BÀN VỀ TƯ CÁCH TỐ TỤNG CỦA NGÂN HÀNG, TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO TỘI PHẠM …

BÀN VỀ TƯ CÁCH TỐ TỤNG CỦA NGÂN HÀNG, TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO TỘI  PHẠM …

BÀN VỀ TƯ CÁCH TỐ TỤNG CỦA NGÂN HÀNG, TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO TỘI PHẠM GÂY RA VÀ TRÁCH NHIỆM THANH TOÁN TIỀN GỬI
TIẾT KIỆM CHO KHÁCH HÀNG

Luật sư Nguyễn Thị Tuyết
PGĐ. Công ty Luật TNHH Trung Cường
Đoàn LS. TP. Hà Nội

Trong thời gian vừa qua, đã có khá nhiều các vụ án hình sự được Tòa án Nhân dân các cấp đã đưa ra xét xử mà hành vi phạm tội xảy ra trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng (NH). Một trong các tội phổ biến đó là “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Trong các quan hệ pháp luật hình sự này, đã xuất hiện nhiều chủ thể Bị can, Bị cáo là nhân viên chăm sóc khách hàng (KH) lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng gửi tiền tiết kiệm. Khi điều tra, truy tố, xét xử các vụ án này, đã có nhiều quan điểm khác nhau về việc xác định tư cách bị hại cũng như trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trách nhiệm thanh toán thẻ tiết kiệm của khách hàng khi bị nhân viên chăm sóc khách hàng chiếm đoạt tiền mang tên chủ thẻ tiết kiệm. Trong bài viết này, chúng tôi xin nêu ra các quan điểm khác nhau đó và có đôi điều bình luận.
Như chúng ta đã thấy, trong hoạt động kinh doanh tiền tệ, chăm sóc khách hàng được xác định là một trong các kỹ năng mềm nhằm thu hút được nhiều khách gửi tiền vào NH. Đó là nghệ thuật kinh doanh phù hợp với cơ chế thị trường mà nhiều NH vận dụng. Tại các NH, khách VIP thường được lãnh đạo Ngân hàng phân công nhân viên chăm sóc rất kỹ lưỡng. Nhiều trường hợp, khách không cần phải đến Ngân hàng mà vẫn thực hiện được các giao dịch tín dụng. Theo đó, nhân viên chăm sóc khách hàng chuẩn bị sẵn thủ tục, chứng từ đưa tới tận nhà để họ ký, mang máy đếm tiền tận nhà để nhận tiền khi gửi, giao tiền khi rút. Họ thực sự được “cưng chiều” hết cỡ. Chính vì sự cưng chiều đó mà nhân viên chăm sóc khách hàng được phép bỏ qua một số thủ tục hành chính do NH quy định, miễn là được việc cho cả đôi bên.
Lợi dụng cơ chế “đặc biệt linh hoạt” đó, một số nhân viên chăm sóc khách hàng đã lợi dụng lòng tin của khách VIP, dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tiền của họ. Mà với các thượng khách này, một khi đã bị lợi dụng, thì số tiền mà người phạm tội chiếm đoạt được thường rất cao, nhiều trường hợp lên tới hàng chục tỷ đồng; thiệt hại gây ra cho khách hàng rất lớn, và NH cũng gặp không ít rắc rối, phức tạp khi giải quyết khoản tiền mà tội phạm chiếm đoạt cũng như việc thanh toán tiền tiết kiệm cho khách, uy tín doanh nghiệp bị giảm sút.
Thông qua một số vụ án cụ thể trong thực tế, chúng tôi tạm phân chia các hành vi phạm loại tội này thành ba dạng sau đây:
Dạng thứ nhất: Người phạm tội làm giả thủ tục tất toán thẻ tiết kiệm của khách hàng, giả chữ ký chủ sở hữu thẻ tiết kiệm rồi thay mặt chủ thẻ rút tiền tiết kiệm và chiếm đoạt luôn số tiền đó. Ví dụ: Phạm Thị Thanh H là nhân viên chăm sóc khách hàng của Ngân hàng B. Do có quen biết và thường xuyên chăm sóc khách hàng Trần T nên H biết rõ anh T gửi số tiền tiết kiệm như thế nào, số sổ ra sao, chữ ký như thế nào. Vì vậy, H đã giả chữ ký của anh T, nói với giao dịch viên, kiểm soát viên của ngân hàng B rằng anh Trần T muốn tất toán thẻ tiết kiệm số tiền 2,8 tỷ VNĐ. Do H đã nhiều lần thay mặt anh T gửi và nhận, rút tiền nên các nhân viên ngân hàng B hoàn toàn tin tưởng việc anh T nhờ H rút tiền tiết kiệm là sự thật, không mảy may nghi ngờ, không kiểm tra kỹ chữ ký của anh T và đã làm thủ tục tất toán thẻ TK cho anh T (cho H nợ lại thẻ tiết kiệm hôm sau nộp trả). Rút được tiền, H đã chiếm đoạt toàn bộ 2,8 tỷ đồng của anh T.
Dạng thứ hai: Người phạm tội đưa ra thông tin giả dối với khách hàng, thuyết phục khách hàng đồng ý rút tiền tiết kiệm để chuyển sang một hình thức tín dụng khác. Sau khi được khách hàng đồng ý rút tiền, ký vào các thủ tục, chứng từ rút tiền mà nhân viên chăm sóc KH chuẩn bị sẵn, thì người phạm tội (nhân viên chăm sóc KH) thay mặt khách làm thủ tục tất toán sổ tiết kiệm rồi chiếm đoạt luôn số tiền đó. Ví dụ: tại Ngân hàng V chi nhánh Thanh Hóa, Nguyễn Văn T là nhân viên chăm sóc khách hàng, đã nhiều năm thường xuyên thay mặt khách hàng Nguyễn Gia P và Hoàng Thị G làm thủ tục thực hiện các giao dịch tín dụng trong việc gửi tiền và rút tiền. Lòng tin giữa họ với nhau gần như tuyệt đối và các nhân viên chi nhánh NH V biết rõ điều này. Sau khi giúp ông P và bà G gửi tiền tiết kiệm ( ông P gửi 4 tỷ và của bà G gửi 6 tỷ), lợi dụng lòng tin của khách, nhằm chiếm đoạt tiền của ông P và bà G, Nguyễn Văn T đã nói với ông P và bà G rằng hiện nay Ngân hàng V đang thực hiện chính sách gửi tiền theo hình thức “hợp đồng tiền gửi” với lãi suất cao hơn, ông bà nên tất toán thẻ tiết kiệm và chuyển sang gửi theo loại này. Tin vào lời T nói, ông P và bà G đồng ý ký giấy tờ tất toán thẻ tiết kiệm rồi giao cho T để T làm thủ tục rút tiền và gửi lại tiền vào NH theo hình thức “Hợp đồng tiền gửi”. Để ông P và bà G hoàn toàn yên tâm, T còn đưa cho ông P và bà G mỗi người một bản “Hợp đồng tiền gửi” có ghi đầy đủ thông tin với số tiền đúng bằng số tiền mà T sẽ rút từ thẻ tiết kiệm. Tuy nhiên, đây là hợp đồng giả được T giả chữ ký Phó Giám đốc chi nhánh ngân hàng V rồi T lấy trộm dấu của Chi nhánh Ngân hàng, dấu chức vụ của Phó Giám đốc Ngân hàng đóng vào chữ ký giả đó. Ông P và bà G tin rằng tiền của mình sẽ được T gửi vào ngân hàng V hưởng lãi xuất cao hơn, nhưng khi ông P và bà G yêu cầu rút tiền thì T mới tự thú việc mình đã không gửi tiền cho khách vào NH và đã tiêu sài hết.
Dạng thứ ba: Người phạm tội (là nhân viên chăm sóc khách hành) nhận tiền rồi làm thủ tục cho khách hàng gửi tiền, trả cho khách thẻ tiết kiệm giả, nhưng thực tế, tiền của khách không được gửi vào NH. Để che đạy hành vi gian dối chiếm đoạt tiền của khách, hàng tháng hoặc định kỳ, người phạm tội vẫn trả lãi cho khách đều đặn theo đúng nội dung gửi tiền mà khách hàng đã lựa chọn. Chỉ đến khi khách hàng yêu cầu rút tiền gốc thì mới phát hiện ra tiền của mình đã bị chính nhân viên chăm sóc khách hàng chiếm đoạt.
Ví dụ: tại Ngân hàng T, chi nhánh Lào Cai, Nguyễn Thị Đ là nhân viên chăm sóc KH. Nguyễn Thị Đ và Hoàng Thị S là bạn thân với nhau. Quá tin tưởng Đ nên S vẫn thường giao tiền cho Đ để gửi tiết kiệm tại ngân hàng. Đ nhận 6 tỷ đồng của S gửi và Đ giao cho S một thẻ tiết kiệm ghi số tiền 6 tỷ với lãi suất theo quy định của NH. Nhưng sau đó, Đ chỉ gửi 100 triệu vào NH, còn 5,9 tỷ đồng, Đ chiếm đoạt của S. Nhằm che đạy hành vi phạm tội, Đ mượn lại thẻ tiết kiệm ghi số tiền 6 tỷ của S, rồi sửa số tiền 6 tỷ thành con số 100 triệu (đóng dấu của NH xác nhận sửa chữa) lưu tại NH, còn Đ giao cho S thẻ tiết kiệm giả vẫn ghi số tiền 6 tỷ. Cầm Thẻ tiết kiệm giả nhưng chị S không hề biết mà vẫn tin tưởng tiền của mình vẫn đang an toàn trong tài khoản tiết kiệm.
Hoặc một dạng tương tự khác: Sau khi nhận tiền gửi, nhân viên chăm sóc KH và chủ sở hữu tiền gửi thống nhất sử dụng một cái tên của người khác, rồi nhân viên chăm sóc KH ký giả chữ ký người gửi và gửi tiền tiết kiệm vào NH (do khách hàng không muốn công khai tên mình gửi tiền). Sau một thời gian, chính nhân viên chăm sóc KH đó lại tự ý rút tiền tất toán thẻ tiết kiệm rồi chiếm đoạt toàn bộ số tiền đó. Do không giám sát được nên chủ sở hữu số tiền đó cũng không biết tiền của mình đã bị rút ra khỏi NH.
Ví dụ: Tại ngân hàng B chi nhánh Hà Tĩnh, nhân viên chăm sóc khách hàng Huỳnh Văn M có quan hệ thân quen nhiều năm đã với chị Trần Thị H, khách hàng thường xuyên của Ngân hàng. M luôn là người được chị H giao thay mặt thực hiện giao dịch tín dụng với NH. Tuy nhiên, khi gửi tiền vào NH, chị H không bao giờ sử dụng tên mình mà thường lấy tên của em gái (chứng minh thư của em gái) tên L. Chị L cũng không hề biết mình có số tiền 7 tỷ đồng gửi tại NH. Chữ ký của L trong các thủ tục gửi tiền đều do M ký giả. Chính vì vậy, lợi dụng chị H không thường xuyên quan tâm giám sát việc gửi tiền nên M đã tự tất toán sổ tiết kiệm mang tên chị L và chiếm đoạt toàn bộ 7 tỷ đồng của chị H.
Khi xác định tư cách bị hại và giải quyết trách nhiệm bồi thường, trách nhiệm thanh toán thẻ tiết kiệm, những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã có các quan điểm trái chiều như sau:
Quan điểm thứ nhất xác định: NH chính là người bị hại trong tất cả các dạng tội phạm nêu trên, còn khách hàng gửi tiết kiệm chỉ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Cho nên, trong mọi trường hợp, bị cáo sẽ phải bồi thường số tiền đã chiếm đoạt cho NH, còn các giao dịch tín dụng giữa NH và khách vẫn phải được bảo đảm, các quyền và nghĩa vụ chủ thể trong quan hệ tín dụng được giữ nguyên hiệu lực. Theo đó, Ngân hàng phải thanh toán tiền gửi cho khách theo quy định. Căn cứ mà quan điểm này đưa ra là: Chính các nhân viên Ngân hàng đã làm sai quy trình khi cho phép nhân viên chăm sóc khách hàng rút tiền của khách hàng mà không có văn bản ủy quyền.
Xét ở góc độ khác, nhân viên NH chính là người của pháp nhân là NH. Khi giao dịch với người gửi tiền, họ chính là người đại diện của NH, nhân danh NH làm việc với khách. Dù rằng khách hàng đồng ý tất toán thẻ tiết kiệm và ký vào thủ tục tất toán, KH cũng giao thẻ tiết kiệm cho nhân viên chăm sóc KH, nhưng thực tế khách không trực tiếp đến tất toán, cũng không làm giấy ủy quyền cho nhân viên chăm sóc KH thay mình tất toán. Vậy mà, nhân viên (giao dịch viên, kiểm soát viên) vẫn cho tất toán. Đó là hành vi vi phạm quy định trong lĩnh vực tín dụng.
Nếu nhân viên NH thực hiện đúng thủ tục thì người phạm tội sẽ không thể có cơ hội chiếm đoạt được tiền của khách hàng. Hay nói cách khác, NH là đối tượng bị người phạm tội lừa dối để rút tiền nên chính NH là người bị hại và NH phải chịu trách nhiệm về hành vi của nhân viên thuộc quyền khi họ chăm sóc khách hàng. Theo đó, NH phải trả tiền cho khách hàng đầy đủ cả gốc và lãi, còn người phạm tội có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho NH.
Quan điểm thứ hai phân biệt tư cách tố tụng của người gửi tiền và ngân hàng trên cơ sở tính chất hành vi phạm tội. Cụ thể:
Ở hai dạng phạm tội thứ nhất và thứ hai, quan điểm này cho rằng NH chính là người bị hại, còn khách hàng là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Theo đó, dù người phạm tội tất toán thẻ tiết kiệm bằng thủ tục, chứng từ giả hay thủ tục, chứng từ thật thì về nguyên tắc, NH chỉ được tất toán, cho khách rút tiền nếu khách hàng trực tiếp đến giao dịch, hoặc ủy quyền bằng văn bản cho nhân viên NH thay mặt tất toán. Nếu không có thủ tục ủy quyền bằng văn bản thì, trong mọi trường hợp vắng mặt khách hàng mà nhân viên NH vẫn cho tất toán rút tiền thì lỗi để tiền của khách bị tội phạm chiếm đoạt thuộc về các giao dịch viên, kiểm soát viên (vi phạm quy định nội bộ của NH). Nói cách khác, người phạm tội đã lừa dối nhân viên NH chứ không lừa khách. Do đó, NH được xác định là bị hại, sẽ được người phạm tội bồi thường, còn quan hệ tín dụng giữa NH và khách hàng vẫn có hiệu lực. Nếu khách hàng có nhu cầu tất toán thì NH phải trả đủ cả gốc và lãi theo nội dung thể hiện trong thẻ tiết kiệm.
Đối với dạng hành vi phạm tội thứ ba, quan điểm này xác định Ngân hàng không liên quan, đó chỉ là quan hệ độc lập giữa cá nhân người phạm tội với khách hàng, trong đó, người phạm tội là nhân viên chăm sóc KH đã lợi dụng ngân hàng như một “bình phong” để che đạy hành vi phạm tội.
Quan điểm thứ ba cho rằng: Những hành vi tất toán thẻ tiết kiệm bằng thủ tục, chứng từ thật với chữ ký thật của khách hàng (chủ sở hữu khoản tiền trong thẻ tiết kiệm) thì chử sở hữu khoản tiền tiết kiệm chính là người bị hại, còn NH tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tới vụ án.
Ngược lại, đối với hành vi phạm tội mà người phạm tội đã sử dụng thủ tục, chứng từ giả với chữ ký giả của khách hàng để tất toán thẻ tiết kiệm sau đó chiếm đoạt số tiền đã rút thì NH chính là người bị hại, còn khách hàng là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tới vụ án. Trong trường hợp này, quan hệ tín dụng giữa Ngân hàng và chủ sở hữu thẻ tiết kiệm vẫn giữ nguyên hiệu lực. NH có trách nhiệm thanh toán toàn bộ khoản tiền lãi và gốc cho khách theo yêu cầu. Người phạm tội sẽ phải bồi thường toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt cho Ngân hàng.
Đối với các trường hợp phạm tội thuộc dạng thứ ba (người phạm tội nhận tiền của khách rồi chiếm đoạt luôn mà không gửi tiết kiệm, hoặc người phạm tội sử dụng tên người khác để gửi tiết kiệm rồi sau đó rút tiền và chiếm đoạt), quan điểm này đồng tình với ý kiến của quan điểm thứ hai, tức là người phạm tội sử dụng danh nghĩa NH như một thủ đoạn phạm tội, dùng Ngân hàng như một “bình phong” để che đạy hành vi phạm tội, hoặc lén lút rút tiền khỏi ngân hàng để chiếm đoạt. Cho nên, khách hàng là người bị hại. Và người phạm tội phải bồi thường thiệt hại cho họ.
Chúng tôi đồng tình với quan điểm thứ ba và xin phân tích thêm về cơ sở lý luận của quan điểm này như sau:
Đối với dạng hành vi thứ nhất, người phạm tội làm giả thủ tục tất toán thẻ tiết kiệm của khách hàng, giả chữ ký chủ sở hữu thẻ tiết kiệm rồi thay mặt khách rút tiền tiết kiệm (nợ thẻ tiết kiệm) và chiếm đoạt luôn số tiền đó. Trong trường hợp này, người phạm tội sử dụng thủ tục mang tên chủ sở hữu thẻ tiết kiệm như một “bình phong” để chiếm đoạt tiền của ngân hàng. Các nhân viên làm nhiệm vụ giao dịch viên, kiểm soát viên đều bị người phạm tội “qua mặt”, lừa dối khi dùng chữ ký giả của chủ thẻ tiết kiệm để rút tiền. Trong khi chủ thẻ tiết kiệm không hề hay biết khoản tiền tiết kiệm của mình đã “không cánh mà bay”, nhưng thẻ tiết kiệm vẫn trong tay chủ. Rõ ràng, số tiền bị người phạm tội chiếm đoạt chính là tài sản thuộc quyền sở hữu của ngân hàng, nên ngân hàng chính là người bị hại. Do đó, người phạm tội phải bồi thường thiệt hại cho NH, nhưng NH phải thanh toán toàn bộ số tiền tiết kiệm ghi trong thẻ, bao gồm cả gốc và lãi theo lãi xuất đã thỏa thuận nếu chủ thẻ có yêu cầu.
Đối với dạng hành vi thứ hai, người phạm tội lợi dụng lòng tin của khách hàng, đưa ra thông tin giả dối rằng rút tiền tiết kiệm để chuyển sang hình thức “Hợp đồng gửi tiền” có lãi xuất cao hơn, nên khách hàng tin và ký giấy tất toán, ký vào một bên chủ thể trong Hợp đồng tiền gửi, giao thẻ tiết kiệm cho người phạm tội, để người phạm tội thay mình tất toán thẻ tiết kiệm; sau đó bị người phạm tội chiếm đoạt tiền. Trong trường hợp này, việc rút tiền ra khỏi Ngân hàng (tát toán thẻ TK) chính là ý chí chủ quan của chủ thẻ, nên chủ sở hữu thẻ tiết kiệm chính là người bị hại. Bởi vì, việc các nhân viên NH cho rút tiền, tất toán thẻ tiết kiệm là phù hợp với ý chí chủ quan của chủ sở hữu số tiền trong thẻ tiết kiệm (để chuyển sang hình thức “hợp đồng tiền gửi” có lãi xuất cao hơn – nên chính họ đã ký vào một bên chủ thể của Hợp đồng tiền gửi). Chữ ký xin rút tiền của chủ thẻ là nguyên nhân trực tiếp tạo cơ hội cho người phạm tội chiếm đoạt được tiền. Giả sử nhân viên ngân hàng không cho người phạm tội thay chủ sở hữu rút tiền trong thẻ thì chủ sở hữu sẽ trực tiếp đến ngân hàng rút tiền để giao cho người phạm tội vì họ đã ký vào “hợp đồng tiền gửi” để hưởng lãi xuất cao hơn. Chỉ có điều, chủ sở hữu thẻ tiết kiệm không hề biết rằng, đó là “hợp đồng tiền gửi” giả. Do vậy, dù người phạm tội nhận tiền từ nhân viên ngân hàng hay từ chủ sở hữu thì mục đích xuyên suốt của người phạm tội là chiếm đoạt tiền của chủ sở hữu thẻ tiết kiệm đã thể hiện ngay từ khi đưa ra “lời khuyên” rút tiền để gửi theo hình thức “hợp đồng tiền gửi”. Điều đó cho thấy, hành vi vi phạm thủ tục rút tiền chỉ là điều kiện đẩy nhanh đến hậu quả của tội phạm (chủ sở hữu thẻ tiết kiệm bị chiếm đoạt tài sản), nguyên nhân thực sự dẫn đến tiền của chủ thẻ bị chiếm đoạt là chủ thẻ tiết kiệm quá tin vào thông tin gian dối mà người phạm tội đưa ra, từ đó đồng ý rút tiền, tạo cơ hội “ngàn vàng” cho người phạm tội tiếp cận được tài sản của mình và chiếm đoạt nó. Vì vậy, chủ sở hữu thẻ tiết kiệm chính là người bị hại và theo quy định của pháp luật dân sự, họ sẽ được người phạm tội bồi thường toàn bộ. Còn quan hệ tín dụng giữa họ và ngân hàng đã chấm dứt theo đúng ý chí của chủ sở hữu khoản tiền tiết kiệm. Việc tất toán thẻ tiết kiệm cho khách hàng với thủ tục đầy đủ và chữ ký thật của chủ sở hữu là trách nhiệm, nghĩa vụ của ngân hàng đối với quyền của chủ sở hữu tài sản mà ngân hàng có nghĩa vụ tôn trọng. Nhân viên giao dịch, kiểm soát của ngân hàng không bị người phạm tội lừa dối. Thủ tục tất toán mà họ tiếp nhận đều là tài liệu thật với chữ ký thật của chủ sở hữu thẻ tiết kiệm. Chỉ có điều, khi chủ sở hữu thẻ tiết kiệm không trực tiếp rút tiền, cũng không ủy quyền cho người khác rút tiền nhưng các nhân viên NH vẫn cho người phạm tội rút tiền, tất toán thẻ tiết kiệm là hành vi vi phạm quy định nội bộ của Ngân hàng.
Đối với dạng hành vi sử dụng một tên khách hàng không phải là chủ sở hữu tiền gửi, do nhân viên NH ký giả chữ ký người gửi rồi gửi tiền tiết kiệm vào NH; sau đó bị chính nhân viên NH đó tự ý rút tiền tất toán thẻ tiết kiệm rồi chiếm đoạt toàn bộ; đây cũng là trường hợp chủ sở hữu tiền gửi bị lừa dối và họ chính là người bị hại. Bởi tiền của họ gửi vào ngân hàng không “danh chính” mang tên họ mà mang tên một người khác (người này không hay biết mình có tiền gửi ngân hàng). Rồi chính nhân viên chăm sóc khách hàng (người phạm tội) đã rút tiền bằng chính chữ ký mà họ ký khi gửi tiền (được lưu tại NH). Khi chữ ký rút tiền đúng là chữ ký của người gửi được lưu lại trong hệ thống ngân hàng thì các nhân viên ngân hàng có trách nhiệm cho họ rút tiền là điều đương nhiên. Tuy có sự vi phạm nhất định trong thủ tục gửi tiền và rút tiền nhưng rõ ràng, quan hệ tín dụng đối với số tiền này đã chấm dứt. Về mặt pháp lý, ngân hàng và chủ sở hữu thực sự của số tiền gửi không tồn tại bất cứ một mối quan hệ tín dụng nào. Cho nên, ngân hàng không có trách nhiệm trong việc chủ sở hữu khoản tiền đã từng gửi ngân hàng dưới cái tên khác bị nhân viên chăm sóc khách hàng chiếm đoạt. Vì vậy, chủ sở hữu khoản tiền gửi tiết kiệm chính là người bị hại (người phạm tội cũng thừa nhận đã rút tiền và chiếm đoạt sau khi rút tiền).
Đối với hành vi sử dụng Ngân hàng như một bình phong che đậy hành vi chiếm đoạt tiền của người khác, người phạm tội (là nhân viên chăm sóc khách hành) làm thủ tục cho khách hàng gửi tiền, nhưng thực tế, họ không gửi tiền của khách vào ngân hàng mà cấp cho khách hàng một thẻ tiết kiệm giả ghi số tiền và thông tin tiền gửi đúng như yêu cầu của khách. Do người phạm tội vẫn đều đặn trả lãi cho chủ sở hữu khoản tiền đó, nên người có tiền không phát hiện được tiền của mình không tồn tại trong tài khoản tiết kiệm ngân hàng. Vì vậy, ngân hàng không phải chịu trách nhiệm về khoản tiền mà khách đưa cho nhân viên chăm sóc khách hàng rồi bị chiếm đoạt.Cho nên, chủ sở hữu khoản tiền đó chính là người bị hại. Theo pháp luật dân sự, họ sẽ được người phạm tội bồi thường toàn bộ.
Trên đây là ý kiến của chúng tôi về việc xác định tư cách tố tụng, làm cơ sở xác định trách nhiệm bồi thường và nghĩa vụ thanh toán. Rất mong được các đồng nghiệp và bạn bè fb trao đổi.
Địa chỉ liên lạc: Nguyễn Thị Tuyết, 1706 Tòa N01 – T4, Khu đô thị Ngoại giao đoàn, Xuân Tảo, Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Số ĐT 0982211062.
??

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *