
TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc TH |
NHÂN DANH NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI |
– Thành phần Hội đồng xét xử gồm có:
Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa: Ông Đặng Bảo Vĩnh;
Các Thẩm phán: Ông Đặng Văn Hưng;
Ông Vũ Minh Tuấn.
- Thư ký phiên tòa: Bà Hoàng Thị Thu Hoài, Thư ký Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội.
– Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội tham gia phiên tòa:
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Kiểm sát viên.
Ngày 16 tháng 7 năm 2018, tại trụ sở Toà án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số: 48/2018/TLPT- KDTM, ngày 26 tháng 12 năm 2017 về việc “Tranh chấp hợp đồng mua bán phần mềm tin học trong lĩnh vực công nghệ thông tin”.
Do Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 20/2017/KDTM-ST, ngày 30 tháng 9 năm 2017 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 4156/2018/QĐ-PT, ngày 02 tháng 7 năm 2018 giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Công ty M.
Trụ sở chính: 18 Boon Lay Way. TradeHub21#06-111, Singapore 609966.
Người đại diện theo pháp luật: Bà Han Juat H1 – Giám đốc.
Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Duy L, sinh năm 1970 và bà Dương Thị Thu H2, sinh năm 1981; có mặt bà H2.
Địa chỉ liên hệ: Công ty Luật TNHH Q, Phố L, thành phố Hà Nội.
- Bị đơn: Công ty Cổ phần C;
Trụ sở ĐKKD: Phường T, quận B, thành phố Hà Nội.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Đào Xuân A – Giám đốc.
Nơi đăng ký HKTT và chỗ ở: Phường X, quận T, thành phố Hà Nội.
Người đại diện theo ủy quyền: Ông Ngô Trung K, sinh năm 1976; HKTT: Thị trấn V, huyện V, tỉnh Hà Giang; có mặt.
Địa chỉ liên hệ: Đường N, thành phố H, tỉnh Hà Giang.
- Người kháng cáo: Nguyên đơn Công ty M.
NỘI DUNG VỤ ÁN:
Theo đơn khởi kiện, nguyên đơn trình bày:
Ngày 18/02/2013, Công ty Cổ phần C (sau đây gọi là Công ty C) có đơn đặt hàng gửi Công ty M (sau đây gọi là Công ty M) để mua hàng hóa thiết bị là phần mềm và phần cứng về mã hoá chữ ký điện tử và xác thực chữ ký điện tử cùng với các dịch vụ liên quan của Công ty M để bán lại cho Ban quản lý Dự án phát triển Công nghệ Thông tin và Truyền thông tại Việt Nam – Bộ Thông tin và Truyền thông.
Theo thoả thuận, Công ty C sẽ trả cho Công ty M 100% số tiền là 227.618 USD cho việc mua bán hàng hoá và dịch vụ trên bằng hình thức chuyển khoản vào tài khoản của Công ty M ngay sau khi sản phẩm cung cấp được chấp nhận bởi người dùng cuối cùng.
Sau khi nhận hàng hóa, thiết bị và dịch vụ từ Nguyên đơn, Bị đơn đã lắp đặt các hàng hóa, thiết bị và cung cấp các dịch vụ này cho hạng mục Hệ thống Thông tin Chứng chỉ Gốc (the Root CA Information System) của Ban quản lý Dự án phát triển Công nghệ Thông tin và Truyền thông tại Việt Nam – Bộ Thông tin và Truyền thông. Ngày 27/12/ 2013, Ban quản lý Dự án phát triển Công nghệ Thông tin và Truyền thông tại Việt Nam – Bộ Thông tin và Truyền thông đã cùng với Công ty C và các bên có liên quan khác ký Biên bản Nghiệm thu cuối cùng để nghiệm thu các thiết bị phần mềm, phần cứng của Hệ thống Thông tin Chứng chỉ Gốc thuộc gói thầu MIC 1-2 về việc thực hiện nâng cấp Hệ thống Chứng chỉ gốc. Theo đó, người sử dụng cuối cùng là Ban quản lý Dự án phát triển Công nghệ Thông tin và Truyền thông tại Việt Nam – Bộ Thông tin và Truyền thông đã chấp nhận toàn bộ các hàng hóa, thiết bị và dịch vụ mà Nguyên đơn đã cung cấp cho Bị đơn.
Bị đơn đã không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thanh toán số tiền 227.618 USD cho việc mua bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ ngay sau khi sản phẩm cung cấp đã được chấp nhận bởi người dùng cuối cùng. Nguyên đơn đã nhiều lần gửi thư yêu cầu, thư điện tử, trao đổi qua điện thoại và phát hành hóa đơn để yêu cầu Bị đơn thực hiện nghĩa vụ thanh toán. Cụ thể, ngày 12/12/2014, nguyên đơn đã gửi thư yêu cầu và phát hành hóa đơn thương mại số INV- HNI02140129 đề nghị bị đơn phải thanh toán đầy đủ số tiền 227.618 USD chậm nhất là vào ngày 19/12/2014, nhưng bị đơn đã không thực hiện.
Ngày 16/02/2015, bị đơn đã thanh toán cho Nguyên đơn được 50.000 USD;
Ngày 03/6/2015, bị đơn có công văn đề xuất lịch trả nợ số tiền 177.618 USD, cụ thể: Thanh toán 50% số tiền trước 31/12/2015 và 50% còn lại sẽ thanh toán trước 31/5/2016 nhưng nguyên đơn không đồng ý mà yêu cầu phải thanh toán trong năm 2015. Sau nhiều lần trao đổi hai bên đã thống nhất lịch trả nợ như sau:
- 30% số nợ sẽ được thanh toán vào ngày 31/10/2015;
- 30% số nợ sẽ được thanh toán vào ngày 31/12/2015;
- 40% số nợ cuối cùng sẽ được thanh toán vào ngày 28/02/2016; và Công ty C cam kết sẽ trả hết số nợ trong năm 2015, nếu không trả được hết trong năm 2015, Công ty C sẽ trả thêm một khoản tiền phạt chậm trả là 7.000 USD vào đợt thanh toán 31/12/2015.
Ngày 05/02/2016, Bị đơn thanh toán tiếp cho Nguyên đơn 58.459.940 VNĐ, tương đương 2.618 USD.
Ngày 22/11/2016, Nguyên đơn gửi Thư xác nhận công nợ cho Bị đơn, và ông Đào Xuân A, người đại diện theo pháp luật của Bị đơn đã xác nhận số tiền hàng còn nợ là 175.000 USD.
Ngày 12/12/2016, Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc Công ty C phải thanh toán toàn bộ số tiền mua hàng còn thiếu là:
- Nợ gốc: 175.000USD
- Tiền phạt: 7.000USD
- Tiền lãi chậm thanh toán tính trên số tiền chậm trả theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường áp dụng cho khoản vay USD trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả tính từ 20/12/2014 cho đến khi thanh toán đủ, cụ thể:
+ Khoản 50.000USD chậm thanh toán (đã được thanh toán vào 16/02/2015): 5,4%/365 ngày x 50.000 USD x 58 ngày = 429 USD.
+ Khoản 177.618 USD (đến ngày 05/02/2016): 5,4%/365 ngày x 177.618 USD x 412 ngày = 10.826,42 USD.
+ Khoản còn lại: 175.000 USD (tạm tính đến 30/6/2017): 5,4%/365 ngày x 177.618 USD x 511 ngày = 13.230 USD.
(Lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường áp dụng cho khoản vay USD trên thị trường ngày 30/6/2017: 5,4%).
Tại phiên toà sơ thẩm ngày 14/09/2017 đại diện của Nguyên đơn khẳng định giữa hai bên có thoả thuận khoản phạt hợp đồng được thể hiện trong thư điện tử trao đổi giữa hai bên và xuất trình bản thư điện tử này cho Hội đồng xét xử sơ thẩm. Khoản tiền lãi của số tiền chậm trả nguyên đơn tính trên cơ sở lãi suất theo thông báo của Ngân hàng Nhà nước công bố trên cổng thông tin điện tử mức lãi suất cho vay trung và dài hạn USD là 6% và mức lãi suất quá hạn bằng 150% trong hạn nhưng chỉ đề nghị mức lãi suất là
8,1%/năm. Đồng thời Nguyên đơn đề nghị thời gian tính lãi đến ngày xét xử sơ thẩm là ngày 14/09/2017 là:
+ Khoản 50.000 USD thời gian tính tiền lãi chậm trả từ 20/12/2014 đến ngày 16/02/2015 là 58 ngày lãi suất 8,1%/năm là 643 USD.
+ Khoản 2.168 USD thời gian tính tiền lãi chậm trả từ 20/12/2014 đến ngày 05/02/2016 là 412 ngày lãi suất 8,1%/năm là 200,97 USD.
+ Khoản còn lại: 175.000 USD thời gian tính tiền lãi chậm trả từ 20/12/2014 đến ngày 14/09/2017 là 999 ngày lãi suất 8,1%/năm là 39.335,62 USD.
Tổng cộng các khoản mà Nguyên đơn yêu cầu là: 222.179,59 USD.
Về phía Bị đơn:
Theo đăng ký kinh doanh, Công ty có trụ sở tại Phường T, quận B, thành phố Hà Nội; Người đại diện theo pháp luật là Ông Đào Xuân A có hộ khẩu và nơi ở tại: Phường X, quận T, Thành phố Hà Nội.
Quá trình giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm đã tống đạt các văn bản tố tụng đến các địa chỉ trên, nhưng đều không thành. Tổ dân phố và Công an phường đều xác nhận Công ty không hoạt động tại trụ sở và ông A không sinh sống tại địa chỉ như trên, hiện nay Công ty và ông A chuyển đi đâu địa phương không biết, không rõ thời điểm trở về. Theo Điều 5 và Điều 6.2 (b) Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP ngày 05/5/2017, đây thuộc trường hợp bị đơn cố tình giấu địa chỉ và Tòa án cấp sơ thẩm niêm yết các văn bản tố tụng theo quy định, tuy nhiên bị đơn đều vắng mặt tại các buổi Toà án sơ thẩm triệu tập mà không có lý do và không có lời khai nào về vụ án.
Tại phiên toà ngày 14/9/2017, đại diện theo ủy quyền của bị đơn có mặt đã xác nhận giữa hai bên có thoả thuận đặt hàng, thanh toán như nguyên đơn đã trình bày. Hợp đồng đã được thực hiện và đã được chủ đầu tư nghiệm thu, bị đơn đã thanh toán một phần và hai bên đã có Biên bản thoả thuận ngày 29/3/2016, xác định bị đơn còn nợ nguyên đơn số tiền 175.000 USD. Số liệu này đại diện uỷ quyền của cả nguyên đơn và bị đơn đã đối chiếu trước phiên toà này và đều xác nhận là đúng.
Đối với các yêu cầu khởi kiện: Bị đơn xác định còn nợ số tiền 175.000 USD chưa thanh toán; không đồng ý với yêu cầu phạt 7.000 USD mà nguyên đơn yêu cầu vì hai bên không hề có thoả thuận về việc phạt hợp đồng; đối với số tiền lãi của số tiền chưa thanh toán, bị đơn không đồng ý mức lãi suất mà nguyên đơn đưa ra, song cũng không đề xuất mức lãi suất nào cụ thể, chỉ đề nghị Toà án xác định lại mức lãi suất theo quy định của pháp luật và thời điểm tính lãi kể từ ngày hai bên có biên bản thoả thuận xác định công nợ ngày 29/3/2016; đối với số tiền đã thanh toán thì không phải chịu lãi suất.
Hội đồng xét xử sơ thẩm nghị án kéo dài và tuyên án vào sáng ngày 19/09/2017.
Trước phiên toà ngày 19/09/2017, nguyên đơn đã xuất trình tài liệu là các văn bản lãi suất của các ngân hàng và bản giải trình về việc đính chính số tiền thanh toán ngày 05/02/2015 là 2.618 USD chứ không phải là 2.168 USD và đính chính tiền lãi của khoản tiền này là 242,68 USD, như vậy, tổng số tiền lãi là 41.221,30 USD. Đồng thời đề nghị Tòa án áp dụng lãi suất của 3 ngân hàng vì cho rằng dù việc mua bán phần mềm cũng là loại hàng hoá theo quy định của Luật Thương Mại, trường hợp Tòa án áp dụng lãi suất cơ bản theo quy định của Bộ luật Dân sự thì đề nghị Tòa áp dụng mức lãi suất cơ bản là 09%/năm. Tổng cộng yêu cầu bị đơn thanh toán là: 222.221,30 USD.
Hội đồng xét xử sơ thẩm đã quyết định dừng phiên toà để xem xét các chứng cứ mà nguyên đơn xuất trình và ấn định phiên tòa tiếp tục vào 08h30 ngày 30/09/2017.
Tại phiên tòa ngày 30/09/2017, Nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện như nội dung nêu trên và đề nghị Hội đồng xét xử tính lãi đến ngày 30/9/2017 lãi suất là 8,56137%/năm và số tiền lãi là 41.888 USD, nếu không được chấp nhận thì đề nghị Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết theo pháp luật.
Tại Bản án Kinh doanh – Thương mại sơ thẩm số 20/2017/KDTM-ST ngày 30/9/2017, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã:
Áp dụng: Điều 29; khoản 7, 8, 9 Điều 52 Luật Công nghệ thông tin; Nghị định 71/2007/NĐ-CP ngày 03/5/2007; Luật Sở hữu trí tuệ; Khoản 2 Điều 305 Bộ luật dân sự 2005; Bộ luật dân sự năm 2015; Bộ luật tố tụng dân sự 2015; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án. Xử:
- Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đối với bị đơn. Buộc Công ty CP Công nghệ C phải thanh toán cho Công ty M số tiền gồm:
- Nợ gốc chưa thanh toán: 175.000 USD (Một trăm bảy mươi lăm nghìn đô la Mỹ);
- Tiền lãi tính đến ngày 17/9/2017 là: 863.238.000 đồng (tám trăm sáu mươi ba triệu hai trăm ba mươi tám nghìn đồng).
Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền nợ gốc chưa thanh toán (nêu trên) theo mức lãi suất quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 tương ứng với thời gian chưa thi hành án.
- Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty M về việc đòi khoản tiền phạt hợp đồng là 7.000 USD đối với Công ty CP Công nghệ C.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí và thông báo quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Ngày 09/10/2017, bị đơn (Công ty CP Công nghệ C) do ông Đào Xuân A – Giám đốc Công ty có đơn kháng cáo với nội dung không chấp nhận trả lãi đối với khoản tiền mà công ty C đã thanh toán cho công ty M, gồm:
+ 13.575.000 đồng đối với số tiền 50.000 USD (tương đương 1.123.500 đồng) (tiền lãi chậm trả từ ngày 20/12/2014 đến 16/02/2015 là 58 ngày x 7,5%/năm.
+ 5.049.000 đồng đối với số tiền 2.618 USD (tương đương 58.826.000 đồng) (tiền lãi chậm trả từ ngày 20/12/2014 đến 05/02/2016 là 412 ngày x 7,5%/năm.
+ Thời hạn tính lãi suất chậm trả phải tính từ ngày 29/3/2016 là thời hạn hai bên đã thỏa thuận.
Tại phiên tòa phúc thẩm, người đại diện do đại diện bị đơn (Công ty CP công nghệ C) vẫn giữ nguyên nội dung kháng cáo đối với hai khoản tiền lãi nói trên.
Nguyên đơn vẫn giữ nguyên nội dung khởi kiện và đề nghị không chấp nhận kháng cáo của bị đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội có quan điểm đề nghị bác kháng cáo giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ được thẩm tra tại phiên tòa; căn cứ vào kết quả xét hỏi và tranh luận công khai tại phiên tòa.
TÒA ÁN NHẬN ĐỊNH
Với các tài liệu, chứng cứ được kiểm tra tại phiên tòa và thừa nhận của hai bên đương sự, có đủ cơ sở khẳng định:
Ngày 18/02/2013 Công ty CP công nghệ C có đơn đặt hàng đối với Công ty M với nội dung mua thiết bị phần mềm và phần cứng về mã hóa chữ ký điện tử và xác thực chữ ký điện tử cùng các dịch vụ liên quan để bán lại cho Ban quản lý Dự án phát triển công nghệ thông tin và truyền thông tại Việt Nam – Bộ thông tin và truyền thông. Đơn đặt hàng được thực hiện thông qua hình thức thư điện tử (e-mail) với các nội dung chủ yếu về tên hàng, số lượng, đơn giá và tổng số tiền là 227.618 USD; ngay sau khi nhận được sản phẩm hàng hóa được chấp nhận bởi người dùng cuối cùng thì người mua sẽ trả tiền ngay bằng hình thức chuyển khoản.
Ngày 27/12/2013, Ban quản lý Dự án phát triển công nghệ thông tin và truyền thông tại Việt Nam – Bộ thông tin và truyền thông đã cùng với công ty C và các bên có liên quan ký Biên bản nghiệm thu các thiết bị phần mềm, phần cứng của hệ thống thông tin chứng chỉ gốc thuộc gói thầu MIC 1-2 về việc thực hiện nâng cấp hệ thống chứng chỉ gốc. Người sử dụng cuối cùng là Ban quản lý Dự án phát triển công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam – Bộ thông tin và truyền thông đã chấp nhận toàn bộ các hàng hóa, thiết bị và dịch vụ mà Công ty M đã cung cấp thông tin cho công ty C.
Như vậy là hợp đồng mua bán phần mềm tin học trong lĩnh vực công nghệ thông tin giữa Công ty M (Bên bán) với Công ty C (Bên mua) đã được thực hiện xong, hai bên đã nghiệm thu sản phẩm và đưa vào sử dụng, người dùng cuối cùng đã chấp nhận nhưng Công ty C (Bên mua) mới thanh toán được 2 khoản tiền gồm: Ngày 16/02/2015 thanh toán 50.000 USD; ngày 05/02/2016 thanh toán 2.618 USD, còn nợ lại 175.000 USD (Xác nhận nợ ngày 29/3/2016). Do đó công ty M khởi kiện đề nghị Tòa án buộc Công ty cổ phần C phải thanh toán trả công ty M 175.000 USD và tiền lãi suất chậm trả là có căn cứ.
Xét kháng cáo của Công ty cổ phần C về khoản tiền lãi. Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy khoản 2 Điều 305 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Trong trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”.
Trong vụ kiện này: Ngày 28/02/2013 bị đơn (Công ty cổ phần C) có đơn đặt hàng mua hàng của nguyên đơn (Công ty M), trị giá hợp đồng mua bán hàng hóa là 227.618 USD, thỏa thuận thanh toán tiền bằng chuyển khoản ngay sau khi sản phẩm được chấp nhận bởi người dùng cuối cùng; Ngày 27/12/2013 Ban quản lý Dự án phát triển công nghệ thông tin và truyền thông tại Việt Nam – Bộ thông tin và truyền thông cùng với Công ty C và các bên có liên quan ký Biên bản nghiệm thu cuối cùng, theo đó người sử dụng cuối cùng (Ban quản lý Dự án phát triển công nghệ thông tin và truyền thông tại Việt Nam – Bộ thông tin và truyền thông) đã chấp nhận toàn bộ các hàng hóa, thiết bị và dịch vụ mà Công ty M đã cung cấp cho Công ty C.
Theo thỏa thuận mà hai bên đã ký kết thì đáng lẽ kể từ sau ngày 27/12/2013 Công ty C phải thanh toán tiền mua hàng cho Công ty M nhưng Tòa án cấp sơ thẩm chỉ tính lãi suất chậm thanh toán tính từ ngày 12/12/2014 là ngày Công ty M phát hành hóa đơn thương mại, yêu cầu Công ty C phải thanh toán tiền là đã có lợi cho bị đơn. Do đó không có cơ sở để chấp nhận kháng cáo của bị đơn.
Từ nhận định trên; căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự 2015
QUYẾT ĐỊNH
Không chấp nhận kháng cáo của đại diện Công ty C. Giữ nguyên quyết định của Bản án Kinh doanh – Thương mại số 20/2017/KDTM-ST ngày 30/9/2017 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội.
Áp dụng: Điều 29; khoản 7, 8, 9 Điều 52 Luật Công nghệ thông tin; Nghị định 71/2007/NĐ-CP ngày 03/5/2007; Luật Sở hữu trí tuệ; Khoản 2 Điều 305 Bộ luật dân sự 2005; Bộ luật dân sự năm 2015; Bộ luật tố tụng dân
sự 2015; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Xử:
1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đối với bị đơn. Buộc Công ty CP Công nghệ C phải thanh toán cho Công ty M số tiền gồm:
- Nợ gốc chưa thanh toán: 175.000 USD (Một trăm bảy mươi lăm nghìn đô la Mỹ); số tiền ngoại tệ này sẽ được quy đổi thành tiền VND (tiền Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) tại thời điểm thi hành án.
- Tiền lãi tính đến ngày 17/9/2017 là: 863.238.000 đồng (tám trăm sáu mươi ba triệu hai trăm ba mươi tám nghìn đồng).
Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền nợ gốc chưa thanh toán (nêu trên) theo mức lãi suất quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 tương ứng với thời gian chưa thi hành án.
Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Án phí: Công ty cổ phần C phải chịu 300.000 đồng án phí kinh doanh – Thương mại phúc thẩm.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
CÁC THẨM PHÁN THẨM PHÁN – CHỦ TỌA
PHIÊN TÒA
Đã ký Đã ký
Đặng Văn Hưng Vũ Minh Tuấn Đặng Bảo Vĩnh
Nơi nhận: VKSNDCC tại Hà nội;TAND thành phố Hà Nội;VKSND thành phố Hà Nội;Cục THADS thành phố Hà Nội;Các đương sự (theo địa chỉ);Lưu HS, HCTP. | T/M HỘI ĐỒNG XÉT XỬ PHÚC THẨM Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa (đã ký) Đặng Bảo Vĩnh |