kín người bị hại, người làm chứng. Sau khi xét hỏi, nếu thấy không cần thiết phải tiếp tục giữ họ lại tham gia phiên tòa thì bố trí lực lượng đưa họ rời khỏi nơi xét xử một cách an toàn.
– Khi giải lao, yêu cầu cảnh sát tư pháp chủ động phòng ngừa và bảo đảm an toàn cho người làm chứng, người bị hại.
Ba là, giữ bí mật về lời khai, hình ảnh và lai lịch người làm chứng, người bị hại
Tùy từng vụ án cụ thể, trước khi đưa vụ án ra xét xử, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa cần trao đổi thống nhất với cơ quan có trách nhiệm bảo vệ về việc áp dụng các hình thức để bảo đảm việc giữ bí mật cho người bị hại, người làm chứng; như yêu cầu người bào chữa phải cam kết giữ bí mật về nội dung lời khai, địa chỉ nơi cư trú của người làm chứng, người bị hại bằng văn bản và chịu trách nhiệm trước pháp luật về cam kết đó; hoặc có thể tạm thời thay đổi nơi ở, bố trí lực lượng bí mật bảo vệ người làm chứng, người bị hại tại nơi ở, nơi làm việc của họ…
Tại phiên tòa, Thẩm phán có thể không công bố lai lịch người làm chứng, người bị hại, không cho phép bất kỳ người nào ghi âm, ghi hình người làm chứng, người bị hại vì lý do bảo đảm an toàn cho họ.
Bốn là, khuyến khích và chủ động tổ chức cho các đương sự, bị cáo gặp gỡ thương lượng về việc giải quyết trách nhiệm dân sự, bảo đảm tốt nhất quyền được bồi thường thiệt hại kịp thời.
Một trong những nhiệm vụ của việc giải quyết vụ án hình sự là giải quyết quyền được bồi thường thiệt hại của người bị hại do hành vi phạm tội gây ra. Tức là, đồng thời với việc truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội thì Tòa án phải giải quyết trách nhiệm dân sự, trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người do tội phạm gây ra. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 28 BLTTHS năm 20103, trong trường hợp vụ án hình sự phải giải quyết vấn đề bồi thường, bồi hoàn mà chưa có điều kiện chứng minh và không ảnh hưởng đến giải quyết vụ án hình sự thì có thể tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Nói cách khác, việc tách vấn đề dân sự ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự là biện pháp cuối cùng, trên tinh thần bảo đảm kịp thời quyền được bồi thường thiệt hại cho người bị hại một cách kịp thời, nhanh chóng và đầy đủ.
Khi giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại, trước hết, Thẩm phán cần tạo điều kiện để các đương sự thỏa thuận việc bồi thường, động viên, khuyến khích bị cáo, bị đơn dân sự tự nguyện bồi thường cho người bị hại trước khi xét xử. Nếu thỏa thuận thành công tức là đã đạt được mục tiêu kép, người phạm tội sẽ được xem xét giảm nhẹ hình phạt do tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả, còn người bị hại sớm được đảm bảo quyền bồi thường, khắc phục phần nào hậu quả mà tội phạm đã gây ra.
Đây cũng là một kỹ năng mềm, bởi tổ chức cho các đương sự thương lượng, thỏa thuận và tự nguyện bồi thường trước khi xét xử không phải là thủ tục tố tụng bắt buộc trong xét xử vụ án hình sự (trong vụ án dân sự thì hòa giải là thủ tục bắt buộc). Cho nên, thẩm phán phải hết sức linh hoạt trong áp dụng nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và tố tụng dân sự, đó là nguyên tắc tự định đoạt tài sản của đương sự. Khi chuẩn bị xét xử vụ án hình sự, Thẩm phán tổ chức cho các bên đương sự gặp gỡ, trao đổi, giải thích pháp luật về quyền tự định đoạt của đương sự, quyền tự thỏa thuận mức bồi thường và phương thức bồi thường để các đương sự tự quyết định, miễn là sự thỏa thuận đó không trái pháp luật và không trái đạo đức. Hoặc ngay tại phiên tòa, Thẩm phán hỏi về nguyện vọng thương lượng của đương sự, nếu có yêu cầu, chủ tọa có thể cho tạm ngừng phiên tòa để tạo điều kiện về thời gian cho các bên đương sự trao đổi và thương lượng. Nếu thương lượng thành công, số tiền thỏa thuận bồi thường cao hơn mức bồi thường theo pháp luật là phổ biến; và người bị hại sẽ sớm nhận được khoản tiền bồi thường.
Để kỹ năng này thu được hiệu quả tốt, đòi hỏi thẩm phán có trách nhiệm cao trong công việc, có năng lực thực tiễn và trình độ chuyên môn vững vàng, có hiểu biết xã hội sâu sắc, tôn trọng các quyền của đương sự, bị cáo. Khi đó, việc giải quyết các vấn đề dân sự của vụ án hình sự sẽ đơn giản hơn rất nhiều, hạn chế thấp nhất kháng cáo, làm giảm thiểu phiên tòa phúc thẩm do bản án bị kháng cáo, kháng nghị về dân sự.
Năm là, áp dụng các quy định có lợi cho người phạm tội trong Bộ luật hình sự 2015 (khi bộ luật này chưa có hiệu lực) song song với việc bảo đảm lợi ích cho người bị hại
Ngày 27 tháng 11 năm 2015, Quốc hội khóa XIII đã thông qua BLHS năm 2015 và được Chủ tịch nước công bố 09 tháng 12 năm 2015; nhưng hiệu lực thi hành đã bị lùi lại. Tuy nhiên, căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 7 về hiệu lực của BLHS và các Nghị quyết 109, 144 của Quốc hội khóa XIII thì, một số quy định có lợi cho người phạm tội sẽ được áp dụng kể từ ngày BLHS được công bố hoặc từ ngày 01 tháng 7 năm 2016. Trong đó, một số nội dung vừa có lợi cho người phạm tội, vừa bảo đảm tốt hơn quyền của người bị hại. Ví dụ như: Khoản 3 Điều 29 quy định “Người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác và được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự”. Như vậy, người bị hại sẽ có lợi thế trong thương lượng, thỏa thuận và có cơ hội “làm phúc” cho người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự. Thông qua đó, quan hệ giữa người bị hại và bị cáo được giải quyết dễ dàng hơn mà lợi ích của các bên đều đạt được.
Khi áp dụng các quy định có lợi này, Thẩm phán cần có sự linh hoạt để áp dụng không chỉ có lợi cho người phạm tội mà còn làm lợi hơn cho người bị hại. Ví dụ như: Quy định về việc nếu người bị hại tự nguyện rút đơn yêu cầu khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì bị can, bị cáo được đình chỉ vụ án (theo BLTTHS năm 2003), được miễn trách nhiệm hình sự (theo BLTTHS năm 2015). Hoặc trong trường hợp người bị hại xin miễn trách nhiệm hình sự hoặc xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo thì bị cáo sẽ được xem xét giảm nhẹ hình phạt. Để có căn cứ áp dụng các quy định này, Thẩm phán có thể động viên bị cáo, gia đình bị cáo tự nguyện bồi thường thiệt hại, thể hiện thái độ ăn năn hối cải để giải tỏa bức xúc cho gia đình người bị hại, từ đó có cơ hội được người bị hại xin giảm nhẹ. Đây cũng là kỹ năng không chỉ mang tính nghề nghiệp mà còn phản ánh giá trị nhân văn trong hoạt động tư pháp.
Sáu là, tạo điều kiện tốt nhất để người bị hại có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp tại phiên tòa, bảo đảm quyền được trợ giúp miễn phí khi người bị hại thuộc đối tượng được hưởng chính sách trợ giúp pháp lý miễn phí của Nhà nước.
Trong điều kiện hiểu biết pháp luật nói chung của nhân dân còn hạn chế thì để bảo vệ tốt nhất quyền của người bị hại trong tố tụng hình sự, thẩm phán cần tạo điều kiện thuận lợi khi họ yêu cầu nhờ (thuê) người bảo vệ trong quá trình tố tụng; hướng dẫn và tạo điều kiện để người bị hại mời Luật sư, Trợ giúp viên pháp lý. Đặc biệt, cần chú ý đặc điểm nhân thân người bị hại. Nếu thuộc diện được hưởng trợ giúp miễn phí của Nhà nước (như người bị hại chưa thành niên, phụ nữ, trẻ em là nạn nhân của bạo hành, xâm hại nhân phẩm, người nghèo, người thuộc diện chính sách, người có công với cách mạng…) thì Thẩm phán phải chủ động yêu cầu Tung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước địa phương cử Luật sư hoặc Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng để giúp đỡ và bảo vệ quyền lợi cho họ (Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT-BTP-BCA-BQP- BTC-VKSNDTC-TANDTC về việc hướng dẫn thực hiện một số quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng).
Bảy là, bảo đảm quyền kháng cáo, quyền yêu cầu thi hành án về bồi thường thiệt hại của người bị hại và quyền được thanh toán tiền tàu xe, bồi dưỡng phiên tòa của người làm chứng
Để giúp người bị hại được hưởng đầy đủ quyền kháng cáo, quyền yêu cầu thi hành án đối với khoản tiền được bồi thường, sau khi tuyên án, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa cần giải thích cho người bị hại biết quyền kháng cáo và thời hạn thực hiện quyền kháng cáo theo luật định (15 ngày kể từ ngày tuyên án nếu họ có mặt tại phiên tòa, 15 ngày kể từ ngày được giao bản án hoặc niêm yết bản án tại nơi cư trú cuối cùng nếu họ vắng mặt tại phiên tòa), thời hạn yêu cầu thi hành án sau khi bản án có hiệu lực pháp luật. Điều này rất có ý nghĩa đối với việc thực hiện các quyền của người bị hại sau khi Tòa án phán quyết.
Trong trường hợp người bị hại kháng cáo quá hạn, Thẩm phán được giao giải quyết vụ án cần nghiên cứu một cách có trách nhiệm, yêu cầu Tòa án cấp sơ thẩm xác minh nguyên nhân khách quan dẫn đến người bị hại kháng cáo quá hạn, nếu thấy việc xác minh chưa thận trọng thì có thể yêu cầu xác minh bổ sung. Nếu có lý do chính đáng hoặc vì trở ngại khách quan mà người bị hại kháng cáo quá hạn thì quyết định chấp nhận kháng cáo quá hạn (Hội đồng gồm ba thẩm phán). Trong nhiều trường hợp, việc giải quyết thấu đáo các kháng cáo quá hạn sẽ hạn chế việc khiếu nại giám đốc thẩm kéo dài, bảo đảm quyền được xét xử hai cấp của người bị hại.
Về quyền được thanh toán tiền đi lại, tàu xe và các chi phí khác của người làm chứng, đây là vấn đề nhạy cảm, rất ít người làm chứng chủ động yêu cầu Tòa án thanh toán. Vì vậy, khi giải thích quyền và nghĩa vụ của người làm chứng, Thẩm phán giải thích để người làm chứng biết quyền này và hướng dẫn họ gặp Thư ký sau khi kết thúc phiên tòa để được thanh toán chi phí đi lại và bồi dưỡng phiên tòa, đồng thời nhắc nhở Thư ký chủ động thanh toán theo chế độ quy định ngay sau khi kết thúc phiên tòa, tuyệt đối không gây khó khăn, trở ngại hoặc bớt xén chế độ của họ.
Tóm lại, trong bất kỳ hoạt động tố tụng nào, ngoài yêu cầu truy tố và xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, bảo vệ kịp thời người đã bị tội phạm xâm hại, phụng công thủ pháp, chí công vô tư thì, Điều tra viên, Kiểm sát viên, đặc biệt là Thẩm phán cần cần nêu cao ý thức trách nhiệm bảo vệ và phục vụ Nhân dân. Đó là yếu tố cốt lõi hình thành nên tác phong công tác và lề lối làm việc chuyên nghiệp, hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc đấu tranh phòng, chống tội phạm và bảo bảo vệ công lý.
[1] Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về “Một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới”, tr. 2.
[2] Xem: Bộ luật tố tụng hình sự, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, Điều 7.
[3] Xem: Thông tư liên tịch số 13/TTLT-BCA-BQP-VKSNDTC-TANDTC NGÀY 26/12/2013 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao Hướng dẫ thực hiện một số quy định của BLTTHS năm 2003 về bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tố giác tội phạm, người làm chứng, người bị hại và người thân thích của họ trong tố tụng hình sự, Điều 4.
[4] Xem: Thông tư liên tịch số 13/TTLT-BCA-BQP-VKSNDTC-TANDTC NGÀY 26/12/2013 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao Hướng dẫ thực hiện một số quy định của BLTTHS năm 2003 về bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tố giác tội phạm, người làm chứng, người bị hại và người thân thích của họ trong tố tụng hình sự, Điều 6.