
Khoản 1 Điều 468 Bộ Luật dân sự 2015 về Lãi suất quy định:
“Lãi suất vay do các bên thoả thuận.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/ năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.
Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực”.
Như vậy, nếu một người trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay thì đó là hành vi cho vay lãi nặng. Tuy nhiên, tùy vào mức lãi suất vượt quá mà hành vi đó bị coi là vi phạm hành chính hay có dấu hiệu tội phạm hình sự. Hành vi cho vay lãi nặng có thể cấu thành tội phạm theo quy định tại khoản 1 Điều 201 Bộ luật hình sự 2017 về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”. Cụ thể như sau :
“1.Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp năm lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thì bị phạt…”
Như vậy, nếu hành vi cho vay với lãi suất 20%x5=100%/năm của số tiền cho vay thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” quy định tại Điều 201 Bộ luật hình sự hiện hành.
Với quy định hiện hành của pháp luật, người cho vay tiền chỉ được cho vay với lãi suất cao nhất là 20%/năm, tương đương với mức lãi suất hàng tháng là 20%:12=1,66%/tháng.